Không quan tâm đến lương hưu, giới trẻ Việt đang tiết kiệm và tiêu tiền thế nào?

“Mình không quan tâm tới tiết kiệm tiền về hưu, tiền ăn còn không đủ nữa là”. Trần Bá Khải – nhân viên Marketing của một hệ thống Spa tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Ưu tiên những việc có lương cơ bản thấp nhưng thưởng cao

Ở tuổi 24, anh Trần Bá Khải làm Marketing cho một chuỗi Spa ở TP.HCM, lương cơ bản chỉ 5 triệu đồng, nhưng thưởng thêm khoảng 10 triệu đồng. Mức bảo hiểm đóng cho khoản lương hưu sau này của Khải chỉ tính trên 5 triệu lương cơ bản đó. 

“Lương cơ bản thấp nhưng thưởng cao cũng mừng, mình sẽ đỡ bị trừ tiền bảo hiểm, tiền nhận mỗi tháng sẽ cao hơn.”

Đây không phải là lựa chọn riêng của Khải mà còn là của rất nhiều bạn trẻ khác, vì hầu như mọi người đều quan tâm tới việc mình được thu được bao nhiêu chứ không quan tâm nhiều đến việc sẽ trích tiền đóng bảo hiểm như thế nào để được nhận lương hưu sau này. 

“Có quá nhiều thứ phải chi trả, từ sinh hoạt phí đến việc đi du lịch, giải trí.” Khải chia sẻ thêm anh đang cần tiền để mua mẫu điện thoại mới nhất của một hãng điện thoại nổi tiếng, và qua Singapore thăm một người bạn đang đi du học. 

Không quan tâm đến lương hưu, giới trẻ Việt đang tiết kiệm và tiêu tiền thế nào? - 1

Giới trẻ có rất nhiều dự định trong tương lai gần, mà chuyện nghỉ hưu còn ở quá xa 

Cũng giống như Khải, Linh Chi – 26 tuổi, không quan tâm tới lương hưu. Chi chủ yếu làm Freelance viết bài cộng tác. Chi yêu cuộc sống tự do và và tin rằng mình sẽ đi du học trong thời gian tới nên cũng không cần nghĩ tới việc tiết kiệm lương hưu làm gì. 

“Mình không muốn bó buộc bản thân vì lương hưu hay bảo hiểm, hay gì cả. Sau này mình còn muốn đi du học, làm ở nước ngoài một thời gian rồi mới về nước, lúc đó tính cũng được”.

Quan tâm tới những dự định ngắn hạn 

Giới trẻ không quan tâm tới tiết kiệm hưu trí, nhưng không có nghĩa là họ không biết tiết kiệm. Thảo Phương (26 tuổi) cho rằng có quá nhiều những mục tiêu gần để lo như: tiết kiệm tiền để sinh con, tiết kiệm tiền mua nhà, đi du lịch, trải nghiệm cuộc sống, chi trả cho các món đồ công nghệ, còn việc tiết kiệm tiền để nghỉ hưu là tương lai ở rất xa nên tạm thời chưa nghĩ đến. 

Việc cân đối thu chi trong cuộc sống hằng ngày vốn đã không dễ dàng, huống gì tính tới việc xa xôi như nghỉ hưu. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng cho rằng mình sẽ giàu có trong tương lai 10, 20 năm nữa nên khi đó, kế hoạch tiết kiệm để nghỉ hưu là không cần thiết. 

Ở một góc độ khác, anh Hải – 30 tuổi, làm nghề lập trình viên với mức lương khá cao – 50 triệu đồng/ tháng, ngoài chi tiêu thông thường, anh Hải rất quan tâm tới đầu tư tài chính

“Mình tiêu 50% và 50% còn lại dùng cho đầu tư. Mình chơi cổ phiếu, một số loại sản phẩm tài chính khác. Khi có vốn cao hơn sẽ để dành vốn đầu tư bất động sản.”

Tuy nhiên khi được hỏi có nghĩ tới việc tiết kiệm cho việc nghỉ hưu hay chưa, anh Hải lại không nghĩ tới: “Mình muốn tập trung để mua nhà trong thời gian tới. Còn về già mình nghĩ lúc đó đã có tài sản đất đai rồi, chắc cũng sẽ có tiền để dành, nhưng nếu chỉ tính riêng cho quỹ lương hưu mình cũng không nghĩ tới.”

Không mặn mà vì “lương hưu có cũng chẳng bao nhiêu”

Linh Chi cho biết, ngược lại với mình – mẹ Chi rất quan tâm tới bảo hiểm lương hưu, nên bà cũng thường cằn nhằn Chi về việc không quan tâm tới việc đóng bảo hiểm, hay làm việc chính thức tại công ty để đóng bảo hiểm xã hội. “Mình không hiểu sao mẹ mình phải quan tâm nhiều đến vậy, trong khi lương hưu của bà tính ra cũng chỉ 2-3 triệu đồng/ tháng.” Chi chia sẻ.

Theo quy định, đối với bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp sẽ đóng 21,5% trên khoản lương cơ bản, còn người lao động sẽ đóng 10.5%. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng có chính sách trả lương cơ bản thấp nhằm mục đích giảm số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên. Phía nhân viên thì vẫn vui vẻ vì tiền nhận hàng tháng càng nhiều càng tốt.

“Nếu lương hưu được tính trên lương cơ bản của mình thì về già mình cũng chẳng nhận được bao nhiêu. Cũng không đủ sống.” – Bá Khải chia sẻ. 

Tất nhiên sẽ không thể chỉ phụ thuộc vào bảo hiểm xã hội. Nhiều chuyên gia về tài chính cá nhân cho rằng việc tiết kiệm tiền cho quỹ hưu trí sẽ không chỉ dừng lại ở việc đóng bảo hiểm xã hội, vì căn bản đôi khi bảo hiểm xã hội cũng sẽ không đảm bảo đầy đủ cho cuộc sống khi bạn đã ở ngoài độ tuổi lao động. Một số chuyên gia tài chính trên thế giới cho rằng một người bình thường sẽ cần 1 khoảng tiền lương hưu tương đương với 70% lương trong thời kì đi làm để chi tiêu. 

Không quan tâm đến lương hưu, giới trẻ Việt đang tiết kiệm và tiêu tiền thế nào? - 2

Nếu chỉ phụ thuộc vào bảo hiểm xã hội cũng khó đủ chi tiêu khi về hưu

Kể cả khi bạn đã có kể hoạch phát triển kinh doanh, đầu tư, tiết kiệm thì theo nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân vẫn luôn phải trích 1 phần thu nhập để tiết kiệm cho quỹ hưu trí sau này. Theo đó, việc đầu tư cho quỹ hưu trí của bản thân nên là những khoản đầu tư an toàn, ít rủi ro, như gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư trái phiếu, đầu tư vào những tài sản lâu dài như bất động sản. 

Theo anh Nguyễn Minh Nhật, chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính cá nhân, trước khi chọn kênh đầu tư cho quỹ hưu trí cần xác định mình bạn sẽ chi tiêu cho những hoạt động nào khi về hưu. Các khoản đó có thể bao gồm: chi phí sinh hoạt, khám chữa bệnh, ốm đau, đi du lịch, cho con cháu, cũng có thể là trường hợp xấu, khi đó chúng ta không thể đi lại được và cần sự chăm sóc từ bên ngoài. Quan trọng nhất theo anh Nhật là phải rõ chi, sau đó chọn kênh đầu tư phù hợp với mỗi cá nhân. 

Giới trẻ nghĩ gì về lương hưu?
Bạn có quan tâm đến quỹ lương hưu, hay nói cách khác là quỹ tiết kiệm để dưỡng già hay không?

Cách tiết kiệm tiền mà không phải sống khổ sở

Không cần phải từ bỏ ly cà phê buổi sáng và sống khổ sở chỉ để cố gắng sống thật tiết kiệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trâm Anh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN