Kịch bản lạm phát 2019: Không lo kể cả giá xăng dầu có tăng mạnh?

Kể cả xảy ra việc giá xăng dầu tăng mạnh trở lại và tỷ giá có mức tăng tương đương với mức tăng của năm 2018 thì mức lạm phát cả năm 2019 có thể vẫn thấp hơn năm 2018.

Tuy vậy, điều được cảnh báo có thể tác động đến thị trường hàng hóa năm 2019 là dịch bệnh, cụ thể là dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang có nguy cơ lây lan sang nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Vẫn lo dịch bệnh

Nhìn lại thị trường giá cả năm 2018, trong báo cáo gửi tới hội thảo giá cả mới đây, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương tổng kết, giá cả không có nhiều biến động lớn do cung cấp được đảm bảo.

Cụ thể, trong quý I, thị trường chủ yếu tập trung cho công tác phục vụ Tết với nhu cầu tăng cao ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và hàng tiêu dùng trong những ngày cận Tết. Tuy nhiên, mặt bằng giá không có biến động lớn do nguồn cung đã được chuẩn bị tốt theo các chương trình bình ổn thị trường và triển khai công tác phục vụ Tết tại các địa phương.

Một số mặt hàng nông sản khác (sản phẩm trồng trọt) được mùa, nguồn cung tăng nhưng được sự chủ động hỗ trợ tiêu thụ của các Bộ, ngành, địa phương nên giá không bị giảm sâu, bảo đảm lợi nhuận cho người trồng.

Từ quý II, thị trường hàng hóa có một số biến động nhất là đối với mặt hàng thực phẩm. Nguồn cung thịt lợn giảm sau thời kỳ chăn nuôi thua lỗ, giá mặt hàng này có xu hướng tăng mạnh đến đầu quý III, sau đó giữ ổn định và giảm nhẹ trong quý IV.

Theo ông, nguồn cung các mặt hàng nhóm vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng từ nguồn sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nên giá các mặt hàng này không có biến động lớn. Riêng mặt hàng phân bón có biến động tăng giá cao trong giai đoạn cuối quý III do giá nguyên liệu đầu vào và giá nhập khẩu tăng.

Kịch bản lạm phát 2019: Không lo kể cả giá xăng dầu có tăng mạnh? - 1

Theo đánh giá, giá cả năm 2018 không có nhiều biến động lớn do cung cấp được đảm bảo.

Từ đó, ông Nguyễn Lộc An cho rằng, CPI bình quân cả năm 2018 tăng khoảng 3,54% so với bình quân năm 2017 (dưới mức chỉ tiêu 4% Quốc hội giao). Trong cơ cấu CPI bình quân năm 2018, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm giáo dục và nhóm giao thông là các nhóm có mức tăng cao nhất (tăng từ 6,31-10,82%) và là nhân tố chính tạo nên mức tăng chung.

Tiếp đến là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng (tăng 3,32%) do tác động của giá các nhóm hàng năng lượng và sự phục hồi của thị trường bất động sản; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 3,23%) do các mặt hàng gạo, thịt lợn có những giai đoạn tăng cao trong năm 2018.

Các nhóm còn lại chỉ tăng từ 1,24-2,44%; Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,66%.

Với năm 2019, điều ông cảnh báo có thể tác động đến thị trường hàng hóa là dịch bệnh, cụ thể là dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang có nguy cơ lây lan sang nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, ông cũng bày tỏ lo lắng thời tiết diễn biến cực đoan ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất nông nghiệp và theo đó ảnh hưởng đến cung cầu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.

3 kịch bản giá

Cũng nói về năm 2019, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính lại bày tỏ cái nhìn lạc quan.

Theo ông, giá thịt lợn sau khi đã đạt mức trên 50.000 đồng/kg (thuộc hàng cao nhất thế giới) đã chững lại, bởi việc tăng giá cao hơn nữa sẽ khiến cho nguồn cung tăng mạnh (nhập khẩu thịt lợn tăng, bà con nông dân tái đàn) và kéo giá xuống.

Bởi vậy, giá thịt lợn trong năm 2019 theo vị chuyên gia này nhiều khả năng sẽ không tăng hoặc giảm, tức là đóng góp của giá thịt lợn vào lạm phát năm 2019 sẽ bằng 0 hoặc âm.

Yếu tố thuận lợi thứ hai là áp lực đối với tỷ giá trong năm 2019 được dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018. Nguyên nhân bởi kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại và lộ trình tăng lãi suất của Fed cũng đang ở giai đoạn cuối, dẫn đến nhu cầu đối với đồng USD sẽ không còn mạnh như trước.

Một yếu tố khác là những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có chiều hướng dịu bớt. Khi cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc cùng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm sau, việc gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa 2 nước sẽ không có lợi cho bất kỳ ai, kể cả bên thứ ba là các nước còn lại. Điều này sẽ khiến cho tỷ giá đồng nhân dân tệ ổn định hơn trong năm 2019.

Như vậy, ông tổng kết, cả 3 yếu tố khiến cho lạm phát những tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là giá dầu, giá thịt lợn và tỷ giá đều được dự báo sẽ giảm hoặc ổn định hơn trong năm 2019. Điều đó có nghĩa là nhiều khả năng lạm phát trong năm 2019 sẽ thấp hơn lạm phát trong năm 2018.

Ông cũng đưa ra "kịch bản trung bình" là lạm phát sẽ tăng khoảng 0,14%/tháng (chưa tính điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục), tương đương với mức tăng của lạm phát cơ bản trong năm 2018. Với mức tăng này, lạm phát cùng kỳ tháng 12 năm 2019 sẽ ở mức khoảng 1,7% và lạm phát trung bình sẽ chỉ ở mức trên 2%. Tuy nhiên, ông cũng lưy ý, do Chính phủ sẽ điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình nên lạm phát trung bình sẽ cao hơn, nhưng khả năng sẽ chỉ ở mức khoảng 3%.

Trong kịch bản thấp, giá dầu tiếp tục giảm và tỷ giá VND/USD chỉ tăng 1%, lạm phát cùng kỳ của tháng 12/2019 có thể chỉ ở mức 1% và lạm phát trung bình cả năm 2019 chỉ ở mức 2,5%.

Còn với kịch bản cao, theo ông, giá xăng dầu tăng mạnh trở lại và tỷ giá có mức tăng tương đương với mức tăng của năm 2018, đồng thời Chính phủ vẫn điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình, lạm phát trung bình cả năm 2019 sẽ vẫn thấp hơn mức 3,54% của năm 2018.

Tuy vậy, về tổng thể, vị này nhận định, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 gần như chắc chắn sẽ đạt được./.

Chuyên gia tiết lộ con số sốc về lạm phát nếu tăng thuế xăng dầu

Lạm phát năm 2019 có thể vượt xa mục tiêu 4% của Chính phủ trong đó có nguyên nhân không nhỏ từ việc tăng kịch trần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN