Hàng loạt doanh nghiệp thiếu đơn hàng: Công nhân chật vật vì giảm thu nhập
Thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp (DN) ở TPHCM và các tỉnh phía Nam phải giảm giờ làm, cắt giảm nhân sự khiến không ít lao động đang rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn.
Chi tiêu tằn tiện, cầm cự qua ngày
Trước đây, vợ chồng chị Đỗ Thị Trang (quê Cà Mau), công nhân da giày làm việc tại khu công nghiệp Tân Thuận (quận 7, TPHCM) có tổng thu nhập hơn 16 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, đủ để cả gia đình lo cho 2 con ăn học, trả tiền thuê trọ, ăn uống, mỗi tháng còn tiết kiệm được 3 triệu đồng gửi về quê. Thế nhưng từ ba tháng qua, công ty gặp khó khăn về đơn hàng, công nhân phải dồn ca, chia việc cho nhau khiến thu nhập của công nhân sụt giảm mạnh.
“Không còn tăng ca nên thu nhập của tôi giảm còn khoảng 6,5 triệu đồng/tháng thay vì hơn 8 triệu đồng như trước đây. Thu nhập giảm, trong khi vật giá leo thang, con cái tuổi ăn tuổi học… nên chúng tôi phải tằn tiện trong mọi chi phí. Gia đình tôi thực sự chật vật với khoản thu nhập hạn hẹp”, chị Trang nói.
Đã ba tháng nay, anh Dương Nhuyễn (37 tuổi, công nhân Công ty Ngũ Lâm, Đồng Nai) đã phải nghỉ việc vì Công ty gỗ nơi anh làm việc hết đơn hàng. Vợ anh Nhuyễn làm công nhân da giày cũng không khá hơn. Mỗi tuần, chị chỉ làm việc 5 ngày, còn lại ngồi không. Cả gia đình anh Nhuyễn chỉ trông chờ vào khoản thu nhập không đầy 5 triệu đồng. Anh Nhuyễn chọn phương án ở nhà trông con, đưa con đi học để giảm bớt chi phí. “Tiền ăn, tiền học cho con, tiền nhà trọ, chi phí xăng xe…tất cả đều gói gọn trong đồng lương ít ỏi. Hy vọng cuối năm, công ty có việc làm trở lại để duy trì cuộc sống chứ không trông chờ gì vào thưởng Tết như hằng năm nữa rồi”, anh Nhuyễn tâm sự.
Chuẩn bị hành trang để về quê, anh Trần Hưởng (quê Đồng Tháp), làm việc tại công ty may mặc ở thành phố Dĩ An (Bình Dương) cho biết, lĩnh vực may mặc đang rơi vào tình cảnh khó khăn chung nên sau khi bị cho nghỉ việc ở công ty cũ, anh không muốn đi tìm việc ở nơi khác. “Hoàn cảnh gia đình hiện nay rất khó khăn nhưng sau khi suy nghĩ, tôi quyết định về quê làm ruộng, có gì ăn đó. Trong khả năng của mình, tôi không tự tin để đi xin việc ở lĩnh vực khác ngoài may mặc”, anh Hưởng thở dài.
Theo bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, vào thời điểm này mọi năm, các DN ngành may mặc, giày da đều tuyển dụng rầm rộ nhưng riêng năm nay, nhu cầu này đã giảm mạnh từ tháng 6 đến nay do các DN bị giảm hoặc không có đơn hàng. Tại sàn tuyển dụng lao động, chỉ có các DN ngành điện tử, bất động sản và bảo hiểm có nhu cầu nhưng tuyển dụng rất hạn chế, chỉ 20-50 lao động. Trung tâm đang tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo mọi điều kiện để sớm quay lại thị trường lao động nhằm ổn định cuộc sống. MẠNH THẮNG
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại nhiều khu nhà trọ ở Bình Dương, số công nhân thuê trọ giảm gần phân nửa. Tại một cư xá ở thị xã Tân Uyên có khoảng 1.300 phòng trọ, thời điểm đông nhất có khoảng gần 4.000 người thuê. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công nhân thất nghiệp về quê nên khu này còn trống khoảng 500 phòng. Ông Huỳnh Văn Hót (chủ một khu nhà trọ) cho biết, công nhân báo khoảng gần 3 tháng nay ít việc làm. Ban đầu không tăng ca, sau đó giảm giờ làm, rồi nhiều công nhân phải nghỉ việc. Có người cố bám trụ lại, nhưng hai tháng không tìm được việc làm nên họ về quê. “Công nhân trả phòng về quê nên gần một nửa số phòng ở đây đang trống”, ông Hót nói.
