Khách hàng gặp khó vì bỏ hàng tỷ nhưng sau 5 năm vẫn không nhận được nhà

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Khách hàng mua nhà tại dự án "Khu nhà ở thấp tầng cán bộ Học viện Quốc phòng" tại lô đất 017-HH1 phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã bỏ gần chục tỷ mua dự án với lời hứa xây nhà bàn giao nhưng sau 5 năm vẫn chưa được nhận nhà. Nhiều người vay lãi để mua nhà, đến giờ nhà không có, nợ càng thêm nợ khi đang bị ngân hàng "siết" nợ.

Phản ánh tới báo Tiền Phong, một số khách hàng mua nhà tại dự án "Khu nhà ở thấp tầng cán bộ Học viện Quốc phòng" tại lô đất 017-HH1 quy hoạch Tây Hồ Tây, phường Xuân La, quận Tây Hồ cho biết, họ đã bỏ gần chục tỷ mua dự án với lời hứa xây nhà bàn giao nhưng sau 5 năm vẫn chưa được nhận nhà. Nhiều người vay lãi để mua nhà, đến giờ nhà không có, nợ càng thêm nợ.

Theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở giữa Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Đông Đô - BQP (Chủ đầu tư) với khách hàng, đơn vị này chịu trách nhiệm xây dựng phần hạ tầng bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, công trình và bàn giao cho khách hàng.

Tuy nhiên, từ năm 2017 nhiều khách hàng mua không nhận được nhà. Do có nhu cầu nhà ở khẩn cấp, một số khách hàng đề nghị tự xây nhà rồi hoàn thiện hồ sơ gửi chủ đầu tư cấp sổ đỏ theo đúng hợp đồng nhưng không thể triển khai. Bà Phan Mỹ Ngọc (người mua nhà diện tích đất 132m2) cho biết, đến khi chúng tôi triển khai móng thì bị UBND phường Xuân La tới đình chỉ không cho tiếp tục làm. "Trong khi đó, cùng trong dự án đã có 2 nhà được tự xây dựng. Việc kéo dài tình trạng 'treo' khiến gia đình dù đã bỏ chục tỷ mua nhà mà vẫn đang phải ở nhà thuê", bà Ngọc bức xúc. Được biết, bà Ngọc đã có đơn kiến nghị gửi Chủ đầu tư nhiều lần nhưng không nhận được hồi âm.

Việc "đem con bỏ chợ" không phải là chuyện hiếm ở các dự án hiện nay. Tại dự án "Trung tâm Bến du thuyền Hoàng gia - Khu A", sau đổi tên thành Swisstouches Laluna Resort do Marina Hotel làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 2.421 tỷ đồng, trong đó VietinBank chi nhánh Thành An tham gia tài trợ 750 tỷ đồng.

Khách hàng tại dự án Swisstouches Laluna Resort đến trụ sở chủ đầu tư đòi quyền lợi

Khách hàng tại dự án Swisstouches Laluna Resort đến trụ sở chủ đầu tư đòi quyền lợi

Tuy nhiên, vào ngày 4/8/2022 VietinBank chi nhánh Thành An thông báo bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của Marina Hotel để xử lý thu hồi nợ vay. Tổng số dư tín dụng của doanh nghiệp này đến hết ngày 26/7/2022 là 540,18 tỷ đồng. Khoản nợ này được đảm bảo bởi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại chính khu đất có diện tích 5.965,5 m2 hình thành nên dự án Trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia - Khu A.

Bà Kiều Thu Hà khách hàng mua dự án từ năm 2018 cho biết, dự án được ngân hàng Vietinbank bảo lãnh, cam kết cho khách hàng vay tiền bằng cách thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai của chính dự án này. Nguồn tiền trả nợ được xác nhận từ nguồn thu của thu nhập cam kết mà chủ đầu tư sẽ trả cho tôi tương đương với giá trị 9%/năm trong vòng 5 năm; sau này khi đưa căn hộ vào khai thác sẽ lấy nguồn thu từ việc kinh doanh căn hộ để trả nợ gốc và lãi. Sau khi cân đối nguồn trả nợ nên bà Hà quyết định đầu tư vào dự án.

Bà Kiều Thu Hà, khách hàng dự án trao đổi với PV Tiền Phong

Bà Kiều Thu Hà, khách hàng dự án trao đổi với PV Tiền Phong

Thế nhưng đến nay, chủ đầu tư đã quá hạn bàn giao 2 năm, cũng không trả lợi nhuận cam kết dẫn đến khách hàng mất khả năng trả nợ cho ngân hàng. Theo các khách hàng, phía Vietinbank hoàn toàn không chia sẻ, liên tục ép họ trả nợ. Đẩy nhiều khách hàng lên nhóm nợ 4 tức là nhóm nợ rất khó khăn trong việc vay tiền, một số còn bị đẩy lên nhóm nợ 5 là thu hồi căn hộ.

Đối với dự án "Khu nhà ở thấp tầng cán bộ Học viện Quốc phòng", đại diện Công ty CP đầu tư bất động sản Đông Đô - BQP cho biết, từ năm 2020 đơn vị đã có văn bản gửi UBND quận Tây Hồ đề nghị xin triển khai thi công dự án. Đơn vị này căn cứ điểm e, khoản 2, điều 89 Luật Xây dựng về công trình được miễn phép xây dựng khi: "Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt". Qua đó đề nghị UBND quận Tây Hồ tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiền hành xây dựng, tuy nhiên không được chấp thuận.

Theo đại diện lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, dự án trên mới có bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 do đó không thuộc diện được miễn phép xây dựng. Chủ đầu tư cũng đã gửi hồ sơ xin cấp phép cho dự án, tuy nhiên chưa đảm bảo quy trình, trong đó có việc giấy phép đầu tư bất động sản đã hết hạn từ năm 2015.

Đối với dự án Swisstouches Laluna Resort, chủ đầu tư cho biết tiến độ dự án bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, đơn vị đang khởi động lại dự án.

Nguồn: [Link nguồn]

Công ty “bỏ cọc” sau khi đấu giá mỏ đất gấp 120% giá khởi điểm

Trong buổi đấu giá tài sản quyền khai thác mỏ đất, một công ty tại Quảng Bình đã bỏ giá gấp 120% so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, sau đó công ty này "bỏ cọc".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hoàng ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN