Việt Nam thận trọng xem xét việc mở lại đường bay quốc tế
Đến thời điểm này, các hãng hàng không đều khẳng định sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế.
Tuy nhiên, việc nối lại đường bay như thế nào để có thể đưa khách vào Việt Nam mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 vẫn là câu hỏi nóng đặt ra hiện nay.
Nghiên cứu mô hình “Di chuyển nội khối”
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT kiến nghị các quy định để khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng đề cập đến mô hình mô hình “Di chuyển nội khối” trên thế giới.
Cụ thể theo ông Thắng, trên toàn thế giới, khi các quốc gia cân nhắc làm thế nào để khởi động lại hoạt động đi lại quốc tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì ý tưởng về “Travel bubble” - “di chuyển nội khối hoặc hành lang di chuyển” đang trở nên hấp dẫn.
Hiện tại, các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới chỉ cho phép nhập cảnh đối với công dân nước mình; người nước ngoài có thẻ cư trú và một số đối tượng đặc biệt là thương gia, chuyên gia kỹ thuật, sinh viên… Khi nhập cảnh phải cách ly 14 ngày tại gia đình (đăng ký với chính quyền) hoặc cơ sở lưu trú do chính quyền chỉ định (có thu phí). Việc tự cách ly tại gia được chính quyền kiểm soát chặt bằng công nghệ. |
Theo đó, Travel bubble được hiểu là hai hoặc nhiều quốc gia đã kiềm chế thành công Covid-19 thống nhất tạo ra một khối, hành lang di chuyển.
Những người sống trong khối có thể đi lại tự do (bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không) và tránh được yêu cầu kiểm dịch bắt buộc.
Được biết hiện tại, Estonia, Latvia và Litva đã mở cửa biên giới với nhau thành khối Baltic, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Những du khách đến từ bên ngoài khối vẫn phải tự cách ly trong 14 ngày.
Úc và New Zealand có điều kiện tự nhiên phù hợp cũng đề xuất để chia sẻ nội khối Trans-Tasman. Theo đó, công dân của nước này có thể làm việc ở nước kia mà không cần thị thực.
Trong khi đó, Trung Quốc đang xem xét mở rộng “di chuyển nội khối” của họ trên phạm vi bao phủ Trung Quốc đại lục đến Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao cũng như Hàn Quốc.
Trong khi đó, Israel đang lên kế hoạch để có được một thỏa thuận về “di chuyển nội khối” với Hy Lạp và Síp.
Tại Việt Nam, Cục trưởng Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho rằng, có thể nghiên cứu khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7/2020.
Đề xuất hàng loạt điều kiện cần xem xét để mở lại đường bay quốc tế, song ông Thắng cũng cho rằng, để duy trì và đảm bảo tính khả thi, không nên hạn chế nguồn khách, bao gồm cả nguồn khách du lịch, với điều kiện khách đảm bảo quy định được phép nhập cảnh.
Đường bay quốc tế có thể mở đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục.
Cục Hàng không VN cũng kiến nghị dứt khoát không chấp nhận khách quá cảnh. Theo đó, khách phải ở quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác tối thiểu 30 ngày liên tục trước khi thực hiện chuyến bay.
Khách phải có giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 3 ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay.
Ngoài ra, khách phải được xét nghiệm nhanh bằng bộ kit xét nghiệm SARS-CoV2 tại cảng hàng không đến của Việt Nam. Chi phí xét nghiệm do hãng hàng không chi trả. Hành khách nhập cảnh phải lưu trú tại các địa điểm do UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xác định và có trả phí.
“Tổ bay, nhân viên hàng không, nhân viên quản lý xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch y tế phụ trách chuyến bay phải trang bị đồ bảo hộ và không phải cách ly sau chuyến bay”, Cục Hàng không VN đề xuất.
Để triển khai kế hoạch trên, Cục Hàng không VN kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan ngoại giao các đối tác để thống nhất việc phối hợp kết nối hoạt động hàng không thường lệ trước khi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN làm việc với các cơ quan liên quan của đối tác để trao đổi các nội dung cụ thể để kết nối đường bay.
Hướng tới thị trường Đông Bắc Á
Tổ bay, nhân viên hàng không phải trang bị đồ bảo hộ và không phải cách ly sau chuyến bay (Ảnh minh họa)
Về khả năng Việt Nam nối lại đi lại với các nước trong bối cảnh Việt Nam đã bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, căn cứ tình hình và nhu cầu của hai bên, Việt Nam đang trao đổi với một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản về việc từng bước nối lại đi lại.
Việc nối lại đi lại như thế nào sẽ dựa trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không được để lây lan dịch bệnh, trước mắt là tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia.
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia vận tải hàng không cho hay, cùng với thị trường Đông Nam Á, thị trường Đông Bắc Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản rất quan trọng với các hãng hàng không Việt Nam.
Thống kê cho thấy, trong khi thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 19,5% thì Hàn Quốc chiếm 23,1%, Đài Loan 7,7%, Hồng Kông 4,1% và Nhật Bản 6,8%.
“Các đường bay quan trọng này nếu được khôi phục chắc chắn sẽ tác động thần kỳ đến khả năng phục hồi sau dịch của các hãng”, chuyên gia cho hay.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có thể hướng đến thị trường Đông Bắc Á trước, sau đó là Đông Nam Á. Cũng theo ông Nghĩa, khách quốc tế trước khi đi du lịch cần kiểm tra sức khỏe, nếu âm tính với Covid-19 tại thời điểm đi thì được đăng ký đi du lịch.
Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh. Sau đó, tiếp tục cách ly và kiểm tra lần ba.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cũng khẳng định, với thị trường quốc tế, Vietnam Airlines đánh giá Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước, vùng lãnh thổ Đông Bắc Á sẽ phục hồi nhanh hơn các nơi khác.
“Chúng tôi đang tập trung chuẩn bị nguồn lực, chăm sóc khách hàng, phối hợp xây dựng chương trình phát động bán cho các thị trường này sau khi dịch bệnh được ngăn chặn hiệu quả”, ông Hà cho hay.
Về các biện pháp phòng dịch Covid-19 trong trường hợp mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Cục trưởng Cục Y tế GTVT Phạm Tùng Lâm cho biết, hành khách cần nghiêm túc thực hiện khai báo y tế điện tử khi check in hoặc tại nhà; Đeo khẩu trang bắt buộc trong suốt thời gian làm thủ tục, trong chuyến đi và trong khu vực nhà ga; Hạn chế giao tiếp, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay; Khử khuẩn phương tiện trong và ngay khi kết thúc chuyến bay. Cũng theo ông Lâm, hành khách trên các chuyến bay quốc tế cần phải được kiểm tra thân nhiệt khi làm thủ tục hàng không và khi nhập cảnh. Ngoài ra, tuỳ đối tượng nhập cảnh, sẽ có biện pháp cách ly phù hợp.
Không chỉ có giá trị lên tới cả chục tỷ đồng, bộ sưu tập chim quý của doanh nhân Chương Tailor còn được mệnh danh...
Nguồn: [Link nguồn]