Hàng trăm tỷ phú Trung Quốc ''rớt hạng''
Năm 2022, giới siêu giàu ở Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề với 229 người bị mất danh hiệu tỷ phú. Kinh tế tăng trưởng chậm khi thực hiện chính sách zero-COVID đã tác động tới giới siêu giàu.
Theo danh sách tỷ phú mới nhất từ tạp chí Hồ Nhuận của Trung Quốc, đất nước đông dân này đã mất 229 tỷ phú trong năm ngoái. Nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp, thị trường chứng khoán lao dốc và đồng nhân dân tệ mất giá đã khiến giới siêu giàu nước này bị ảnh hưởng nặng nề hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Các “ông trùm” Trung Quốc chiếm hơn một nửa trong tổng số 445 người trên toàn cầu mất danh hiệu tỷ phú USD và rớt khỏi danh sách người giàu toàn cầu. Con số này thể hiện sự sụt giảm lớn nhất về số lượng tỷ phú ở Trung Quốc kể từ khi danh sách này lần đầu tiên công bố vào năm 2013.
Năm 2022, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 3%, chậm nhất trong nhiều thập kỷ (ảnh: Bloomberg).
Số lượng sụt giảm, tổng tài sản của các tỷ phú Trung Quốc trong danh sách, bao gồm 77 người từ Hồng Kông và 46 người từ Đài Loan cũng giảm mạnh với mức 15% so với mức giảm 10% giá trị tài sản ròng trên toàn cầu. Có tổng cộng 26 ông trùm Trung Quốc lọt vào danh sách 100 người giàu nhất thế giới.
Danh sách xếp hạng cho thấy, tỷ phú Zhong Shanshan - người sáng lập thương hiệu nước đóng chai Nongfu Spring - tiếp tục giữ vị trí người giàu nhất Trung Quốc, với 69 tỷ USD tài sản, giảm 4% so với năm ngoái. Ông hiện là người giàu thứ 15 trên thế giới.
Người sáng lập Tencent - tỷ phú Pony Ma, 52 tuổi, đứng ở vị trí giàu thứ 2 ở Trung Quốc. Tỷ phú công nghệ này đã tăng 2 bậc so với năm ngoái dù giá trị tài sản ròng giảm 25% xuống còn 39 tỷ USD. Ông là người giàu thứ 31 trên thế giới.
Người sáng lập ByteDance, công ty mẹ của TikTok - tỷ phú Zhang Yiming, 40 tuổi, đứng ở vị trí thứ 3, tụt một bậc so với danh sách năm ngoái khi tài sản ròng giảm 31% xuống còn 37 tỷ USD.
Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập đế chế thương mại điện tử Alibaba, cũng tụt từ vị trí thứ 5 xuống vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng khi giá trị tài sản ròng giảm 32% xuống còn 25 tỷ USD, tương đương giàu thứ 52 trên thế giới.
Tỷ phú Li Ka-shing vẫn là người giàu nhất Hồng Kông và là người giàu thứ 39 trên thế giới, khi tài sản của ông giảm 6% xuống còn 31 tỷ USD. Ông Li đứng thứ 5 trong danh sách tỷ phú của Trung Quốc.
Năm 2022, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 3%, chậm nhất trong nhiều thập kỷ, khi thực hiện chính sách zero-COVID khiến nhiều thành phố phải đóng cửa và đình chỉ sản xuất.
Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu của Báo cáo Hồ Nhuận, cho biết: “Lãi suất tăng, đồng USD tăng giá, vỡ bong bóng công nghệ sau dịch COVID-19 và tác động liên tục của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm tổn hại đến thị trường chứng khoán”.
Trong 12 tháng qua, tính đến ngày 16/1, chỉ số Nasdaq giảm 26%, S&P 500 giảm 14%, NYSE Composite giảm 8% và các chỉ số chính ở sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến lần lượt giảm 8% và 17%.
Cùng thời điểm trên, đồng nhân dân tệ mất giá 6% so với đồng USD khiến tài sản của nhiều tỷ phú Trung Quốc giảm mạnh, vì danh sách tỷ phú này được tính theo giá trị đồng USD.
Tuy nhiên, nhìn chung, Trung Quốc vẫn có số lượng tỷ phú lớn nhất thế giới, với 969 người, nhiều hơn 40% so với Mỹ, với 691 người. Số tỷ phú của cả hai nước này cộng lại chiếm 53% trong tổng số 3.112 tỷ phú trên toàn cầu.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là quốc gia có số lượng tỷ phú mới nhiều nhất trong danh sách, với 69 người, dựa trên giá trị tài sản ròng tính đến ngày 16/1.
Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhiều tỷ phú nhất thế giới và đến nay vẫn giữ vững danh hiệu này.
Wang Feng, Chủ tịch Tập đoàn dịch vụ tài chính Ye Lang Capital, cho biết: “2022 là năm khó khăn đối với giới doanh nhân Trung Quốc vì đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt hoạt động của họ hoặc ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ. Nhưng với quy mô thị trường rộng lớn và việc nước này từ bỏ chiến lược zero-Covid sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cá nhân có giá trị ròng hơn trong những năm tới”.
Theo danh sách người giàu của Hồ Nhuận, ông trùm hàng hiệu Pháp Bernard Arnault vẫn giàu nhất thế giới, với 202 tỷ USD tài sản, tiếp đến là tỷ phú Elon Musk, với 157 tỷ USD tài sản.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng với đà tăng nhẹ của thị trường chứng khoán, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng ghi nhận mức tăng hơn 340 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối tuần.