Khách sạn, công ty lữ hành Hà Nội kiệt sức

Các phương án ứng phó với dịch Covid-19 lần lượt được đưa ra, nhưng nhiều khách sạn, công ty lữ hành nhỏ và vừa đã dần kiệt sức.

Khách sạn phố cổ đóng cửa vì dịch Covid-19

Khách sạn phố cổ đóng cửa vì dịch Covid-19

Tạm nghỉ vì thất thu

Hà Nội hiện có gần 3.500 cơ sở lưu trú với gần 61.000 buồng. Tính đến những ngày đầu tháng 3, tại các cơ sở lưu trú, số lượng khách đặt phòng hủy hơn 80.613 lượt. Số ngày phòng hủy là 57.652 ngày. Nhiều khách sạn, chuỗi khách sạn phải treo biển giảm giá. Thậm chí miễn phí dịch vụ, tặng ưu đãi... để hoạt động cầm chừng đợi qua dịch, nhưng tình hình chung vẫn không khả quan.

Nhiều khách sạn khu vực phố cổ chuyên đón tiếp các đoàn khách châu Âu đang trong tình trạng kiệt sức, ban đầu là cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên, gần đây là đóng cửa để tránh thiệt hại.

Ông Vinh, chủ 7 khách sạn tại khu phố cổ…, cho biết, thời điểm này hằng năm, trung bình công suất các khách sạn khoảng 90%. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tỷ lệ hủy phòng của các khách sạn quá lớn, ông Vinh buộc phải cắt giảm nhân sự và tạm đóng cửa 1 khách sạn.

Đối với hệ thống khách sạn 5 sao, tình trạng khách hủy phòng cũng diễn ra thường xuyên. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện khách sạn Melia Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) cho biết, khách ở khách sạn đa số đến từ châu Âu, gần đây Việt Nam chính thức ngừng chính sách miễn thị thực cho nhiều quốc gia châu Âu nên tỷ lệ hủy phòng ngày càng nhiều. Một nguồn thu khác của khách sạn là tổ chức hội nghị, hội thảo cũng đang co hẹp.

Theo phân tích của một quản lý khách sạn 3 sao, để đủ chi phí cho hoạt động, công suất phòng của khách sạn phải đạt 80%, còn lại 20% được xem là lợi nhuận của doanh nghiệp. Cơ sở lưu trú nào không đạt được công suất phòng như trên phải chấp nhận bù lỗ cho các khoản chi phí bắt buộc như điện nước, nhân sự... Nếu tình trạng công suất phòng quá thấp kéo dài, nguy cơ phải đóng cửa là không tránh khỏi.

“Là chính quyền cơ sở cấp xã phường, tiếp xúc trực tiếp với các hộ kinh doanh, lắng nghe người dân, thực sự mới thấy kinh doanh khó khăn thế nào”. Bà Trần Thị Nga, Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm

Đại diện doanh nghiệp lữ hành T.M (xin được giấu tên) cho biết, do lượng du khách hủy lên tới 80% nên Cty buộc phải giảm nhân sự, từ 40 nhân viên nay chỉ còn 13 nhân viên chủ chốt. Các nhân viên nghỉ trong diện không lương đến hết tháng 6, sau đó tính tiếp.

Các doanh nghiệp vận chuyển khách như Minh Việt, Quảng An, Taserco… có công suất xe lưu hành chỉ ở mức 40%. Nhiều doanh nghiệp tính tới phương án cắt giảm lái xe, bán bớt xe…

Hành động kép cứu ngành Du lịch

Ngày 13/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, yêu cầu các quán bar, quán karaoke, danh thắng, di tích lịch sử phun khử khuẩn, tạm thời đóng cửa hết tháng 3. Thông tin này đã gây bất ngờ cho người kinh doanh ở khu phố cổ. Anh Long (đại diện quán bar trên phố Lương Ngọc Quyến) nói rằng, tiền thuê nhà mỗi tháng hơn 40 triệu đồng, nhưng hiện nay mỗi ngày doanh thu chỉ chưa đến 2 triệu đồng, chưa kể các khoản phải trả như điện nước, nhân viên… “Kinh doanh đã lỗ cả tháng nay, nếu đóng cửa nửa tháng nữa thì chắc chắn tôi phải trả mặt bằng”, anh Long nói.

Bà Trần Thị Nga, Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm - nơi tập trung nhiều quán bar, cà phê ca nhạc nhất ở quận Hoàn Kiếm, cho biết, ngay sau buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, UBND phường đã soạn thảo sẵn các văn bản chờ có quyết định chính thức sẽ triển khai đến các hộ kinh doanh. Đồng thời giao cán bộ tổ chức rà soát kỹ càng các cơ sở kinh doanh để khi có quyết định triển khai được nhanh chóng. Theo lãnh đạo phường, đã có một số cơ sở lưu trú, quán đóng cửa trong thời gian qua. “Là chính quyền cơ sở cấp xã phường, tiếp xúc trực tiếp với các hộ kinh doanh, lắng nghe người dân, thực sự mới thấy kinh doanh khó khăn thế nào. Tiền thuê nhà phải trả định kỳ, trong khi nhiều quán trong tình trạng nhân viên đông hơn khách”, bà Nga nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Cty lữ hành Vietravel, nói rằng, nhân lực càng nhiều, số lượng chi nhánh, văn phòng càng lớn thì áp lực chi phí của doanh nghiệp càng nặng nề. Thực trạng này diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch, lữ hành ở Hà Nội. Doanh nghiệp gặp khó đồng nghĩa với việc cuộc sống của nhân viên bị ảnh hưởng. Hàng triệu lao động trong ngành du lịch có nguy cơ bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc.

Ông Kỳ cho rằng, đây chính là lúc các doanh nghiệp Việt phải gắn kết cùng nhau gia tăng giá trị. Thái Lan đang làm mạnh cách này. "Doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau, đưa ra các đề nghị cụ thể với Chính phủ, bộ, ngành thì mới hiệu quả", ông Kỳ nói.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng, hiện nay, kích cầu bằng cách giảm giá không phải là giải pháp tối ưu, cách tốt nhất là cùng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị dịch vụ. Đó mới là mục tiêu xuyên suốt. “Chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ kép, một là không chủ quan, lơ là phòng chống dịch; hai là không bi quan đến mức ngưng trệ, cần duy trì, đảm bảo chất lượng dịch vụ”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, từ kinh nghiệm dịch SARS năm 2003, có thể sau 2 tháng khống chế được dịch bệnh thì khách nội địa mới phục hồi, sau 6 tháng khách quốc tế mới phục hồi.

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, với các khách sạn 3 – 5 sao ở Hà Nội, công suất phòng có thời điểm dưới mức 35%.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 16/3: Tăng vọt sáng đầu tuần sau động thái khẩn cấp của Fed

Sáng nay (16/3), giá vàng thế giới bật tăng mạnh mẽ trở lại sau khi Fed bất ngờ hạ lãi suất khẩn cấp vào đêm qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hoàng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN