Khách hàng vay bị ngân hàng thu giữ ôtô không thông báo, Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Khách hàng và ngân hàng thương mại có thể thương lượng khi phát sinh tranh chấp trong quá trình vay vốn, nếu không giải quyết được có thể khởi kiện ra tòa.
Ông Lê Hồng Lưu (Hà Nội) có khoản vay tại một ngân hàng cổ phần với thời hạn 60 tháng. Tài sản thế chấp là ôtô. Ông vẫn trả đủ tiền gốc và lãi tại các kỳ theo thỏa thuận của hợp đồng.
Tháng 7-2021, ông Lưu đi công tác tại TP HCM. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ông gặp khó khăn trong việc di chuyển. Ông đã đề nghị nộp chậm, tuy nhiên sau đó ông nhận được thông báo của ngân hàng trường hợp khoản vay của ông đang bị xếp nợ xấu nhóm 2.
Đầu tháng 8-2021 ông trở ra Hà Nội, tự cách ly tại nhà 21 ngày. Hết thời gian cách ly ông đã thanh toán tiền lãi và tiền phạt chậm nộp. Đến ngày 10-9-2021 ông tiếp tục ra ngân hàng để nộp thêm vào tài khoản số tiền 17,7 triệu đồng để ngân hàng cắt nợ.
Ôtô thanh lý được một ngân hàng rao bán trên website, trong bối cảnh các ngân hàng đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, sau khi ra khỏi ngân hàng ông không thấy ôtô đâu và nhận được tin nhắn từ bên thu hồi nợ của ngân hàng về việc thu giữ xe do ông nợ quá hạn.
Ông Lưu đã phản ánh vụ việc lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết về việc ngân hàng tự ý thu giữ tài sản thế chấp mà không thông báo cho khách hàng.
Liên quan đến vấn đề này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, trả lời rằng căn cứ nội dung đơn và các quy định của pháp luật, tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng vay vốn giữa ông Lưu và ngân hàng thương mại, hai bên sẽ tiến hành thương lượng giải quyết. Trường hợp không giải quyết được, ông Lưu có thể khởi kiện ra tòa án.
Theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03, Thông tư 14, có quy định cụ thể về điều kiện để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
"Do đó, đề nghị ông chủ động làm việc với tổ chức tín dụng để được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, theo quy định của Thông tư 01 và quy định nội bộ của tổ chức tín dụng" – Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Theo ghi nhận, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài, nhiều khách hàng vay vốn là F0, F1 hoặc ở trong khu vực phong tỏa, giãn cách đã gặp khó khăn trong việc tới chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng để giao dịch, thanh toán khoản vay; hoặc gặp khó khăn về tài chính, khoản vay bị chuyển nhóm nợ, thành nợ xấu…
Để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, thời gian qua 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15-7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỉ đồng.
Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm này, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15-7 đến 31-10 của 16 ngân hàng là khoảng 15.559 tỉ đồng, đạt 75,48% so với cam kết.
Nhiều khối tài sản đảm bảo được các ngân hàng “đại hạ giá” nhưng vẫn không dễ dàng thanh lý.
Nguồn: [Link nguồn]