Hóa giải nghịch lý có tiền không tiêu được
Tính đến hết tháng 11, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 58,33% kế hoạch, trong khi đây được coi là yếu tố quyết định duy trì tăng trưởng.
Có tiền nhưng không tiêu được, tiền “nằm chết” trong kho bạc, trong khi sản xuất kinh doanh đang rất khát vốn.
Báo Giao thông trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư xung quanh vấn đề này.
TS. Nguyễn Đình Cung
“Đập nước đầy bên cánh đồng khô hạn”
Tại phiên họp thường kỳ tháng 11, diễn ra chiều 1/12, các thành viên Chính phủ nhận định, dù đã có nhiều điểm sáng nhưng kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, giải ngân đầu tư công mới đạt 58,33% kế hoạch; xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, sa thải lao động… Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng, đầu tư công là động lực tăng trưởng duy nhất còn lại, ít nhất là đến năm 2023. Sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế vẫn còn yếu ớt, trong đó quan trọng nhất là vốn, cần phải được tiếp sức.
Trong lúc ấy, hàng trăm nghìn tỷ đồng vẫn “nằm bất động” trong kho bạc, không tiêu được. Thực trạng của chúng ta giống như bức tranh khắc họa cảnh một bên là con đập tích đầy nước, bên kia là đồng ruộng khô cạn nhưng không mở được van để xả nước sang tưới tắm. Rất xót ruột!
Nhiều nhà thầu phản ánh dù họ đã hoàn thành khối lượng công việc nhưng thủ tục thanh toán quá phức tạp, khó thực hiện, từ đó tác động dây chuyền đến cả nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu, nhân công cho tới vay vốn. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
Tôi nghĩ, việc đầu tiên là phải xem xét lại quy trình, thủ tục, điều kiện thanh toán cho nhà thầu. Bộ Tài chính phải chủ trì, rà soát và điều chỉnh lại quy định sao cho thật cụ thể, rõ ràng.
Nhiều nhà thầu cay đắng nói với tôi rằng: “Bây giờ chúng tôi không làm đương nhiên sẽ “chết” ngay, nhưng càng làm càng thua lỗ thì cũng “chết dần chết mòn”. Do vậy, phải phân loại và có quyết định hành động ngay để giải quyết thật cụ thể từng dự án. Chứ càng dềnh dàng, có khi điều chỉnh được tổng mức đầu tư xong, giá đã lại tăng thêm một mức mới nữa, nhà thầu lại rơi vào vòng xoáy thua lỗ mới, khó có thể yên tâm, đẩy nhanh tiến độ được. TS. Nguyễn Đình Cung |
Và khi nhà thầu đủ điều kiện, họ phải được thanh toán trong vòng 24h.
Thứ hai, phần lớn nhà thầu cho biết, khi đấu thầu trọn gói dự án, giá nguyên vật liệu còn thấp, song sau 3 - 4 năm triển khai, giá đã tăng chóng mặt.
Tuy chúng ta có quy định tổng mức đầu tư được điều chỉnh theo lạm phát song không phản ánh đúng, đủ mức tăng giá trên thực tế khi mà có loại nguyên vật liệu tăng hàng chục lần, khiến họ càng làm càng lỗ.
Bên cạnh đó, cũng có những dự án chất lượng không đảm bảo. Với trường hợp này, cần trao trách nhiệm cho từng chủ đầu tư tự sàng lọc lại.
Để trong quá trình sàng lọc, họ có thể linh hoạt, chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác.
Tất nhiên khi đó, với những khối lượng công việc đã làm, phải chấp nhận cắt lỗ bởi nếu tiếp tục làm, thiệt hại còn nhiều hơn. Việc này rất khó, nhưng kinh tế thị trường thì phải chấp nhận.
Theo ông, trong trường hợp “van” vốn đầu tư công được khai thông, sẽ tác động, lan tỏa tới nền kinh tế ra sao?
Nếu đầu tư công khai phá được, sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh, tăng sức chống chịu cho các doanh nghiệp, tạo đà cho những năm tiếp theo.
Và như thế cơ hội phục hồi cho nền kinh tế mới bền vững. Khi có thêm nhiều doanh nghiệp trụ lại được thị trường, nhiều công ăn việc làm được duy trì, sẽ vừa thúc, vừa đẩy, kéo nền kinh tế, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân ở các lĩnh vực như xây dựng, sắt thép, xi măng… phục hồi.
Đặc biệt, khi các dự án đầu tư công, trong đó có nhiều dự án hạ tầng hoàn thành sẽ góp phần giảm chi phí vận tải, logistics, tạo ra cơ hội đầu tư mới; cứ thế tạo thành những vòng xoáy mở rộng.
Trong điều kiện bình thường, đầu tư công cứ tăng 1% thì có thể kéo GDP tăng tăng 0,7%. Trong bối cảnh vai trò đầu tư công đặc biệt quan trọng như tôi đã nói ở trên, mức tác động tích cực còn lớn hơn nữa.
Mục tiêu là hiệu quả
Giải ngân đầu tư công chậm có nguyên nhân từ chất lượng, năng lực nhà thầu triển khai dự án chưa đảm bảo và giá cả nguyên vật liệu tăng cao. Ảnh: Tạ Hải
Tình trạng giải ngân chậm đã kéo dài từ năm này sang năm khác và năm nay cũng không phải ngoại lệ, bất kể đây là thời điểm đầu tư công giữ vai trò đặc biệt cấp thiết như phân tích ở trên. Theo ông, nguyên nhân là gì?
Nguyên nhân cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan phân tích, tôi xin điểm ra đây một số nhóm vấn đề.
Đầu tiên là việc chuẩn bị dự án đầu tư công rất sơ sài nên chất lượng kém. Tình trạng này gần như phổ biến ở nhiều ngành, nhiều địa phương.
Thứ hai là quy định pháp luật về đầu tư công chồng chéo, không rõ ràng, phức tạp; chủ đầu tư, nhà thầu không biết tuân thủ thế nào cho đúng.
Hoạt động đầu tư công liên quan đến rất nhiều luật, có nghĩa là liên quan đến hàng chục nghị định, hàng trăm thông tư, có thể nói như một rừng quy định vậy.
Nguyên nhân thứ ba là chất lượng, năng lực nhà thầu triển khai các dự án đầu tư công chưa đảm bảo, từ con người, máy móc, thiết bị, đến năng lực quản trị dự án… Thứ tư là giá cả biến động rất mạnh, trong đó nhiều nguyên, nhiên, vật liệu tăng cả trăm phần trăm, làm chi phí xây dựng tăng cao.
Giữa năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Song từ đó tới nay, vẫn còn 27 Bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%… Như vậy, nút thắt nằm ở đâu, thưa ông?
Có một số nguyên nhân phái sinh khiến cho dự án gần như không có cách nào tháo được nút thắt.
Chẳng hạn, do khâu chuẩn bị sơ sài, chất lượng dự án không tốt, đầu vào sai nên các bước tiếp theo là sai. Vừa qua có nhiều cơ quan trả lại vốn vì từ đầu đã quyết định dự án sai.
Cũng do chuẩn bị không kỹ, không đánh giá hết điều kiện, khi triển khai thực tế sẽ có nhiều thứ phát sinh, khiến thay đổi tổng mức đầu tư.
Khi thay đổi tổng mức đầu tư, lại phải xin lại chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Quy trình này nhiều khi mất thời gian không kém quy trình thực hiện một dự án mới. Khi đó, mọi việc phải dừng lại. Mà càng dừng, dự án càng kéo dài, vốn bị đội lên càng lớn.
Lẽ ra trong quá trình chuẩn bị dự án, chúng ta không chỉ thực hiện thủ tục mà phải chuẩn bị song song tất cả điều kiện để GPMB. Khi thủ tục xong, có thể triển khai GPMB luôn.
Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy, việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương; phối hợp giữa các địa phương với nhau nhiều khi rất kém.
Tôi lấy ví dụ, một dự án các tốc chạy qua rất nhiều tỉnh, thành phố, ai thấy dự án quan trọng với địa phương mình thì hăng hái làm ngay, lao vào GPMB. Nhưng người khác thấy chưa phải việc quan trọng của mình thì đủng đỉnh hoặc mặc cả để tìm thêm sự hỗ trợ nữa mới GPMB.
Thậm chí, ngay trong một địa phương cũng có đoạn GPMB xong, đoạn chưa… Mà chỉ cần một nơi không làm thôi thì toàn tuyến đều bị tắc.
Tôi cho rằng, tổ công tác nên tập trung vào những dự án quan trọng quốc gia để rà soát, phân tích, phân loại theo từng nhóm nguyên nhân, từ đó tháo gỡ. Có những dự án không thể không đầu tư như: Dự án cao tốc Bắc - Nam; dự án Vành đai 3 TP.HCM hay dự án Vành đai 4 Hà Nội.
Với những dự án này, phải tập trung nguồn lực để thông tuyến thật nhanh bởi càng làm nhanh thì đội vốn càng ít. Đồng thời, sẵn sàng bỏ qua thủ tục không cần thiết, vì thủ tục cuối cùng cũng là để đầu tư, giải ngân trong khi đó đều là dự án không thể không đầu tư. Thứ chúng ta cần kiểm soát là hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, trong đó yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để chậm chễ. Nhưng cũng còn không ít người còn mang tâm lý “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Theo ông, có cách nào hóa giải tâm lý này?
Đối với hệ thống quy định của pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, tuân thủ cái này thì sai cái kia và kiểu gì cũng sai là một thực tế ai cũng thừa nhận.
Chính điều này đang kìm hãm sự năng động, sáng tạo, thậm chí còn là nỗi sợ hãi khiến không ai muốn làm, không ai dám làm cả.
Để hóa giải, có lẽ cách tiếp cận phải khác, tức là đã làm phải có rủi ro, thậm chí có thể có sai sót và đánh giá kết quả trong tổng thể.
Tôi lấy ví dụ một Bộ, ngành hay địa phương phụ trách 100 dự án đầu tư công, nếu đốc thúc giải ngân, hoàn thành 90 dự án là thành công, là hoàn thành nhiệm vụ, cho dù có thể còn 10 dự án chậm, muộn, thậm chí phải dừng.
Ở đây chúng ta nên thống nhất rằng, mục tiêu là giải ngân hiệu quả chứ không phải mục tiêu là tuân thủ quy định. Tuân thủ quy định, xét cho cùng là giải ngân hiệu quả. Nếu tuân thủ quy định mà để cho chậm chễ, kéo dài, ách tắc, đội vốn thì tuân thủ quy định có ý nghĩa gì?
Cách này phải tiếp cận thống nhất từ cấp cao nhất, đặc biệt là từ phía thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở đó mới đề cao trách nhiệm người đứng đầu về tính kịp thời, hiệu quả, hợp lý của giải ngân đầu tư công, không phải chịu trách nhiệm về tuân thủ.
Cảm ơn ông!
Bộ GTVT giải ngân cao hơn mức bình quân chung cả nước Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT, kiến đến hết tháng 11/2022, Bộ GTVT sẽ giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (69,4% so kế hoạch giao đầu năm) gồm: 31.174 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 63% và 3.709 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 68,2%. Theo số liệu của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân hết tháng 11/2022 của Bộ GTVT duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (từ đầu năm đến hết tháng 11 khoảng hơn 58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao). |
Giá vàng gần như đi ngang trong phiên hôm nay sau hai phiên tăng phi mã trước đó.
Nguồn: [Link nguồn]