Huỷ hàng loạt chứng nhận đầu tư do "ôm đất" bỏ hoang
Hàng loạt dự án trên địa bàn cả nước bị thu hồi, huỷ chứng nhận đầu tư do "ôm" đất bỏ hoang.
Mạnh tay thu hồi dự án bỏ hoang
Trước tình trạng "ôm đất" bỏ hoang, mới đây, nhiều tỉnh trên địa bàn cả nước tổ chức rà soát, thu hồi dự án. Phải kể đến như tỉnh Thái Nguyên, gần giữa tháng 6, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã ký loạt quyết định chấm dứt, thu hồi một số dự án đầu tư trên địa bàn.
Cụ thể, thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất và chế biến chè của Công ty Cổ phần Vạn Tài tại xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, nay là thành phố Phổ Yên.
Một dự án tại Mê Linh, Hà Nội bỏ hoang
Quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng vườn hoa, cây xanh, bãi đỗ xe, các dịch vụ công cộng và Trường mầm non quốc tế chất lượng cao Việt Cường của doanh nghiệp tư nhân Việt Cường nay là Công ty TNHH bê tông xây dựng Việt Cường.
Quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực Quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng vùng chè công nghệ cao hướng hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái Hoàng Nông tại xóm Đồng Khuôn, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ của Công ty Cổ phần Dreamfarm Việt Nam...
Tương tự, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc vừa rà soát và công bố, công khai 11 dự án khu đô thị, khu nhà ở và dự án công trình dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chấm dứt hoạt động đợt 1.
Trong đó có 4 dự án khu nhà ở, khu đô thị gồm: Dự án Khu đô thị Núi Bầu – Khu vực 2, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên do Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Xuân Tiến Hòa Bình làm chủ đầu tư. Dự án này thuộc trường hợp hết hạn đầu tư, không có khả năng triển khai thực hiện (đã được UBND tỉnh chấm dứt và thu hồi hiệu lực pháp lý tại Quyết định số 394, ngày 28/2/2022).
Dự án Khu nhà ở Hoàng Vương, ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên do Công ty Cổ phần đầu tư số 1 làm chủ đầu tư chậm triển khai (đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc thu hồi và chấm dứt hiệu lực pháp lý tại Quyết định số 1941, ngày 30/3/2022). 2 dự án ở thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên nhà đầu tư chấm dứt hoạt động là dự án Khu nhà ở xã hội tại thị trấn Bá Hiến do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Vĩnh Yên làm chủ đầu tư và Dự án Khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân và người lao động của Công ty TNHH in điện tử Minh Đức do Công ty TNHH in điện tử Minh Đức làm chủ đầu tư... xây dựng và kinh doanh vận tải hàng hoá, hành khách đường bộ ở xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên do Công ty TNHH Việt Linh làm chủ đầu tư.
Động thái này của các tỉnh cho thấy, các địa phương đang rốt ráo thực hiện chỉ thị 01 của Chính phủ và mạnh tay "siết" lại thị trường bất động sản trong bối cảnh thiếu nguồn cung, người có nhu cầu không mua được nhà, trong khi đó đất đai bỏ hoang, lãng phí.
Bức xúc dự án treo
Trước đó, trên địa bàn cả nước tồn tại hàng nghìn dự án bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Tình trạng quây tôn, "ôm" đất đã gây bức xúc cho người dân. Thị trường thiếu nguồn cung, thiếu nhà ở, những gia đình nằm trong diện quy hoạch thì không xây dựng, chuyển nhượng cho con cái được.
Ngay như tại Hà Nội, thống kê cho thấy, huyện Mê Linh có tới 47 dự án đô thị chậm triển khai với tổng diện tích khoảng gần 2.000ha. Có thể liệt kê hàng loạt dự án có quy mô lớn bị bỏ hoang, chưa thực sự khởi động xây dựng sau hơn 10 năm được giao đất như Cienco5, Diamond Park, Tiền Phong, AIC, Minh Giang - Đầm Và…
Tương tự, quận Nam Từ Liêm cũng là địa phương có nhiều dự án “treo” với 48 dự án được rà soát thanh kiểm tra và yêu cầu xử lý từ năm 2018 nhưng đến nay UBND TP Hà Nội mới ban hành quyết định thu hồi 1 dự án; 3 dự án được gia hạn sử dụng đất 24 tháng; 7 dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng còn vướng mắc; 20 dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý…
Tại quận Bắc Từ Liêm, kiểm tra thực tế cho thấy, về cơ bản các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách đều triển khai chậm, kéo dài nhiều năm. Có một số dự nằm ở vị trí “đắc địa” nhưng chưa triển khai thực hiện, tiếp tục được gia hạn, kéo dài; 5 dự án chưa được giao đất; 8 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 2 dự án đã thu hồi đất nhưng chưa đề xuất phương án xử lý…
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 01 về việc đôn đốc, thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai.
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều ngân hàng đồng loạt thông báo thu hồi và rao bán đấu giá hàng nghìn mét vuông đất của khách hàng để xử lý nợ xấu.
Nguồn: [Link nguồn]