''Kẹt giải ngân đầu tư công, không thể đổ lỗi cho pháp luật''
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt vấn đề như vậy tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai Quốc hội (QH) khóa XV, chiều 11-11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) QH về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Nhiều vấn đề nóng như các gói hỗ trợ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới, giải ngân vốn đầu tư công, quy hoạch… được QH quan tâm, đưa ra tại nghị trường.
Bộ đang thiết kế chương trình phục hồi và phát triển kinh tế
Các ĐB Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang), Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương)… đều đề cập nội dung các gói hỗ trợ trên thế giới và cách Việt Nam thực hiện.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay các nước trên thế giới thường đưa ra các gói hỗ trợ rất lớn, quyết định rất nhanh, bất chấp kỷ luật tài chính, chấp nhận tăng nợ công..., qua đó khôi phục kinh tế rất nhanh. Về tài khóa các nước đều tăng cho y tế, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cấp phát tiền mặt, miễn giảm thuế, phí đối với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cũng như đầu tư cho hạ tầng. Về tín dụng, nhìn chung các nước hỗ trợ lãi suất, nới lỏng quy định cho vay.
Với Việt Nam, Bộ KH&ĐT cũng đang thiết kế chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. “Chúng tôi xác định chương trình phục hồi kinh tế sẽ cần quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp nhưng phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo đó, chương trình này sẽ thực hiện các gói chính sách hỗ trợ cả về cung và cầu, thực hiện linh hoạt công cụ tài khóa, tiền tệ. Đặc biệt, chương trình này phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, các kế hoạch ngân sách, tài chính công và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
“Quan điểm của chúng tôi là chương trình sẽ phải đảm bảo yêu cầu khả thi, thực tiễn, hiệu quả với nguyên tắc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời các ĐB và nhấn mạnh chương trình sẽ nhằm phục hồi và phát triển trên cơ sở thích ứng an toàn, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Trong đó, các mục tiêu cụ thể được xác định như đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP của cả giai đoạn là 6,5%-7%, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội, tránh giải thể, phá sản, thâu tóm doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Dũng, nếu được QH thông qua trong kỳ họp cuối năm thì chương trình này sẽ thực hiện trong hai năm 2022 và 2023.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An). Ảnh: QH
Phân tách trách nhiệm giữa trung ương và địa phương Trong đề án tách bồi thường và hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công sắp tới trình QH, chúng tôi đang trình riêng phần giải phóng mặt bằng này giao cho địa phương. Địa phương có thể dùng cả ngân sách trung ương cấp qua bộ để thực hiện hoặc có thể dùng ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng, như vậy sẽ linh hoạt, chủ động và nhanh hơn. Nếu tách và giao hẳn cho địa phương, trách nhiệm đó sẽ phân tách rõ được trách nhiệm trung ương hay địa phương đối với dự án của trung ương trên địa bàn. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG |
Rút kinh nghiệm gói hỗ trợ 2008-2009
Bên cạnh đó, có một số ĐB đề nghị phải tính toán kỹ các gói hỗ trợ và rút ra bài học từ các gói hỗ trợ trước đây. ĐB Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) đặt vấn đề các gói kích thích phục hồi kinh tế khi nào sẽ có và các gói này giống hay khác các gói trước đây.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay giai đoạn 2008-2009, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra thì Việt Nam thiết kế gói hỗ trợ tập trung vào thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và bảo đảm an sinh xã hội. “Lúc đó chúng ta dành ra 122.000 tỉ đồng, tương đương 6,9 tỉ USD cho gói này. Năm 2009, tập trung được 100.600 tỉ đồng, tương đương 5,7 tỉ USD, chiếm 5,6% GPD để kích thích kinh tế” - Bộ trưởng Dũng nói và cho biết gói hỗ trợ này đã giúp đất nước vượt qua khủng hoảng và đưa Việt Nam thành một trong số ít có tăng trưởng dương. Như năm 2008 tăng trưởng 5,7%, năm 2009 tăng trưởng 5,4%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, gói kích thích này cũng có hạn chế như chính sách tập trung vào phía cung khiến khó khăn về đầu ra, sản xuất không biết bán đâu. Hỗ trợ lãi suất lớn nhưng không đồng bộ với các chính sách tiền tệ và tài khóa khác dẫn đến trục lợi chính sách, vay vốn rẻ bên này gửi ngân hàng bên khác để ăn chênh lệch.
Vốn không chảy vào sản xuất mà vào chứng khoán, bất động sản do chúng ta không kiểm soát chặt chẽ. Vĩ mô không ổn định, lạm phát tăng cao. Năm 2010 lạm phát là 9,2% và năm 2011 lạm phát tăng lên 18,6%.
Việc đầu tư dàn trải đã gây ra nợ đọng, lãng phí, đình hoãn nhiều công trình, dự án. “Nhiều dự án bị đình lại từ năm 2011 nhưng đến nay chưa giải quyết được hậu quả. Nhiều gói chúng ta hỗ trợ lãi suất đến nay chưa quyết toán được” - Bộ trưởng Dũng thông tin.
Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Dũng là do thiếu đồng bộ giữa các chính sách và nền tảng vĩ mô lúc đó thiếu ổn định, tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao và điều kiện cho vay thiếu công khai, minh bạch. Do đó, dù là gói kích thích kinh tế nào thì cũng cần nằm trong một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn và khả năng vay, trả, hấp thu của nền kinh tế.
“Giờ giải ngân đầu tư công chưa hết, tới đây thêm gói kích cầu đầu tư thì làm sao giải ngân hết được. Nếu xây dựng một chương trình mà công tác chuẩn bị chưa đầy đủ thì nền kinh tế không hấp thu được, nếu kéo dài tới 10 năm sau thì… chết dở” - Bộ trưởng nói thêm.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm do đâu?
Cũng tại phiên chất vấn, các ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam), Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đã đề cập đến những bất cập, hạn chế của đầu tư công. Các ĐB cho rằng không chỉ là vấn đề giải ngân mà còn là từ khi xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện…
ĐB Mai cũng đề cập đến vấn đề chuyển nguồn đầu tư công rất lớn vừa qua. Bà cho hay: “Khi đi giám sát tại địa phương, chúng tôi được nghe trách nhiệm đó thuộc về trung ương; sau khi làm việc với bộ chủ quản, chúng tôi lại được nghe nguyên nhân đó thuộc về địa phương. Hôm nay có cả trung ương và địa phương trong hội trường này, đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này”.
Quan tâm đến vấn đề này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay năm 2020, giải ngân đầu tư công kỷ lục đạt 98%. Thể chế của năm 2021 phải tốt hơn năm 2020 chứ, vì sao trong cùng một thể chế pháp luật như nhau mà có đơn vị giải ngân cao, có đơn vị giải ngân thấp. Nguyên nhân khách quan, chủ quan, cốt lõi là gì, phải đột phá vào đâu để giải quyết việc này.
Ông cũng nói thêm doanh nghiệp hay người dân đều mong muốn có một gói kích thích mới nhưng toàn bộ số tiền chúng ta có chưa tiêu hết thì đầu tư mới cái gì? “Nếu không làm rõ được chuyện này, QH có chất vấn, có nghị quyết rồi tình hình vẫn như vậy thôi” - Chủ tịch QH nói và đề nghị Bộ trưởng nói rõ trách nhiệm ở đâu, tình hình kiểm tra, giám sát, nguyên nhân, vướng mắc sẽ giải quyết thế nào…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Vấn đề hiện nay không phải ở luật pháp. Tất cả vấn đề của đầu tư công, tôi xin khẳng định đến nay là rất rõ ràng, rất đầy đủ. Trên cơ sở phân cấp triệt để cho các địa phương, không còn vấn đề gì cần lên đến trung ương. Ngay bản thân bộ chúng tôi quản lý tổng hợp chung thôi thì chúng tôi cũng bằng hệ thống công nghệ hết, không giấy tờ gì cả, không việc gì phải gặp nhau cả”.
Ông cho rằng vấn đề nằm ở khâu thực hiện. Trích lời Chủ tịch QH, Bộ trưởng Dũng nói: “Tại sao cùng thể chế mà có tỉnh giải ngân hơn 100% rồi, vượt cả số được giao, họ đã ứng ra trước làm rồi. Trong khi có tỉnh hiện mới 18%. Cả nước 10 tháng giải ngân 55,8%, rất thấp”. Ông cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải nhìn nhận vấn đề này thật nghiêm túc thì mới giải quyết được vấn đề, không thể đổ cho pháp luật.
Tuy vậy, sau đó Bộ trưởng Dũng cũng nhận “một phần trách nhiệm” trong việc rà soát các kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, địa phương trình lên và xin hứa sẽ khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.
5 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư công mới giải ngân ước gần 96.900 tỷ đồng, đạt hơn 26% kế hoạch Chính phủ giao.
Nguồn: [Link nguồn]