Quản lý khách sạn bật khóc cho nhân viên nghỉ việc cùng hàng loạt doanh nghiệp điêu đứng mùa Covid-19
Mới đây, một clip ghi lại cảnh nữ quản lý chuỗi khách sạn ở Hà Nội bật khóc khi thông báo cho nhân viên nghỉ việc vì không cầm cự được giữa mùa dịch được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội
Trong đoạn clip, người quản lý khách sạn này cho biết, đã gần 10 ngày liên tiếp khách sạn, chuỗi nhà hàng của công ty không có khách đặt chỗ. Mỗi ngày, doanh thu của cả hệ thống chỉ từ 1- 3 triệu trong khi chi phí riêng tiền điện đã là 200-300 nghìn/ngày.
“10 ngày hôm nay, khách sạn gom tiền để trả tiền điện thôi cũng thực sự khó khăn, đây là tình trạng chưa từng có trong 20 năm tôi làm nghề”, người quản lý này chia sẻ.
Được biết, đoạn clip trên được quay tại một khách sạn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm – Hà Nội. Đây là một trong một chuỗi khách sạn do bà Phạm Thị Hằng làm giám đốc. Mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch và lưu trú với chủ yếu là khách Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trước khi đi đến quyết định khó khăn buộc phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc tạm thời, khách sạn đã có 2 tháng vật lộn với các phương án nhằm chống chọi với dịch bệnh và cải thiện tình hình kinh doanh nhưng không đem lại hiệu quả đáng kể.
Theo đó, mỗi sáng thức dậy, bà Phạm Thị Hằng mất ít nhất 40 triệu đồng tiền thuê mặt bằng chưa kể tới chi phí điện nước, trả lương cho gần 100 nhân viên của toàn hệ thống.
Nữ giám đốc này tính toán, công suất hoạt động phòng phải đạt 80% lấp đầy thì mới hòa vốn và 20% gọi là lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp. Trong đó, vẫn có phần trăm dùng vào việc tái đầu tư như đổi mới cơ sở vật chất, sơn sửa khách sạn…
“Ở đây cũng buồn vì không biết phục vụ ai, như vậy nếu muốn chúng ta có thể về quê “lánh nạn” trong thời gian này”, nữ quản lý chia sẻ (Ảnh cắt từ clip)
Tuy nhiên hiện tại, những chi nhánh còn duy trì chỉ đạt công suất phòng 10 – 15% khiến cho doanh nghiệp có thể sẽ phải tính đến chuyện tiếp tục đóng cửa thêm địa điểm nào đó thường xuyên vắng khách.
“Gần 3 tháng nay, con số thiệt hại đã vượt qua ngưỡng 20 tỷ. Đó là con số mà cả đời người nhiều khi chưa tích cóp được. Nếu tiếp tục mở cửa mà không có khách, thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều”, nữ quản lý bật khóc chia sẻ trong đoạn clip.
4 trong tổng số 9 khách sạn mà chị Hằng gây dựng đã không hoạt động 2 tháng nay. Cơ sở ở Lò Sũ đã phải đóng cửa tạm thời và cho nhân viên nghỉ việc 4 tháng với mức hỗ trợ 1,5 triệu/người/tháng.
Ngoài ra, một chi nhánh khác đang cầm cự với số nhân sự cắt giảm một nửa so với trước, nhân viên đã chấp nhận mức lương “đồng giá” 4 triệu/người/tháng cho tất cả mọi vị trí trong khách sạn.
Nữ quản lý cho biết, đây là một quyết định vô cùng khó khăn và mong các nhân viên thông cảm. Công ty sẽ nhanh chóng tìm ra hướng giả quyết phù hợp nhất với mong muốn nhanh chóng trở lại vững mạnh.
Không chỉ khách sạn, nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống tại Hà Nội cũng đóng cửa “không hẹn ngày trở lại”
Dịch Covid-19 ảnh hưởng vô cùng nặng nề vì mức độ lây lan quá nhanh. Sóng gió này lớn tới mức doanh nghiệp phải phá bỏ tất cả sự cố gắng đã gây dựng trong gần 20 năm qua.
Khó khăn, không có doanh thu là tình trạng chung của rất nhiều công ty, doanh nghiệp kinh doanh khách sạn giữa đại dịch Covid-19. Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch, dù chưa đầy 2 tháng, tỷ lệ buồng phòng giảm 20-50%.
Các điểm đến như Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM sụt giảm mạnh lên tới 50% lượng khách so với cùng kỳ. Dự kiến, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 và tháng 3 sẽ giảm trên 60%. Con số này với khách nội địa có thể tới 80%.
Đi làm, chấp nhận nợ lương
Đó là câu chuyện được chia sẻ của một khách sạn. Song, tình cảnh tương tự cũng xảy đến với hàng loạt các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ như các công ty lữ hành, công ty vận tải, đại lý bán vé máy bay,…
Kể từ sau Tết nguyên đán đến nay, một công ty Vận tải Du lịch trên địa bàn quận Tây Hồ luôn trong cảnh đìu hiu.
Anh Đặng Đức Quảng – Giám đốc Công ty cho biết, Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các điểm du lịch tâm linh, các lễ hội gần như không hoạt động. Đó là lý do chính khiến 10 xe ô tô loại 45 chỗ và 30 xe loại 16 chỗ vẫn đang “ngủ đông” dài ngày.
“Trước đây, thời điểm từ mùng 2 Tết chúng tôi đã phải huy động hết nhân lực làm việc, công ty luôn trong tình trạng “cháy xe”, phải tận dụng triệt để các chiều xe đi xe về để đón và đưa khách.
Năm nay, dù đã hết tháng 2 nhưng tình hình dịch bệnh còn đang phức tạp như vậy có lẽ chúng tôi xác định còn chơi dài. Nếu cứ tình trạng này, nhà xe chúng tôi “gặp hạn” bởi dù xe nằm im nhưng hàng tháng vẫn phải chi trả hàng trăm triệu đồng tiền bến bãi, tiền nhân công và tiền ngân hàng,… ” – anh Quảng nói.
Không có việc đồng nghĩa không có thu nhập, anh Phạm Văn Nam là nhân viên lái xe của công ty trên đã chủ động tìm công việc làm thêm.
“Do không có việc, chơi mãi cũng chán nên tôi đã kết hợp lái xe taxi công nghệ và thi thoảng vào dịp cuối tuần tôi nhận lái xe đường trường cho một số gia đình theo yêu cầu riêng bằng xe của họ” – anh Nam cho biết.
Cũng theo anh Nam, đây là tình trạng chung của hàng trăm công ty vận tải du lịch trong thời điểm này.
Tương tự, chị Nguyễn Thu Hà là nhân viên một phòng vé máy bay (quận Hoàn Kiếm) cũng trong cảnh “nhàn rỗi” khoảng hơn một tháng nay.
Chị Hà cho biết, thời điểm từ sau tết đến nay doanh thu giảm khoảng 90% so với cùng kỳ năm trước.
Do khó khăn trong kinh doanh nên tháng 1 vừa qua công ty đã có thông báo chậm lương. Cứ tình trạng này có lẽ tháng 2 này cũng chưa có lương” – chị Hà buồn rầu nói.
Tuy nhiên, cũng theo chị Hà công ty khó khăn là do tình hình khách quan, là nhân viên chị và các đồng nghiệp sẵn sàng đồng lòng chia sẻ.
“Chúng tôi vẫn đi làm đúng và đủ giờ, lương sớm muộn một chút cũng không sao. Tôi tin rằng dịch bệnh sẽ qua nhanh và mọi việc sẽ sớm trở lại như cũ” – chị Hà nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Sự khởi sắc của chứng khoán Trung Quốc đã mang lại tâm lý tích cực cho giới đầu tư trong nước và các chỉ số chứng...