Khi ngân hàng “ngại” nói về lợi nhuận “khủng”

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Hàng loạt ngân hàng công bố lãi hàng nghìn tỷ đồng, là ngành có lợi nhuận tốt nhất, nhì, song lãnh đạo lại "ngại" nói về lợi nhuận "khủng".

Dù nền kinh tế khó khăn, hệ thống ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh doanh thu, lợi nhuận

Dù nền kinh tế khó khăn, hệ thống ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh doanh thu, lợi nhuận

Khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, nhiều ngân hàng lên tiếng muốn được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ vì cho rằng họ cũng là đối tượng chịu tác động. Tuy nhiên, kết thúc năm, hàng loạt ngân hàng vẫn công bố lãi hàng nghìn tỷ đồng, trở thành ngành có lợi nhuận tốt nhất, nhì.

“Đừng nói lợi nhuận “khủng” nữa!”

Phát biểu tại Hội nghị triển khai triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn cho rằng, dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung, dài hạn. Thủ tướng còn nêu, nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa.

Do đó, Thủ tướng mong muốn ngành ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất. Vấn đề được Thủ tướng đặt ra với các lãnh đạo ngân hàng là: “Năm nay, ông chia sẻ với người dân thế nào, ông giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu”.

Lãnh đạo một ngân hàng lớn đã nói ngay được hỏi về lợi nhuận năm 2020, rồi chủ động hướng câu chuyện sang một đề tài khác.

Sở dĩ vị này có ý “né tránh” như vậy bởi năm nay tình hình kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng lao đao, khốn khổ do tác động rất nặng nề của dịch bệnh và thiên tai liên miên.

Trong khi đó, ngành ngân hàng vẫn ăn nên làm ra, thuộc top đầu về lợi nhuận. Đơn cử như ngân hàng của vị lãnh đạo này, năm nay không tăng trưởng lợi nhuận so với năm ngoái nhưng vẫn đạt nhiều nghìn tỷ đồng dù đã dành một khoản tiền lớn để hạ lãi suất, giảm phí cho khách hàng, nộp các nghĩa vụ với ngân sách và tăng mạnh trích lập dự phòng.

Dù không ít lãnh đạo ngân hàng có chung tâm lý “né” nói về lợi nhuận “khủng”, song thực tế bức tranh ngân hàng năm 2020 vẫn thực sự nổi trội.

Ở nhóm ngân hàng lớn, Vietcombank đạt lợi nhuận cao nhất hệ thống với 23.068 tỷ đồng, BIDV báo lãi 9.017 tỷ đồng, Agribank lãi 12.869 tỷ đồng. Riêng VietinBank, dù đã cắt giảm gần 500 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, giảm phí, thoái lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhưng vẫn lãi (riêng lẻ) 16.450 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với năm 2019.

Ở nhóm ngân hàng nhỏ, số lượng có lợi nhuận tăng trưởng hai con số cũng không ít.

Trong đó, MSB dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng, tăng tới 94,13% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra. MSB cũng là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất đến thời điểm này. Đây là thông tin bất ngờ, cũng là thông tin tích cực khi ngân hàng này vừa hoàn tất niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM trong những ngày cuối cùng của năm 2020.

Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế năm 2020 của TPBank cũng tăng 11% và vượt gần 8% so với kế hoạch…

Không những “kiêng kỵ” nói về lợi nhuận, nhiều ngân hàng còn tránh nói đến lương, thưởng dù đã cận Tết.

“Đã có thưởng thiếc gì đâu. Bên này còn đang xử lý mấy khoản tồn tại”, đại diện một ngân hàng lớn từ chối khéo vấn đề “hot” được đặc biệt quan tâm dịp cuối năm. Một số ngân hàng khác cũng khéo léo từ chối câu hỏi liên quan tới thưởng Tết dù một số thông tin nội bộ cho rằng, đa phần các ngân hàng vẫn đảm bảo thưởng Tết cho nhân viên 1 - 2 tháng lương cộng với lương kinh doanh.

Là một trong số ít ngân hàng không vòng vo, bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc ABBank cho biết, các chính sách thưởng Tết năm nay không thay đổi so với các năm trước: “Cán bộ nhân viên ngân hàng hoàn toàn có cơ hội nhận đủ lương tháng thứ 13 và tiền thưởng kinh doanh khi ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2020”.

Trên thực tế, ABBank đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch năm chỉ sau 11 tháng khi đạt 1.378 tỷ đồng (tương ứng đạt 101% kế hoạch năm). Đến khi có con số báo cáo đầy đủ hơn về kết quả kinh doanh của cả 12 tháng, lợi nhuận của ABBank chắc chắn còn cao hơn nữa.

Đã thực sự chia gánh nặng với doanh nghiệp?

Điều đáng nói là trong khi các ngân hàng lãi lớn thì phần lớn doanh nghiệp các ngành khác thua lỗ, giảm lợi nhuận do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai.

Đó dường như là lý do khiến họ “ngại” nói về lợi nhuận “khủng” của mình. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là các ngân hàng đã thực sự chia sẻ với doanh nghiệp hay chưa? Nếu các doanh nghiệp chết dần thì với vai trò làm dịch vụ cho doanh nghiệp, liệu ngân hàng có “khỏe” được không?

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng do nhiều yếu tố, trong đó có không ít ngân hàng thu lãi nhiều từ hoạt động phi lãi suất, không phải dựa vào chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

“Năm vừa qua lãi suất huy động giảm nhiều nhưng lãi suất cho vay lại chưa giảm tương xứng với chiều huy động, đó cũng là một nguyên nhân mà ngân hàng lãi lớn. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính, vì lợi nhuận của các ngân hàng còn đến từ kinh doanh đầu tư chứng khoán, bán bảo hiểm, dịch vụ thẻ...”, ông Ánh lý giải.

Vậy ngân hàng chia sẻ với các doanh nghiệp thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Ánh cho rằng, thứ nhất là ngân hàng nên xem xét để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Ở đây, việc giảm lãi suất nên áp dụng cho cả khoản vay cũ chứ không chỉ cho các khoản vay mới. Hai là với các dịch vụ mà ngân hàng phát triển thì đối tượng khách hàng cũng là doanh nghiệp, ngân hàng cũng nên xem xét tiếp tục giảm các khoản phí. Đây cũng là một cách ngân hàng có thể chia sẻ với các doanh nghiệp.

“Việc khuyến nghị, đề xuất với ngân hàng cũng nên đặt dưới góc độ phía ngân hàng chứ không phải dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước. Bởi cơ quan nhà nước có thể kêu gọi, còn quyết định vẫn là ở ngân hàng. Ngân hàng cũng hoạt động theo thị trường nên dù chia sẻ cũng phải theo nguyên tắc thị trường”, ông Ánh phân tích.

Còn về phía cơ quan nhà nước, để tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, chuyên gia này cũng cho rằng, các cơ quan nhà nước có thể xem xét không chuyển nhóm nợ đã được quy định trong Thông tư 01/2020 (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hồ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19) cũng là giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, không rơi vào tình trạng phá sản do không trả được nợ cho ngân hàng khi đến hạn.

“Không phải kéo dài thêm Thông tư 01 mà phải ban hành thông tư khác cho năm 2021, trong đó có nhiều điều khoản, nội dung bổ sung hoặc bỏ bớt nội dung mà quá trình thực hiện trong năm 2020 không còn phù hợp với điều kiện 2021 nữa”, ông Ánh đề xuất.

Tính đến cuối tháng 12/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1.000.000 tỷ đồng, đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt gần 2.300.000 tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.

Đáng nói, trong năm Covid-19, các ngân hàng còn thiết lập được nhiều kỷ lục. Riêng mình Vietcombank đã thiết lập tới 5 kỷ lục: Trở thành doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam với hơn 370.000 tỷ đồng sau khi cổ phiếu VCB chạm mốc 100.000 đồng/cổ phiếu; tỷ lệ nợ xấu thấp nhất lịch sử và thấp nhất toàn ngành 0,6%; đóng góp ngân sách lớn nhất các doanh nghiệp với hơn 9.000 tỷ đồng; tín dụng giải ngân năm 2020 cao nhất hệ thống với hơn 110.000 tỷ đồng; 5 đợt giảm lãi suất - nhiều nhất hệ thống.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng phát hành thẻ kỷ lục, tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt… đóng góp lớn vào thành công của ngành ngân hàng năm 2020.

Nguồn: [Link nguồn]

Đua nhau báo lãi nghìn tỷ, ngân hàng vẫn mạnh tay siết nợ, thanh lý tài sản

Cùng với việc công bố lợi nhuận cả chục nghìn tỷ đồng, nhưng các ngân hàng vẫn đang miệt mài siết nợ, thanh lý tài...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN