Khổ vì… vàng
Vàng đang lên giá từng ngày, nhưng người có vàng chưa chắc đã vui nếu họ mua tích trữ từ nhiều năm trước và không may bị mất hóa đơn. Nhiều trường hợp chỉ vì mất hoá đơn mà bây giờ khó bán lại được.
Giữ vàng mà lo
Cầm 5 lượng vàng SJC mua để dành từ hơn 20 năm trước, bà Hoàng Thị Mai (60 tuổi, quê Nha Trang) đem vào TPHCM cho con gái mang đi bán để mua nhà. Đi hơn chục tiệm vàng, qua hết quận này đến quận kia, người phụ nữ này vẫn chưa bán được vàng.
Lý do các tiệm từ chối mua là số vàng của bà Mai không còn hóa đơn chứng từ. Mặc dù cùng là vàng miếng SJC có ép vỉ nhựa, bên trên cũng có in hình rồng vàng nhưng nhân viên một tiệm vàng ở quận 3 (TPHCM) khẳng định, đây không phải là vàng do Công ty SJC bán ra.
“Họ nói vàng miếng SJC của tôi do tiệm vàng tư nhân chế tác. Một số tiệm vàng khác như Doji, PNJ... cũng cho hay chỉ mua lại vàng do chính công ty bán ra, nếu mất hóa đơn thì nhân viên sẽ kiểm tra kỹ xem vàng có phải được mua từ doanh nghiệp (DN) hay không, nếu đúng mới mua lại” - bà Mai cho hay.
Có vàng nhưng không bán được vàng cũng là câu chuyện “dở khóc dở cười” của chị Nguyễn Thị Nhi (42 tuổi, quê Cà Mau). Trò chuyện với PV Tiền Phong, chị Nhi cho biết, ngày chị lấy chồng hơn 15 năm trước, gia đình hai bên cho nhiều vàng trang sức lẫn vàng miếng. Khi lên TPHCM lập nghiệp, chị mang theo toàn bộ vốn liếng, nay cần tiền làm ăn nên mang vàng đi bán.
“Cầm gần chục lượng vàng miếng, vàng nhẫn, dây chuyền đến phố vàng bạc ở quận 5, quận 11, quận 1… tiệm nào cũng lắc đầu không mua vì vàng không chính chủ. Họ bảo nếu mua vàng của tôi sẽ bị phạt. Mang vào tiệm vàng có thương hiệu cũng bị từ chối vì không phải hàng do họ bán ra. Không bán được vàng, không biết lấy đâu ra tiền để làm ăn, sinh sống” - chị Nhi lo lắng.
Với không ít người, chưa bao giờ giữ vàng trong tay mà lại cảm thấy bất an như lúc này, bởi nếu chẳng may mất giấy tờ, hoặc khi mua vàng không lấy hóa đơn thì việc bán vàng sẽ rất khó khăn. Nếu tiệm đồng ý thu mua lại, khách hàng phải chấp nhận bán rẻ hơn so với thị trường ít nhất từ 1 - 2 triệu đồng/lượng. Thực tế nhiều tiệm dù thiếu trầm trọng vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang nhưng họ vẫn phải từ chối khi khách mang vàng đến bán.
Người dân đến mua bán vàng tại tiệm vàng Mi Hồng, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: U.P
“Muốn mua bán vàng miếng thì phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Theo tôi biết, hầu như không có tiệm vàng nào ở phố vàng bạc quận 5 có giấy phép này, vì vậy không thể mua lại vàng miếng SJC từ người dân. Những năm trước, việc mua bán lén lút vẫn diễn ra. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng quản lý chặt nên các tiệm hầu như không dám mua vào và cũng chẳng có vàng để bán ra. Tiệm của tôi cũng vừa bị thu giữ vàng không có hóa đơn” - ông Ngọc, chủ một tiệm vàng ở quận 5 cho hay.
Doanh nghiệp tự làm khó mình
Trưa 8/10, chúng tôi đến tiệm vàng Mi Hồng trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh) để hỏi bán vàng. Nhân viên cho biết vàng nào cũng mua. “Nếu không phải vàng của tiệm bán ra thì chúng tôi sẽ kiểm tra chất lượng vàng rồi mới báo giá, việc còn hóa đơn hay không cũng không sao” - người này nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, đơn vị này vẫn thu mua bình thường với vàng miếng SJC; còn vàng trang sức thì chỉ mua lại hàng do PNJ sản xuất.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc DN không đồng ý mua vàng miếng SJC vì không có hóa đơn là điều không nên vì thực tế có những người đã mua vàng cách đây 10, 20 năm… khó có thể giữ được hóa đơn suốt thời gian dài như vậy. “Theo tôi, chiều bán ra cần phải xuất hóa đơn điện tử, còn chiều mua vào cũng xuất hóa đơn nhưng với những loại vàng đã được người dân tích trữ từ nhiều năm trước đây, chỉ cần có căn cước công dân của người bán, số seri vàng… để thực hiện kê khai theo hướng dẫn là được” - ông Thịnh cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng xuất hiện tình trạng khó mua, khó bán có thể làm giảm lòng tin của người dân vào loại vàng này. Ông Huân nói rằng, việc mua đâu, bán đó trên thị trường vàng hiện nay gây ra tình trạng méo mó, không tạo ra uy tín của sản phẩm. Chưa kể, việc người dân không mua bán được vàng trên thị trường chính thức sẽ chuyển qua giao dịch ở các hội, nhóm hoặc trên mạng. Do đó cần có giải pháp nếu không sẽ khó kiểm soát thị trường tự do một khi thị trường này lớn mạnh.
Tại TPHCM, gần đây số lượng DN đăng ký trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tăng nhanh, nhất là sau khi các cơ quan, ban, ngành liên quan vừa qua tăng cường thanh tra, kiểm tra. Điều này đã gây ra áp lực đối với công tác quản lý. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã có văn bản đề nghị các cơ quan trên địa bàn như thuế, công an, quản lý thị trường… tiếp tục phối hợp trong việc phổ biến thông tin, quy định pháp luật về điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ..
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Các DN hoạt động trong lĩnh vực này phải đáp ứng các điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ... Đặc biệt, chấp hành nghiêm quy định về nhãn mác, chất lượng sản phẩm, hóa đơn chứng từ, thuế, nguồn gốc sản phẩm… Theo quy định hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là thủ tục hành chính, Ngân hàng Nhà nước giao cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện.
“Trong điều kiện hiện nay, giá vàng thế giới biến động, tác động nhất định đến tình hình thị trường trong nước. Vì vậy, các DN cần chấp hành nghiêm quy định, đặc biệt là hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đảm bảo hoạt động công khai minh bạch, hiệu quả góp phần ổn định thị trường và sự phát triển chung của nền kinh tế” - đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM khuyến cáo.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ tăng nhanh ở TP HCM gần đây.
Nguồn: [Link nguồn]