Số tiền khủng Israel đã phải chi để duy trì cuộc chiến tại Gaza kéo dài gần một năm qua
Dù nền kinh tế từng đứng vững trong gần một năm qua, nhưng giờ đây, các yếu tố tài chính như thâm hụt ngân sách và lãi suất vay nợ ngày càng đè nặng lên quốc gia này.
Israel phải chi tiền khủng cho chiến tranh
Cuộc chiến tại Gaza kéo dài gần một năm đã khiến nền kinh tế Israel chịu tổn thất nặng nề. Theo Bộ Tài chính Israel, chi phí trực tiếp để duy trì cuộc chiến này tính đến tháng 8/2024 đã lên tới 100 tỷ shekel (tương đương 26,3 tỷ USD). Ngân hàng Trung ương Israel dự báo tổng chi phí có thể lên đến 250 tỷ shekel vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, con số này chưa tính đến các chi phí mới từ chiến dịch quân sự tại Lebanon nhằm đối phó với nhóm Hezbollah.
Các chi phí này đã dẫn đến việc giảm xếp hạng tín nhiệm của Israel, khiến cho lãi suất vay nợ của quốc gia này tăng cao. Điều này có thể gây ra những tác động tài chính kéo dài trong nhiều năm tới. Đồng thời, chi phí bảo hiểm cho các khoản nợ của Israel chống lại nguy cơ vỡ nợ cũng đang ở mức cao nhất trong 12 năm qua.
Một phần lớn nguyên nhân đến từ việc Israel phải đầu tư mạnh vào quốc phòng, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome và huy động quân đội quy mô lớn để đối phó với các mối đe dọa từ Gaza và Lebanon. Trong năm 2024, tỷ lệ nợ công của Israel so với GDP đã tăng lên 67%, trong khi thâm hụt ngân sách là 8,3% GDP, cao hơn nhiều so với mức dự đoán ban đầu là 6,6%.
Dù các nhà đầu tư lớn như quỹ hưu trí hay các tổ chức quản lý tài sản quốc tế thường không bán tháo các khoản nợ của Israel trong thời gian ngắn, nhưng nền tảng nhà đầu tư của nước này đang thu hẹp lại. Một số nhà đầu tư lo ngại về tác động tiêu cực của cuộc chiến và có ý định bán hoặc ngừng mua trái phiếu của Israel do những lo ngại về các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Các nhà đầu tư quốc tế cắt giảm đầu tư
Một số nhà đầu tư quốc tế đã bắt đầu cắt giảm khoản đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu của Israel do lo ngại về những bất ổn chính trị và quân sự. Dữ liệu từ Copley Fund Research cho thấy các khoản đầu tư quốc tế vào cổ phiếu Israel đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Israel cũng giảm 29% trong năm 2023, mức thấp nhất kể từ năm 2016, theo số liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
Mặc dù Israel vẫn huy động được hơn 8 tỷ USD từ thị trường vốn quốc tế trong năm nay, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng chi phí vay nợ tăng cao và áp lực tài chính ngày càng nặng nề sẽ tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế nước này.
Tòa nhà Ngân hàng Israel được nhìn thấy ở Jerusalem ngày 16 tháng 6 năm 2020
Vật lộn tìm cách đối phó với thách thức kinh tế
Trước tình hình kinh tế khó khăn, chính phủ Israel đã cam kết đầu tư thêm 160 triệu USD từ ngân sách công để hỗ trợ ngành công nghệ - một lĩnh vực chiếm khoảng 20% GDP của quốc gia này. Tuy nhiên, các ngành khác như nông nghiệp và xây dựng đang gặp khó khăn do thiếu nhân lực, đặc biệt khi Israel từ chối cho phép lao động Palestine vào làm việc.
Việc thiếu hụt lao động cùng với các chi phí chiến tranh đã làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế của Israel. Trong quý 4 năm 2023, tăng trưởng kinh tế của nước này giảm hơn 20%, và đến nay vẫn chưa hoàn toàn phục hồi.
Dù đang đối mặt với nhiều áp lực, Israel vẫn có khả năng huy động tài chính từ các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nội địa đang kỳ vọng chính phủ sẽ có những nỗ lực củng cố tài chính nhằm giữ cho thâm hụt ngân sách không tiếp tục gia tăng. Mặc dù nền kinh tế Israel vẫn có thể "cầm cự" thêm một thời gian nữa, nhưng nếu không có sự điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, áp lực tài chính sẽ ngày càng gia tăng.
Ngành công nghệ, nông nghiệp, xây dựng, du lịch của Israel đều bị kéo tụt vì cuộc chiến được đánh giá kéo dài và tốn kém nhất lịch sử nước này.
Nguồn: [Link nguồn]