DN chật vật giữ người
Là DN chuyên gia công quần áo thời trang xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu, bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Giám đốc Công ty V.N.F (quận Bình Tân) cho biết, công ty chỉ có đơn hàng đến hết tháng 10/2022. “Hiện công ty đang tiếp tục đàm phán nhưng chưa biết khi nào mới ký được hợp đồng. Nguyên nhân là do lạm phát nên thị trường châu Âu giảm mua hàng thời trang, ảnh hưởng đến đơn hàng của các DN gia công. Ngoài ra, nhiều DN trước đó đã mua dự trữ nhiều hàng hóa nên đến nay nhu cầu giảm đi”, bà Châu cho hay.
Hết việc làm, anh Nhuyễn chọn phương án ở nhà trông con ảnh: Mạnh Thắng
Ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (tỉnh Bình Dương) nói, công ty đang hoạt động khoảng 50% công suất. DN không ép công nhân nghỉ, chỉ giảm giờ làm để giữ nhân lực. Tuy nhiên, người lao động tự xin nghỉ việc về quê, rồi xin nghỉ giải quyết việc riêng. Thực tế số lao động của công ty đã giảm 25% so với trước đây.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương thừa nhận, DN gỗ đang chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu có tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm, chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển cũng đồng loạt tăng mạnh dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động...
Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM cho biết, ghi nhận từ các DN ngành gỗ, dệt may, bao bì... cho thấy các nhà máy giảm công suất hoạt động khá sâu. Thậm chí có đơn vị hoạt động cầm chừng chỉ với 30-40% công suất.
Thực tế, từ đầu tháng 6/2022, một số DN ngành gỗ bắt đầu phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, tạm ngưng hợp đồng lao động. Công nhân không có việc làm, ở nhà trọ thời gian dài không còn tiền chi tiêu nên buộc phải về quê. “Một số nhà xưởng sản xuất phải tạm đóng cửa, chủ bỏ về nước, số khác cầm cự nhưng cắt giảm đến hơn một nửa nhân sự”, đại diện một DN đóng trên địa bàn thành phố Thuận An cho hay.
Tại Đồng Nai, Công ty TNHH Changshin VN (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) chuyên lĩnh vực giày da có khoảng 35.000 lao động cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng. Theo ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty TNHH Changshin VN, vào thời điểm đầu năm, DN có kế hoạch tuyển 3.000 lao động, nhưng từ tháng 3 đã phải ngưng tuyển dụng do đơn hàng giảm khoảng 30%. Do “người nhiều, việc ít” nên từ tháng 7/2022 đến nay, công ty cho người lao động nghỉ phép, nếu hết phép của năm 2022 sẽ cho nghỉ phép của năm 2023.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng DN vẫn cố gắng đảm bảo đời sống công nhân (ảnh tại Cty In số 7) ảnh: U.P
Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội Đồng Nai, tình hình sản xuất của một số DN đang gặp nhiều khó khăn. So với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tuyển dụng của DN giảm sút đáng kể. Do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine, biến động giá xăng dầu, nguồn cung nguyên vật liệu, xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng…khiến các DN ngành may mặc, da giày, chế biến gỗ, điện tử bị giảm đơn hàng. Một số DN lớn đã phải có phương án cho lao động nghỉ luân phiên trong quý III, quý IV/2022.
Nguồn: [Link nguồn]
Ra đời từ năm 2013, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có số vốn lên tới 2.000 tỷ đồng, do Bộ KH&ĐT quản lý nhưng đến nay, quỹ gần như “đắp chiếu”, vốn...