'Không để trục lợi chính sách khi thi hành sớm 3 luật bất động sản'

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ tránh lợi ích nhóm khi Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8.

Quan điểm này được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu khi kết luận phiên thảo luận chiều 13/6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều 4 luật: Đất đai 2024, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản 2023 và Các tổ chức tín dụng 2023.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ điều 253 đến 260) Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 1/1/2025.

Chính phủ cho rằng, việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn sẽ khơi thông nguồn lực, giá trị đất đai, cũng như đáp ứng nguyện vọng của địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý Chính phủ nhận diện rõ rủi ro, thách thức của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực này, để có giải pháp kiểm soát.

"Chính phủ cần cam kết, chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và không để khoảng trống pháp lý, trục lợi chính sách và lợi ích nhóm khi các luật có hiệu lực sớm từ 1/8", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên thảo luận, chiều 13/6. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên thảo luận, chiều 13/6. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Trước đó, thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi hiệu lực sớm hơn 5 tháng với các luật chưa có hiệu lực, có nhiều nội dung mới, phức tạp và tác động lớn nên cần cân nhắc thận trọng.

Cơ quan thẩm tra nhận xét hồ sơ dự án luật của Chính phủ chưa đánh giá kỹ tác động tích cực, tiêu cực với kinh tế - xã hội; ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan trình cũng chưa làm rõ điều kiện bảo đảm thi hành luật, như tiến độ, chất lượng văn bản quy định chi tiết do các cơ quan trung ương, địa phương ban hành.

Ở điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo khả thi, không chồng chéo với các luật và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện thi hành luật này.

Theo tờ trình, Chính phủ cho hay các bộ đã rà soát quy định chuyển tiếp tại các luật trên và đánh giá tác động vướng mắc có thể phát sinh với doanh nghiệp đang làm dự án đầu tư có sử dụng đất.

Cùng đó, các bộ đã có phương án thể chế hóa quy định, tránh gây khó khăn cho quản lý và người sở hữu, giao dịch đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, theo Chính phủ, sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng để thi hành khi các luật có hiệu lực từ 1/8.

Hiện, hầu hết địa phương, doanh nghiệp đều mong các luật mới, tác động quan trọng với thị trường bất động sản sớm được đưa vào cuộc sống, gỡ vướng các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng, cấp quyền sử dụng đất... Còn theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có nhiều nội dung mới, trong đó sẽ siết chặt tình trạng phân lô bán nền tại các địa phương.

Dự kiến, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đất đai 2024, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Các tổ chức tín dụng 2023, sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 7 theo thủ tục rút gọn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Minh ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN