Học sinh lớp 9 được phép làm giàu từ cổ phiếu?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trẻ 15 tuổi có cơ hội được làm giàu cho bản thân từ việc đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn về giao dịch chứng khoán để thay thế cho Thông tư số 203/2015. Đáng chú ý, dự thảo quy định cá nhân tuổi từ đủ 15 đến dưới 18 được mở tài khoản giao dịch chứng khoán nếu không bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự và được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính quy định về độ tuổi được mở tài khoản chứng khoán. Điều này có ý nghĩa bên cạnh các đại gia sừng sỏ sẽ hình thành một lớp nhà đầu tư trẻ tuổi mới trên thị trường.

Thổi làn gió mới vào thị trường

Luật sư Minh Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng với quy định mới trong dự thảo có thể hiểu cơ quan nhà nước kỳ vọng thị trường chứng khoán có thêm nhiều nhà đầu tư và dùng sức trẻ thổi làn gió mới vào thị trường.

Ngoài ra, khi trẻ em được làm quen sớm với tài chính dưới sự hướng dẫn của người đại diện sẽ giúp ích khá nhiều cho họ trưởng thành. Ví dụ, người trẻ sẽ có sự khôn ngoan hơn trong tài chính do học được các bài học trên thị trường từ cạm bẫy cho đến việc nhận hậu quả từ các quyết định đầu tư kém.

TS Đoàn Bảo Huy, ĐH RMIT Việt Nam, cũng nhìn nhận quy định 15 tuổi có thể tham gia đầu tư chứng khoán của Việt Nam đang tiệm cận với thế giới. Một số quốc gia như Mỹ hay Phần Lan cho phép người dưới 18 tuổi mở tài khoản chứng khoán nhưng người giám hộ phải giúp mở tài khoản cũng như thực hiện các giao dịch. Mục đích chung nhằm giáo dục cho trẻ em các bài học giá trị về đầu tư và tiền bạc. Quan trọng hơn là trẻ có cơ hội xây dựng sự giàu có cho bản thân từ việc đầu tư.

“Khoan nói đến việc có một số tiền lớn để đầu tư vào thị trường chứng khoán, mà việc tham gia vào đây là bài học kinh nghiệm cho trẻ em. Bởi vì khi trưởng thành, họ có thể tiếp tục đưa ra các quyết định tài chính thận trọng và các khoản đầu tư khôn ngoan, từ đó sẽ đem đến nhiều lợi ích trong suốt cuộc đời” - TS Huy nói.

Các cô cậu 15 tuổi có thể sẽ sánh ngang các đại gia sừng sỏ tìm kiếm tiền tỉ trên sàn chứng khoán. Ảnh: PM

Các cô cậu 15 tuổi có thể sẽ sánh ngang các đại gia sừng sỏ tìm kiếm tiền tỉ trên sàn chứng khoán. Ảnh: PM

Vị chuyên gia này cũng đánh giá dự thảo về chứng khoán lần này nhấn mạnh đến vai trò của người đại diện, được xem là hướng dẫn và hỗ trợ mua bán chứng khoán cho trẻ vị thành niên. Các nghiên cứu tại Phần Lan cho thấy những người đại diện cho trẻ em thực hiện việc giao dịch tài khoản chứng khoán cũng thường là những nhà đầu tư thu nhập tốt và khá giàu có. Nói cách khác, những cá nhân này khá thành công trong việc đầu tư do kỹ năng vượt trội hay khả năng sở hữu mối quan hệ đem lại lợi thế trong việc tìm kiếm thông tin đầu tư tốt nhất.

“Những người đại diện này có khuynh hướng chia sẻ lợi ích cho những trẻ vị thành viên chơi chứng khoán. Chẳng hạn, vào năm 2010, bà Paula Lehtomaki, cựu bộ trưởng Môi trường Phần Lan, có tài khoản giao dịch chứng khoán riêng của mình, đồng thời bà cũng là người đại diện tài khoản của đứa con còn vị thành niên. Bà cảm thấy triển vọng kinh doanh của một công ty khai thác mỏ nên thông qua hai tài khoản này đã mua cổ phần công ty. Sau đó cổ phiếu của công ty này tăng tốc mạnh, giúp cả bà và con cùng kiếm lợi tốt” - TS Huy dẫn chứng.

Thao túng hơn 3,3 tỉ đồng

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hiện ra hành vi thao túng giá cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long của nhà đầu tư Hoàng Đức Thuận, Hà Nội. Cơ quan nhà nước đã buộc ông này nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ việc thao túng giá cổ phiếu hơn 3,3 tỉ đồng. 

Những nỗi lo

Mặc dù nhìn thấy một số lợi ích nhưng luật sư Minh Đức không khỏi băn khoăn. Bởi 15 tuổi vẫn còn được xem là vị thành niên, trong khi thị trường chứng khoán khá phức tạp và rủi ro cũng không ít. Việc đầu tư vào đây cũng không hề dễ với những đại gia sừng sỏ, vậy nếu trong trường hợp người giám hộ theo pháp luật tham gia thị trường bị thua lỗ, gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì ai chịu trách nhiệm.

“Chưa kể, với người đại diện hỗ trợ người chơi 15 tuổi mà người đại diện này cũng có tài khoản chứng khoán. Liệu rằng họ có làm lũng đoạn thị trường bằng cách bán tài khoản này, mua tài khoản kia để tăng giá hay ngược lại ép giá cổ phiếu nào đó? Bên cạnh đó, chứng khoán Việt Nam cho phép thực hiện margin (ký quỹ) để chơi. Vậy chủ tài khoản 15 tuổi nếu được vay, tài sản đâu bỏ vào để cân bằng tài khoản margin trong trường hợp thị trường chứng khoán lao dốc?” - luật sư Minh Đức đặt vấn đề.

Theo các chuyên gia, rất dễ có hành vi trục lợi nếu như người đại diện cho tài khoản chứng khoán của trẻ vị thành niên đang nắm giữ các vị trí quan trọng như tổng giám đốc, hội đồng quản trị tại công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Với việc bất cân xứng thông tin, họ có thể thực hiện các thủ thuật kiếm lợi trước khi mọi thứ được minh bạch trên thị trường.

Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước nếu cấp phép cho người 15 tuổi mở tài khoản chứng khoán phải dự liệu và có phương pháp phòng ngừa. Nếu không, thay vì mang lại lợi ích từ điều khoản mới thì lại gây rối cho thị trường. “Thực tế, tại Mỹ, Phần Lan… đã phát hiện các trường hợp cha mẹ nhờ nắm thông tin nội bộ trước thị trường và chuyển thông tin đó cho con để mua bán kiếm lợi” - TS Đoàn Bảo Huy dẫn chứng.

Không giống mở tài khoản ngân hàng

Trả lời báo chí, TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhận định việc cho phép người đủ 15 tuổi mở tài khoản chứng khoán nhằm đa dạng hóa đối tượng mở tài khoản. Nhưng cũng nên cân nhắc vì tài khoản chứng khoán không chỉ cần người đại diện pháp luật mở là được mà có cả giao dịch, không giống mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng.

“Bản chất của thị trường chứng khoán có rủi ro, có nhiều yếu tố liên quan đến minh bạch, chế tài...” - TS Nguyễn Sơn bày tỏ.

Cơ chế dừng giao dịch tự động

Trong dự thảo mới, Bộ Tài chính cũng đưa ra nhiều điểm mới. Ví dụ, việc ngắt mạch thị trường (circuit breaker) là cơ chế tạm dừng giao dịch tự động trong phiên giao dịch khi giá chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán biến động chạm các ngưỡng được xác định. Điều này giúp các nhà đầu tư ổn định tâm lý, tránh các đợt bán tháo gây thiệt hại cho tài sản của họ.

Một điểm đáng chú ý khác được Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo lần này là giao dịch bán khống có bảo đảm. Theo đó, nhà đầu tư mở tài khoản bán khống có bảo đảm tại công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán để thực hiện giao dịch bán khống. Việc giao dịch bán khống để tạo thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn. 

Nguồn: [Link nguồn]

15 tuổi sẽ được mở tài khoản chứng khoán?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để cá nhân đủ 15 tuổi có thể mở tài khoản giao dịch chứng khoán khi người đại diện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHƯƠNG MINH ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN