HoREA: Hệ số điều chỉnh giá đất tăng 30% là quá cao
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản đề nghị xem xét trước khi quyết định hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2019 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã trình Hội đồng Nhân dân thành phố về phương án tăng hệ số K trên địa bàn. Cụ thể, hệ số K tại TP.HCM được đề xuất với mức tăng cao nhất từ trước đến nay, từ 19 – 30% tùy từng khu vực. Cụ thể, hệ số K sẽ có mức đề xuất là 1,7-2,5 thay vì 1,3-2,1 như hiện tại.
Hệ số K ở đây được hiểu là hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất của Nhà nước trong các trường hợp như giao đất, chứng nhận quyền sở hữu đất, cho thuê đất hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Bởi vậy, hệ số mới mới nếu được thông qua theo đánh giá sẽ làm tăng số thu thuế thu nhập cá nhân, tăng lệ phí trước bạ khi giao dịch nhà đất.
Hệ số mới mới nếu được thông qua theo đánh giá sẽ làm tăng số thu thuế thu nhập cá nhân, tăng lệ phí trước bạ khi giao dịch nhà đất.
So sánh với năm ngoái, HoREA thống kê, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 chỉ tăng từ 5% đến 8,33% so với năm 2017 tùy theo khu vực 1 đến khu vực 5.
Theo HoREA, để đưa ra mức trên, Liên Sở Tài chính - Tài nguyên Môi trường đã căn cứ vào khảo sát thông tin và nhận định giá thị trường chuyển nhượng nhà đất hiện nay cao hơn gấp 4 đến 6 lần bảng giá đất của thành phố.
Tuy nhiên, phía HoREA đánh giá, nhận định này chưa thật sự thuyết phục nếu so sánh với cuộc đấu giá thành công điển hình đối với khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1 năm 2014. Khu đất này có diện tích 3.000 m2 với giá khởi điểm đấu giá là 550 tỷ đồng (tương đương 183 triệu đồng/m2). Sau 14 vòng đấu, giá trúng đấu giá là 1.460 tỷ đồng (tương đương 486 triệu đồng/m2), tức là hệ số K là 2,65 lần.
Ví dụ trên cho thấy giá thị trường tại khu vực này gấp 2,65 lần giá đất do cơ quan nhà nước xác định, chứ có thể không tới mức gấp 4 đến 6 lần như nhận định của Liên Sở Tài chính - Tài nguyên Môi trường.
Việc tăng đồng loạt hệ số K theo HoREA dẫn đến hộ gia đình, cá nhân tại các quận ven và các huyện ngoại thành phải chịu tỷ lệ tăng hệ số điều chỉnh giá đất cao hơn các quận nội thành. Điều này tác động trực tiếp đến số đông người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị cư trú xa trung tâm.
Chưa kể, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất tác động trực tiếp đến nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất của đông đảo hộ gia đình và cá nhân, mà đa số là sử dụng nhà để ở, không có kinh doanh nên dẫn đến nhiều hộ gia đình đã phải xin được nợ tiền sử dụng đất.
Từ đó, HoREA đề nghị các cơ quan tiếp tục xem xét, quyết định áp dụng mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 tương đương cách tính năm 2018, tức là tăng từ 5%-8,33%.
"Mức đề xuất tăng từ 19% đến 30% của Liên Sở Tài chính - Sở Tài nguyên Môi trường là quá cao và chưa hợp lý" HoREA lên tiếng.
Thị trường bất động sản trên địa bàn TP.HCM đã sôi động trở lại bất chấp cơn sốt đất từng diễn ra trước đó.