Hàng trăm trường tư thục đối diện nguy cơ phá sản bởi dịch Covid-19

Diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đang khiến hàng trăm trường, cơ sở giáo dục ngoài công lập đối diện nguy cơ đóng cửa, phá sản. Điều này sẽ khiến hàng nghìn lao động mất việc làm, hàng triệu học sinh có thể vỡ chương trình học.

Tính đến ngày 4/3, đã có 150 trường, cơ sở giáo dục ngoài công lập lớn cùng có kiến nghị thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, khẩn cầu hỗ trợ để giúp các trường, cơ sở giáo dục vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Bao gồm: Tổ chức giáo dục và đào tạo Apollo Việt Nam; Tổ chức giáo dục Equest; Trường Đại học Phú Xuân; Trường Trung cấp dạy nghề Bách khoa Sài Gòn; Trường Cao đẳng Việt Mỹ; Hệ thống trường liên cấp Newton; Hệ thống giáo dục thực nghiệm Victory; Trường phổ thông liên cấp Tây Hà Nội; Trường phổ thông liên cấp Ngôi sao Hà Nội….

Trong thư, tập thể cơ sở giáo dục ngoài công lập cho biết năm học 2020-2021, khối giáo dục ngoài công lập toàn quốc có gần 2 triệu học sinh. Hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư vào các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Khối trường mầm non ngoài công lập là lựa chọn của nhiều gia đình không có hộ khẩu tại những thành phố lớn

Khối trường mầm non ngoài công lập là lựa chọn của nhiều gia đình không có hộ khẩu tại những thành phố lớn

Tuy nhiên, những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 trong thời gian qua khiến nhiều trường, cơ sở giáo dục đứng trước nguy cơ phải sa thải lao động và đóng cửa, thậm chí phá sản.

Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập thừa nhận đang kiệt sức nghiêm trọng và dần mất tính thanh khoản do học sinh phải liên tiếp nghỉ học tránh dịch Covid-19. Trong gần ba tháng qua, hàng trăm tỷ đồng doanh thu không có.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều trường, nhiều cơ sở giáo dục đã hết sức vận dụng những nguồn lực tài chính cuối cùng. Thậm chí phải đem cả những đồng tiền tiết kiệm của gia đình để trả tiền thuê trung tâm, trả lương nhân viên, giáo viên, điện nước, thuế, phí, bảo hiểm cũng như các chi phí phòng dịch…

Theo một cuộc khảo sát nhanh, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi.

Đại diện của tập thể cơ sở giáo dục ngoài công lập cho rằng việc đóng cửa hàng loạt các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ gây hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với nền giáo dục Việt Nam.

Hàng trăm cơ sở mầm non phá sản sẽ dẫn đến các cháu bé không có người trông nom, chăm sóc, cha mẹ bị ảnh hưởng công việc làm.

Hàng ngàn trung tâm ngoại ngữ nếu bị đóng cửa sẽ tạo ra một khoảng trống vô cùng lớn trong nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, đẩy lùi tiến trình hội nhập quốc tế.

Trung bình chi phí đầu tư một cơ sở ngoại ngữ vừa phải tốn từ 2-5 tỷ đồng và sử dụng ít nhất là 30 lao động. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30,000 lao động, gồm các thầy cô giáo, nhân viên, bảo vệ, lao công mất việc.

Khối trường phổ thông tư nhân cũng đang bị áp lực khủng khiếp. Chi phí đầu tư trung bình cho một trường tư chất lượng vừa phải (mức học phí 5-10 triệu/tháng), là khoảng 80-200 tỷ đồng. Các trường tư cũng chỉ có thể kéo dài thời gian xoay xở không quá 3 tháng.

Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP.HCM và Hà Nội thì sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc. Hàng ngàn tỷ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn.

Cùng với đó sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư mất việc. Nếu lực lượng lao động này chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại là vô cùng lớn.

Thư kiến nghị của tập thể các trường ngoài công lập cho biết những phản ứng dây chuyền là rất khủng khiếp. Điều này tác động tới cả mặt tài chính và hệ lụy cho nền kinh tế nói chung.

Nghiêm trọng nhất là những tác động xấu tới giáo dục Việt Nam. Do sẽ không có nhà đầu tư, các quỹ đầu tư nước ngoài nào còn muốn đầu tư vào thị trường giáo dục tư nhân nữa.

Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ thì mọi thành quả hơn 20 năm đổi mới và khuyến khích đầu tư vào giáo dục tư nhân sẽ bị đẩy lùi và mất trắng.

Đại diện tập thể các trường ngoài công lập thừa nhận tất cả đang đứng trước một tương lai bất định. Không biết khi nào trường, trung tâm, cơ sở giáo dục sẽ được mở, học sinh được đi học.

“Chúng tôi đã kiệt sức! Về tài chính, về năng lượng và cả ý chí!” - lời thống thiết trong thư.

Trước những khó khăn và diễn biến bất lợi đó, đại diện các trường khẩn thiết đề nghị các cơ quan Đảng và Nhà nước xem xét và thông qua một gói các phương án hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập như:

Cho phép các cơ sở đào tạo ngoài công lập được nhanh chóng hoạt động trở lại trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.

Miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội.

Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online). Đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy.

Được tiếp cận một đầu mối tập trung để có thể được hướng dẫn về các vấn đề pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ. Đồng thời giải quyết nhanh các thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên và được xác nhận trường hợp dịch bệnh này là điều kiện bất khả kháng. Đây sẽ là căn cứ thương lượng với các đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ, địa điểm trong thời gian này. Giúp các trường, cơ sở vượt qua khó khăn từng bước đi vào ổn định hoạt động, phục vụ hàng triệu học sinh, học viên toàn quốc.

Nguồn: [Link nguồn]

Gửi tiền tiết kiệm dài hạn kiếm lời nhiều hơn gửi ngắn hạn

Với lạm phát kỳ vọng là 4% cả năm 2020, thì những người gởi tiết kiệm thời hạn dài sẽ hưởng lãi suất thực dương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN