'Không nên cấm thành viên gia đình cùng đấu giá một tài sản'
Quy định cấm cha, mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột cùng đấu giá một tài sản để tránh thông đồng giá nhưng các đại biểu Quốc hội cho rằng không hợp lý.
Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật đấu giá tài sản (sửa đổi một số điều). Ở lần sửa này, dự thảo luật bổ sung quy định cấm cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột... đăng ký tham gia đấu giá cùng một tài sản. Quy định này nhằm tránh tình trạng thông đồng, dìm giá hay "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá.
Nêu ý kiến, ông Trần Văn Tuấn, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bắc Giang, cho rằng quy định như trên sẽ hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, không phù hợp Hiến pháp. Quy định này cũng làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí cho tổ chức, người tham gia đấu giá.
Theo ông Tuấn, thực tế nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất có các cặp vợ chồng hoặc cha mẹ anh chị em ruột tham gia nhưng vẫn bảo đảm khách quan, không có tình trạng thông đồng, dìm giá.
"Quy định cấm nhưng không kiểm soát được sẽ dẫn đến sai sót, bởi sau khi đấu giá xong mới phát hiện người tham gia đấu giá có quan hệ hôn nhân, huyết thống. Lúc đó sẽ phải hủy kết quả để đấu giá lại", ông Tuấn nói, thêm rằng việc này có thể tạo ra hệ lụy, gây tốn kém do phải đấu giá lại.
Ngoài ra, tổ chức đấu giá có nguy cơ đối diện với tranh chấp, khiếu kiện.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bắc Giang, phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật đấu giá tài sản, chiều 21/5. Ảnh: Media Quốc hội
Góp ý, ông Lã Thanh Tân, Phó trưởng đoàn chuyên trách TP Hải Phòng nói quy định này rất khó thực hiện. Ông Tân đề nghị cân nhắc đưa nội dung này vào dự thảo luật. Trường hợp vẫn cấm thành viên trong gia đình tham gia đấu giá cùng một tài sản thì cần có cơ chế đảm bảo quyền cá nhân của họ.
"Cần làm rõ thế nào là có khả năng chi phối hoạt động vì quy định này mang tính định tính và rất khó xác định trong thực tế", ông nêu.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu theo hướng rút gọn những người tham gia đấu giá tài sản. Song, ông Thanh nhắc lại tinh thần sửa đổi lần này là ngăn chặn việc thông đồng, móc nối làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá.
Ngoài ra, dự luật bổ sung quy định người có tài sản đấu giá chịu trách nhiệm về gộp tài sản thành các lô, hoặc tách riêng để đưa ra đấu giá. Quy định này áp dụng cả cho tài sản cá nhân và Nhà nước.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như vậy dễ dẫn tới tiêu cực. Ông phân tích, trường hợp tài sản của cá nhân, việc tách hoặc gộp tài sản khi đem ra đấu giá sẽ "không thành vấn đề, vì họ có quyền bán sỉ tài sản của mình".
Nhưng, tài sản Nhà nước lại là chuyện khác. Lúc này, người có tài sản là đại diện sở hữu của Nhà nước, việc quy định họ chịu trách nhiệm gộp các tài sản thành lô để đấu giá mà "không có căn cứ rõ ràng sẽ dễ dẫn tới tiêu cực và mất cán bộ".
Chưa kể, việc gom thành lô tài sản đem đấu giá sẽ khó thành công. Chẳng hạn, việc gom một lô đấu giá 10-20 xe công của các cơ quan Nhà nước sẽ khó có người mua, nếu có thì "chắc chắn là đầu lậu". Người có nhu cầu thực họ chỉ mua 1 hoặc 2 chiếc.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói đồng tình bổ sung quy định cấm nhằm tránh tiêu cực trong đấu giá tài sản, song nên thực hiện đấu giá thành hai bước với tài sản Nhà nước.
Theo đó, việc đấu giá tài sản có thể tiến hành riêng lẻ, sau đó bán lô theo diện thanh lý. Quy trình như vậy, theo ông Giang, đảm bảo sự minh bạch khi đấu giá tài sản Nhà nước.
Về quy định bỏ kết quả đấu giá, ông Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) kiến nghị bổ sung thêm chế tài cấm người tham gia đấu giá nhưng bỏ cọc, không được tham gia các cuộc đấu giá khác trong 6 tháng hoặc 1 năm. Việc này theo ông để tăng tính răn đe.
Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào ngày 27/6.
3.790 căn hộ tái định cư bỏ trống ở Thủ Thiêm đang được hoàn tất các thủ tục để đấu giá vào cuối năm nay.
Nguồn: [Link nguồn]