Hết thời ép mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng
Để ngăn biến tướng bán bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ Tài chính bổ sung nhiều quy định như: cấm tổ chức tín dụng tư vấn, giới thiệu, chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trước và sau giải ngân vốn vay; tăng xử phạt; thiết lập quầy bảo hiểm riêng... Chuyên gia cho rằng, quy định này sẽ góp phần giúp người dân không bị “ép” mua bảo hiểm, từng bước minh bạch thị trường.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm với nhiều nội dung mới, trong đó có cấm tổ chức tín dụng tư vấn, giới thiệu, chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Cùng với đó, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp với tổ chức hoạt động đại lý để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm liên quan việc tư vấn của nhân viên tổ chức hoạt động đại lý và xử lý vi phạm (nếu có). Ngoài ra, doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng phải ghi âm quá trình tư vấn cho khách hàng.
Tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có quầy bàn/giao dịch riêng để tư vấn, bán bảo hiểm. Khu vực này tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Hoạt động bán bảo hiểm Manulife qua Ngân hàng SCB thời gian qua xảy ra hàng loạt lùm xùm
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, Thông tư 67 đưa ra nhiều nhóm quy định tạo nền tảng cho những hoạt động mới của thị trường bảo hiểm và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng. Theo ông Trung, bảo hiểm liên kết đầu tư khá phức tạp, có yêu cầu cao về nhận thức và tài chính của người tham gia.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113.400 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 57.100 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.
“Chúng tôi mong muốn chất lượng tư vấn được nâng cao, tránh việc tư vấn viên “ép” khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm không đúng nhu cầu và khả năng tài chính của người dân.
Với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn, có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp bản giấy tài liệu tóm tắt và phải có xác nhận của bên mua bảo hiểm, giúp người mua hiểu rõ về sản phẩm, quyền và nghĩa vụ khi tham gia trước khi quyết định giao kết hợp đồng”, ông Trung cho biết.
Những điều được sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 67 có ý nghĩa rất lớn với người dân. Chị Khánh Dung (Hà Nội) cho biết, cuối năm 2022 đầu năm 2023, khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng để tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhân viên ngân hàng có gợi ý chị cần mua bảo hiểm để nhanh chóng được giải ngân.
“Nhân viên ngân hàng gợi ý, “ép” khéo khách hàng mua bảo hiểm để khoản vay được thuận lợi. Nếu không mua bảo hiểm, khoản vay sẽ khó giải ngân với lý do như: Hết hạn mức tín dụng, tài sản đảm bảo chưa đủ. Chúng tôi khó khăn, cạn nguồn tiền đi vay ngân hàng để duy trì hoạt động kinh doanh nên chấp nhận mua bảo hiểm như “phí bôi trơn” cho khoản vay.
Việc Bộ Tài chính quy định rõ, sẽ giúp người vay vốn như chúng tôi không bị rơi vào thế bị ép mua bảo hiểm. Việc này cũng giúp minh bạch thị trường bảo hiểm, người dân hiểu đúng hơn về bảo hiểm, thay vì chỉ nhìn thấy điểm xấu, bị ép mua”, chị Dung chia sẻ.
Chị N.L, nhân viên một ngân hàng thương mại chia sẻ, trước đây, ngoài nghiệp vụ tín dụng phải lo thêm chỉ tiêu bán bảo hiểm đi kèm. Theo chị N.L, dù biết khách hàng khó khăn muốn vay vốn nhưng nếu nhân viên ngân hàng không gợi ý khách mua bảo hiểm nhân thọ sẽ không đủ chỉ tiêu khoán của ngân hàng đặt ra.
“Quy định mới của Bộ Tài chính cũng giúp nhân viên ngân hàng như chúng tôi yên tâm, không phải lo bán bảo hiểm”, chị N.L nói.
Tăng xử phạt vi phạm
Để tăng tính răn đe với những vi phạm, Bộ Tài chính cho biết, đang thực hiện những khâu cuối cùng trong việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm. Dự thảo nghị định này theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm và tăng cường biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, kể cả phạt bằng tiền, hình thức phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm tạo tính răn đe hơn.
“Với những quy định tổng thể, cùng với việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tín dụng, trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm sẽ được minh bạch hóa và chất lượng tư vấn nói chung, của các tổ chức tín dụng nói riêng sẽ được nâng cao, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân”, ông Trung cho biết.
Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán đánh giá, nội dung thông tư thể hiện sự lắng nghe của Bộ Tài chính, góp phần hạn chế việc ép mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay, cũng như tình trạng đại lý bảo hiểm tư vấn mập mờ “quẹo” từ tiền gửi tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ...
“Một số quy định mới khá tốt, cần thêm thời gian để kiểm chứng nội dung trên có được áp dụng đúng trong thực tế hay không. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, các quy định trên vẫn chưa đầy đủ, chưa giải quyết triệt để tận gốc vấn đề trong ngành bảo hiểm. Cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý như bất kỳ người nào có dấu hiệu tư vấn sai, có thể khóa code (mã số đại lý bảo hiểm) tạm thời, sau đó điều tra, tiến hành xử phạt”, ông Trần Nguyên Đán đề xuất.
Cũng theo ông Đán, Bộ Tài chính cấm bán loại bảo hiểm liên kết đầu tư trong vòng trước và sau 60 ngày đối với khách vay vốn ngân hàng. Trong khi bảo hiểm nhân thọ còn có 6 loại hình cơ bản khác (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí), vì vậy, cơ quan chức năng cũng nên cân nhắc quy định chặt chẽ, tránh tình trạng một số ngân hàng “lách” trong hoạt động bán bảo hiểm.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm với nhiều nội dung mới. Thông tư cũng cấm tổ chức tín dụng tư vấn, giới thiệu, chào bán bảo hiểm...
Nguồn: [Link nguồn]