Khởi tố vụ án tại Công ty vàng bạc SJC: Độc quyền vàng miếng thu tỷ USD, lãi bèo
Cơ quan điều tra khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn với 6 bị can bị buộc tội "tham ô tài sản" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Ông lớn độc quyền thương hiệu vàng quốc gia SJC hoạt động ra sao?
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp kinh doanh vàng 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TPHCM, hoạt động hơn 35 năm trong lĩnh vực này, với mạng lưới hơn 200 cửa hàng, hàng chục đại lý chính thức. Trong đó, có hàng chục cửa hàng được phép giao dịch vàng miếng SJC.
SJC được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy làm thương hiệu vàng quốc gia từ năm 2012. SJC sản xuất vàng miếng thương hiệu này và chịu trách nhiệm về chất lượng vàng miếng SJC.
Theo kết quả điều tra ban đầu, “các bị can lợi dụng việc mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ sổ sách, để thu lời bất chính”. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang khẩn trương củng cố tài liệu, chứng cứ đối với các bị can, đồng thời mở rộng vụ án, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Ông lớn độc quyền vàng SJC: Doanh thu khủng, lãi mỏng
SJC có doanh thu hàng năm rất khủng nhưng lợi nhuận rất thấp. Về thị phần, SJC luôn đứng đầu về doanh thu, đặc biệt mảng vàng miếng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2023, SJC ghi nhận doanh thu lên tới hơn 28,4 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD) nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 61 tỷ đồng. Giá vốn chiếm gần hết doanh thu, lên tới gần 28,2 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, nhiều khả năng, giá nguyên liệu đầu vào được ghi nhận ở mức rất cao, cho dù ở nhiều thời điểm trong khoảng hơn 4 tháng đầu năm, giá vàng miếng SJC cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới quy đổi, thường xuyên chênh ở mức trên 10 triệu đồng/lượng, có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC. Ảnh: MH
Tình trạng doanh thu khủng, nhưng lợi nhuận teo tóp diễn ra triền miên nhiều năm ở SJC. Năm 2022, SJC ghi nhận doanh thu gần 27.200 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế là gần 49,2 tỷ đồng.
Trong năm 2021, doanh thu gần 17.700 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 43,3 tỷ đồng. Năm 2020 là 23.500 tỷ đồng và lợi nhuận gần 55,8 tỷ đồng. Năm 2019 doanh thu là 18.600 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ 52,5 tỷ đồng. Năm 2018, SJC có doanh thu 20.900 tỷ đồng, lợi nhuận 27,8 tỷ đồng. Năm 2017 doanh thu 22.900 tỷ đồng, lợi nhuận 81,3 tỷ đồng…
SJC cũng ghi nhận hàng tồn kho lớn. Tới cuối năm 2023, tồn kho (chủ yếu là vàng) đạt 1.446 tỷ đồng, rất lớn so với tổng tài sản 1.898 tỷ đồng.
Một điều khá bất ngờ là SJC có lợi nhuận mỏng hơn nhiều so với các DN cùng ngành. Trong năm 2023, PNJ ghi nhận doanh thu thuần hơn 33.100 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp đạt 6.058 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.971 tỷ đồng. Trong năm 2022, PNJ cũng lãi ròng hơn 1.810 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần gần 29.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.382 tỷ đồng.
Trong năm 2023, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji của nhà đại gia Đỗ Minh Phú ghi nhận mức lãi sau thuế đạt hơn 491 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ đồng/ngày, giảm khoảng 50% so với mức 1.017 tỷ đồng trong năm 2022 và mức gần 240 tỷ đồng trong năm 2021. Trong 2 năm 2019 và 2020, lợi nhuận sau thuế Doji lần lượt là 150 tỷ đồng và 187 tỷ đồng.
Có thể thấy, mặc dù có nhiều lợi thế, đặc biệt là độc quyền vàng miếng SJC, nhưng SJC có kết quả kinh doanh không ấn tượng.
Kể từ cuối năm 2023, giá vàng trên thế giới, vàng miếng SJC và vàng nhẫn, vàng trang sức trong nước liên tục tăng mạnh lên các đỉnh cao mới. Hồi tháng 5, giá vàng miếng SJC lên 92,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng và nhẫn hồi cuối tháng 10 và đầu tháng 11 tăng vọt, có lúc lên sát 90 triệu đồng/lượng, nhưng chỉ còn cao hơn giá thế giới quy đổi khoảng 4-5 triệu đồng/lượng.
Theo báo cáo tới cuối năm 2023, ông Trần Văn Tịnh là Chủ tịch (bổ nhiệm từ tháng 11/2019), bà Lê Thúy Hằng là Tổng giám đốc (cũng bổ nhiệm từ tháng 11/2019), ông Trần Hiền Phúc là kế toán trưởng (từ 5/2023). Công ty kiểm toán cho SJC gần đây là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C.
SJC tham gia bình ổn vàng miếng SJC
Từ ngày 3/6, SJC được NHNN chọn cùng với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank) tham gia mua vàng từ NHNN để bán trực tiếp tới người dân, sau khi NHNN dừng đấu thầu vàng miếng từ cuối tháng 5.
Mục tiêu là kéo chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới quy đổi xuống. Tổng cộng tới 29/10, NHNN đã cũng ứng ra thị trường qua 5 đơn vị này 11,46 tấn vàng.
Trước đó, qua 9 phiên đấu thầu (trong đó có 3 phiên không thành công) bắt đầu từ ngày 22/4, chênh lệch giá vàng không giảm như kỳ vọng. Tổng cộng có hơn 1,8 tấn vàng cung ứng qua đấu thầu.
Trong nửa đầu năm, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng (hồi tháng 5). Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, giá vàng chênh lệch lớn dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm "chảy máu" ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực tới việc bình ổn kinh tế vĩ mô.
Giải trình ý kiến đại biểu, chiều 29/5, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, có nhiều chỉ đạo quyết liệt với NHNN và các bộ ngành để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới NHNN đã thực hiện biện pháp tăng cung vàng ra thị trường qua việc thực hiện đấu thầu, nhưng chênh lệch giá không giảm như kỳ vọng.
NHNN đã dừng đấu thầu và sau đó chuyển sang bán trực tiếp cho người dân qua 5 tổ chức nói trên, trong đó có SJC.
Cùng với các biện pháp kể trên, cơ quan chức năng cũng thực hiện minh bạch hóa các giao dịch vàng trên thị trường. NHNN đã quyết định lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra mọi mặt từ hóa đơn, chứng từ, các giao dịch về phòng chống rửa tiền liên quan đến giao dịch về vàng để xem có những hành vi vi phạm pháp luật để đầu cơ găm giữ, đẩy giá hay không?
Vụ án tại SJC xảy ra từ việc lợi dụng việc mua bán vàng bình ổn giá.
Chiều 9/11, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an, thông tin về loạt vụ án nghiêm trọng xảy ra...
Nguồn: [Link nguồn]