Hết thời sốt nóng, giá nhà đất có dấu hiệu chững lại
Bộ Xây dựng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II.
Giá nhà đất liên tục tăng, có dấu hiệu chững lại
Thông tin tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản (BĐS) an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá nguồn cung nhà ở thương mại chưa có sự cải thiện.
Theo đó, năm 2021 có 172 dự án hoàn thành với quy mô 24.027 căn; bằng khoảng 42% số lượng so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành vẫn hạn chế với khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021.
Sau thời gian tăng giá liên tục, hiện giá nhà ở, đất nền có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II/2022.
Về nguồn cung nhà ở xã hội, đến nay, tổng số dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành là 279 dự án nhà, quy mô xây dựng khoảng 148.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,4 triệu m2; đang tiếp tục triển 355 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 377.000 căn, tổng diện tích khoảng 18,84 triệu m2.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước chỉ hoàn thành 3 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000m2 sàn xây dựng. Riêng dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 1 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 400 căn hộ, với tổng diện tích 21.500m2.
Như vậy, các kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu.
Về giá BĐS, năm 2021, giá nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Trong đó, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 –7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.
Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, "sốt giá" đất nền tại một số địa phương. Như tại Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%). Một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên ( tăng 26%) và ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. HCM; TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Sang năm 2022, trong 6 tháng đầu năm, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II.
Về lượng giao dịch BĐS, số liệu thống kê cho thấy, năm 2021 có khoảng 110.000 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ tại các dự án (gần tương đương lượng giao dịch năm 2020 là khoảng 115.000 giao dịch), nhưng lượng giao dịch đất nền tăng mạnh, tổng lượng giao dịch đất nền trong năm khoảng 170.000 giao dịch.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ khoảng 50.000 giao dịch, đất nền khoảng 200.000 giao dịch tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện tượng bán nhà "hai giá" nhằm trốn thuế diễn ra phổ biến
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu rõ hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh của thị trường BĐS hiện nay.
Vấn đề về nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương. Nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý đặc biệt là việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất như tại TP.HCM theo thông tin của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có khoảng 126 dự án.
Bộ Xây dựng nhận định, thời gian qua, giao dịch BĐS chưa được minh bạch, hiện tượng bán nhà "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh BĐS còn khá phổ biến.
Cơ cấu sản phẩm bất động sản còn bất hợp lý. Phân khúc nhà ở trung, cao cấp, BĐS du lịch có biểu hiện dư thừa. Trong khi đó thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình (đối với nhà ở xã hội mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu, mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia).
“Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Tại Hà Nội, TP.HCM hầu như không còn căn hộ chung cư có giá dưới 25 triệu/m2” – Bộ trưởng thông tin.
Cùng với đó, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS vẫn còn một số bất cập cần nghiên cứu sửa đổi như về hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; về xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng; về thời hạn, chế độ sử dụng đất đối với các loại BĐS mới, BĐS hỗn hợp, đa chức năng...
Giao dịch BĐS chưa được minh bạch, hiện tượng bán nhà "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh BĐS còn khá phổ biến.
Ngoài ra, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nếu như 4 năm trước, người dân cần 35 năm để mua được một căn hộ, thì hiện tại con số này đã ở mức... 57 năm. Với bạn, sau bao năm tiết kiệm...
Nguồn: [Link nguồn]