Không thể cầm cự thêm, nhiều chủ rao bán khách sạn
Chi phí đầu tư, vận hành lớn, nhưng gần như không có doanh thu do dịch bệnh Covid-19, nhiều chủ phải cắn răng rao bán khách sạn của mình.
Khách sạn 5 sao ở Sapa, Lào Cai rao bán 110 tỷ đồng
Doanh thu 0 đồng, chi phí cả nửa tỷ/tháng
Nằm vị trí vàng trên con phố lớn thuộc quận Tây Hồ, khách sạn của anh Hoàng Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội) cao 8 tầng, 16 phòng, tổng diện tích hơn 560m2 sàn, có gara rộng đủ chứa 10 xe ô tô. Được quảng cáo gần với các dự án Khu đô thị lớn như: KĐT Ciputra, Ngoại giao đoàn, Trung tâm thương mại lớn... khách sạn của anh Sơn đang được chào bán giá 36 tỷ đồng.
Vắng khách, anh Sơn vừa kéo vòi nước tưới cây vừa chia sẻ, mới đầu tư vào khách sạn được hơn 2 năm. Trước khi xảy ra dịch bệnh (khoảng tháng 10/2019), khách sạn của anh mỗi tháng trung bình thu về khoảng 200 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, còn lại lãi khoảng trên dưới 100 triệu. Ba tháng nay, dịch bệnh liên miên, gần như không có khách đến. Các phòng được đặt trước đó 3 tháng cũng đã bị hủy.
Đầu tư lớn, dự liệu tình trạng này kéo dài, cộng với áp lực phải thanh toán tiền vay ngân hàng trả hàng tháng nên vợ chồng anh quyết định bán thu hồi vốn trả nợ. “Doanh thu lớn nhưng chi phí cũng lớn lắm. Chú bảo hộ cá thể như anh lấy đâu ra tiền mặt mấy chục tỷ. Toàn tiền vay đầu tư. Kinh doanh suôn sẻ thì khoảng hơn chục năm trả hết vốn vay. Nhưng tình trạng như hiện nay chưa nói đến trả nợ ngân hàng, trả tiền chi phí phục vụ kinh doanh hàng tháng còn âm. Nên thôi, rút sớm chú ạ!”, anh Sơn giãi bày.
Cùng tình trạng trên, một khách sạn trên địa bàn quận Đống Đa quảng cáo cho doanh thu 500 triệu đồng/tháng, diện tích 1.400m2, rao bán giá 34 tỷ đồng.
Mới đây, một ca sỹ nổi tiếng cũng đã rao bán công khai khách sạn 5 sao do mình làm chủ tại Sapa, Lào Cai, diện tích 350m2, 58 phòng với giá 110 tỷ đồng, sau khi huyện Sapa quyết định tạm dừng đón khách để chung tay chống dịch Covid-19.
Một nhân viên khách sạn cao cấp với 200 phòng, chuẩn 4 sao vừa mới đưa vào khai thác tháng 1 năm nay, chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chủ khách sạn cắt giảm phần lớn nhân sự, chỉ giữ lại mỗi bộ phận một người để vận hành. Trong lúc này khách sạn vẫn mở cửa nhưng một tháng cũng tiêu tốn hết 400-500 triệu đồng tiền chi phí.
Vừa bán vừa nghe ngóng
Thông tin rao bán khách sạn 5 sao ở Sapa được chủ nhân đăng tải trên mạng
Vào Google gõ cụm từ “bán khách sạn”, trong 86 giây, công cụ tìm kiếm đã hiển thị gần 80 triệu kết quả liên quan đến từ khoá. Khách sạn rao bán đủ mức giá, từ vài tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.
Kết quả nghiên cứu thị trường của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Đại Việt, quản lý trang batdongsan.com.vn ghi nhận: 2 tháng đầu năm 2020, lượng tin đăng rao bán bất động sản nói chung tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước (2 tháng đầu năm 2019); Riêng Hà Nội tăng 35%; TP HCM tăng 22%. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, hiện nay vẫn chưa phải là cao điểm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định, bán nhà hàng, khách sạn, thậm chí bán cả dự án là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng bây giờ chưa phải cao điểm. Đây là thời điểm mọi người lo lắng chống dịch, lo sức sống doanh nghiệp, nhân viên nhiều hơn.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sàn giao dịch bất động sản Sohovietnam thẳng thắn chia sẻ, hiện nay vẫn có những giao dịch mua bán, đầu tư nếu sản phẩm tốt. Trong hoạt động kinh doanh, “khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác”. Tuy nhiên, ông Cần cho rằng, những trường hợp rao bán khách sạn được đề cập ở trên là những trường hợp cá biệt. Bởi nhiều chủ đầu tư vẫn đang cố gắng “cầm cự” và hy vọng bệnh dịch sẽ qua nhanh.
“Nhiều khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng đều đang kêu khó khăn nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn chưa chấp nhận bán rẻ. Họ đang nghe ngóng thị trường xem tình hình bệnh dịch như thế nào. Nếu dịch bệnh chỉ xuất hiện trong ngắn hạn, có thể họ sẽ phục hồi nhanh”, ông Cần nhận định.
Cũng theo ông Cần, nếu ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây thì họ vẫn cầm cự được. Trong trường hợp các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp không hiệu quả, khó khăn kéo dài, doanh nghiệp không thể cầm cự, lúc đó họ mới tính các phương án bán, chuyển nhượng dự án. “Nếu kịch bản đó xảy ra, ít nhất phải 6 tháng đến một năm nữa, thị trường mới sôi động”, ông Cần cho hay.
Trong một chia sẻ mới đây, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng: Đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn. Do vậy, có thể nói những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng và thu hút được sự quan tâm cả trong và ngoài nước.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 ước đạt 449.923 lượt, giảm 63,8% so với tháng 2/2020 và giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 3 tháng năm 2020 ước đạt 3.686.779 lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng: Việt Nam hiện có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019) cũng như các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam. Sau đại dịch, có thể hai quốc gia trên sẽ là những nhóm khách đầu tiên trở lại. Ngành du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ trong khoảng 6 tháng. |
Nguồn: [Link nguồn]