Không có quy định nào cấm mua bán vàng bằng tiền mặt
Mục tiêu cao nhất của đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt chính là để giúp thị trường này minh bạch, nhưng liệu đề xuất này có đang vi phạm quy định pháp luật hiện hành?
Mới đây, tại Họp báo thường kỳ quý II/2024 do Bộ Tài chính tổ chức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết việc mua bán vàng bằng tiền mặt hiện rất dễ dàng, dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình thanh kiểm tra. Để chống thất thu ngân sách, Bộ Tài chính, ngành thuế đề xuất Ngân hàng Nhà nước phối hợp để đưa kinh doanh vàng vào quản lý thanh toán qua tài khoản, ngân hàng. Giải pháp này giúp kiểm soát dòng tiền, chống rửa tiền và thực hiện chủ trương Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, ông Đỗ Phú Trần Tình và Cộng sự, Viện trưởng - Viện Phát triển chính sách ĐHQG-HCM (thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật) lại cho rằng đề xuất trên của cơ quan thuế chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Đề xuất không phù hợp?
Phân tích một cách cụ thể hơn, ông Đỗ Phú Trần Tình cho biết: Trước hết, nhìn từ góc độ người bán, tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, hay Điều 11 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó”.
Cấm mua bán vàng bằng tiền mặt khó khả thi. Ảnh minh hoạ
Rõ ràng, hiện nay, việc mua bán và trao đổi bằng tiền mặt là hoàn toàn hợp pháp, không có bất kỳ quy định nào liên quan đến việc không được giao dịch bằng tiền mặt với đối tượng là vàng.
Giả sử, thời gian tới có quy định cấm không được mua bán vàng bằng tiền mặt thì cũng khó thực hiện. Bởi tiền vẫn là công cụ giao dịch và chỉ cấm mỗi đối với vàng thì không đảm bảo tính thực thi chung.
Còn xét từ góc độ người mua, tại Nghị quyết 27 về Nhà nước pháp quyền có đề cập đến nguyên tắc: “Công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”.
Đây là nguyên tắc cốt lõi bảo vệ quyền lợi của công dân, họ được thực hiện những công việc, hành vi mà pháp luật không cấm. Dĩ nhiên trong số đó có việc mua bán vàng dưới hình thức tiền mặt.
Câu hỏi đặt ra là, liệu đề xuất trên của cơ quan thuế về mua bán vàng có vi phạm pháp luật không?, khi nó đang xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân.
Tôi cho rằng, việc thanh toán không tiền mặt mới chỉ dừng ở mức khuyến khích, chứ chưa có bất cứ hàng hóa nào bắt buộc người dân phải thanh toán không dùng tiền mặt thì mới được phép mua.
Cùng với đó, hình thức thanh toán không tiền mặt hiện nay chủ yếu mới tập trung ở các thành phố lớn, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, chứ chưa phổ biến rộng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu ,vùng xa...
Không dùng tiền mặt là xu hướng chung, nhưng với những người dân ở vùng sâu, vùng xa chỉ mua 0,5 chỉ vàng cũng phải thanh toán qua tài khoản là rất khó.
Do vậy, trong trường hợp cơ quan chức năng dùng biện pháp hành chính bắt buộc trong thanh toán giao dịch vàng miếng, không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát thị trường vàng, tất yếu sẽ diễn ra hiện tượng đi “ngầm” hay “lách luật”, khi đó việc kiểm tra, quản lý thị trường vàng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, việc Tổng cục Thuế đề xuất cấm giao dịch, mua bán vàng bằng tiền mặt là chưa hợp lý và chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Cần giải pháp tổng thể
Để thị trường vàng minh bạch, tôi cho rằng cần 3 yếu tố dưới đây.
Thứ nhất, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi từ tiền mặt sang hình thức chuyển khoản. Việc chuyển đổi loại hình giao dịch không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Cũng như việc cấm mua bán vàng bằng tiền mặt cũng không thể nói cấm là cấm mà cần một quá trình dài tác động và làm quen.
Cần có khảo sát thực tế về số liệu, thói quen giao dịch của người dân trên từng khu vực để có các phương án phù hợp. Với những khu vực có tỉ lệ giao dịch chuyển khoản thấp, cần các cơ chế khuyến khích thực hiện, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nhằm tạo nên thói quen sinh hoạt.
Với những khu vực có tỉ lệ giao dịch cao, có thể thực hiện thí điểm trên phạm vi nhỏ rồi dần mở rộng để khảo sát phản ứng của người dân cũng như hiệu quả thực tế nhằm có những điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ hai, nên đưa ra hạn mức giao dịch bắt buộc chuyển khoản. Qua nhiều ý kiến và phản hồi cho thấy, hạn chế của đề xuất trên bắt nguồn phần nhiều ở việc các giao dịch chỉ mua vàng làm trang sức hay số lượng ít vẫn phải chuyển khoản, dẫn đến bất tiện cho người dân.
Chính vì thế, nên xây dựng hạn mức giao dịch mà nếu đạt đến mức đó sẽ phải chuyển khoản, ví dụ như các giao dịch vàng từ trên 100 triệu đồng trở sẽ cấm thanh toán bằng tiền mặt thì tính khả thi sẽ cao hơn.
Việc quy định hạn mức chuyển khoản phù hợp sẽ vừa giúp kiểm soát được các giao dịch mua bán vàng lớn, vừa không gây ảnh hưởng đến các hoạt động mua bán, trao đổi nhỏ, phục vụ cuộc sống cá nhân.
Thứ ba, cần điều chỉnh và xây dựng các văn bản pháp luật liên quan nhằm phù hợp với thực tiễn xã hội. Hơn 10 năm áp dụng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên đến nay, thực tế cho thấy Nghị định trên cùng những văn bản liên quan đã không còn phù hợp với xu hướng phát triển và bối cảnh mới. Do vậy, giải pháp căn bản nhất trong bối cảnh hiện nay là chuyển quản lý thị trường vàng từ công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ thị trường. Theo đó giúp thị trường vàng phát triển minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đừng để minh bạch thị trường vàng kiểu "chín ép" Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: Mục tiêu lớn nhất của Tổng Cục thuế khi đưa ra đề xuất bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch, mua bán vàng là muốn tạo sự minh bạch cho thị trường vàng. Bởi khi mua bán vàng thông qua tài khoản ngân hàng, cơ quan thuế sẽ kiểm tra, tính toán được doanh thu của các tiệm vàng. Hiện phần lớn các tiệm vàng nhỏ lẻ đều chọn hình thức thuế khoán tức là không thực hiện chế độ sổ sách, kế toán, hóa đơn. Như vậy, cũng sẽ xảy ra tình trạng thất thu thuế tương đối lớn, bởi không các cơ quan thuế không biết mỗi tháng, các tiệm vàng mua – bán vàng bao nhiêu lượng, để tính toán thuế cho phù hợp. Nói chung, mục tiêu của đề xuất mà Bộ Tài chính đưa ra chính sách trên là để kiểm soát dòng tiền của các tiệm vàng, từ đó đưa ra các giải pháp tính thuế cho phù hợp và tạo tính minh bạch cho thị trường cũng như hạn chế tình trạng nhập lậu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì đề xuất này khó khả thi. Cho dù việc thanh toán không tiền mặt đã và đang ngày càng phát triển, nhưng nó chưa hoàn toàn thay thế cho phương thức thanh toán bằng tiền mặt. Nhất là ở các khu vực nông thôn, người dân vẫn có thói quen mua bán thanh toán các loại hàng hoá bằng tiền mặt. Do đó, dù đề xuất này hướng tới mục tiêu minh bạch thị trường vàng nhưng để thực hiện được thì nó cần xây dựng lộ trình cụ thể. Cần có thời gian để người dân thích nghi dần với việc chuyển đổi hình thức giao dịch mua bán vàng, đồng thời cũng cần có phần mềm đồng bộ để quản lý các tiệm vàng, kể cả tiệm vàng nhỏ lẻ. Chứ đùng một cái mà thực hiện quy định cấm mua bán vàng bằng tiền mặt sẽ rất khó khả thi. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng, các cơ quan chức năng cần hướng tới việc đánh thuế vào lợi nhuận kiếm được từ việc đầu cơ vàng. Chẳng hạn, tại Mỹ, mức thuế áp cho người nắm giữ vàng lên tới 28%/lợi nhuận. Ví dụ, mua 1 lượng vàng với giá 100 triệu, sau đó bán với giá 200 triệu, thì trên mức lợi nhuận kiếm được từ vàng là 100 triệu đồng, họ sẽ phải đóng thuế lợi tức là 28 triệu đồng. Nhưng để thu được thuế lợi tức thì cơ quan thuế bắt buộc phải biết được khách hàng mua vàng với giá bao nhiêu và bán ra bao nhiêu. Ở nước ngoài, việc mua bán vàng vật chất hay vàng tài khoản đều thông qua tài khoản ngân hàng, nên các cơ quan thuế sẽ dễ dàng kiểm tra. THÙY LINH |
Giá vàng thế giới tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng gần 2 tháng qua.
Nguồn: [Link nguồn]