Ham kiếm tiền từ Temu, coi chừng dính lừa đảo

Sự kiện: Temu
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Sàn thương mại điện tử của Trung Quốc là Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Ngày 22-10 vừa qua, Temu – sàn thương mại điện tử của Trung Quốc tung ra một chiến lược mới khi cho người dùng tại Việt Nam đăng ký chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate).

Theo ghi nhận, chỉ hơn 1 ngày kể từ khi Temu mở đăng ký, nhiều tài khoản trên mạng xã hội đã chia sẻ rầm rộ cách kiếm tiền triệu đơn giản; đồng thời hô hào, mời gọi người khác tận dụng cơ hội này để kiếm tiền nhanh.

Theo đó, người dùng chỉ cần truy cập vào đường link trong phần mô tả của tài khoản đăng tải để nhận 50.000 đồng, nhận 150.000 đồng cho mỗi lần giới thiệu bạn bè và gói ưu đãi lên tới 1,5 triệu đồng.

Chẳng hạn, tại một hội nhóm trên Facebook có tên Cộng đồng Affiliate Temu_Việt Nam (hơn 28.000 thành viên), một tài khoản N.P nêu có 3 cách kiếm tiền triệu từ Temu. Cụ thể, kiếm được 30% hoa hồng nếu giới thiệu được người dùng mua hàng giá trị trên 2,4 triệu đồng hoặc giới thiệu người dùng ứng dụng mới được 150.000 đồng...

Tài khoản trên Facebook kêu gọi nhấp vào đường link để kiếm tiền trên Temu

Tài khoản trên Facebook kêu gọi nhấp vào đường link để kiếm tiền trên Temu

"Kiếm tiền dễ quá các bạn. Bây giờ Temu đang bắt đầu vào nên ưu đãi đậm, ai muốn lấy tiền triệu từ Temu thì truy cập vào đường link trong phần mô tả thôi."- tài khoản N.P hô hào.

Một tài khoản khác tên M.T cho hay bất kỳ ai đang muốn làm Affiliate lúc này cần phải tải Temu ngay. Chỉ cần mở tài khoản sẽ có 50.000 đồng tiền mặt, giới thiệu bạn bè nhận thêm 150.000 đồng, nhận thêm hoa hồng 10-30% tùy vào giá trị đơn hàng.

"Người dùng còn nhận được gói giảm giá trị giá 1,5 triệu đồng. Quá hời. Đợt này Temu chơi rất lớn. Nhanh tay truy cập vào link để kiếm tiền thôi" - tài khoản M.T liên tục chào mời.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại điện tử, công nghệ, việc nhiều người chia sẻ link giới thiệu tham gia chương trình Affiliate của Temu có thể bị đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo bằng chèn link có gắn mã độc trong phần mô tả, kêu gọi mọi người nhấp vào để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp an ninh mạng Việt Nam, cảnh báo với những đường link hoặc mã QR lạ trên mạng, người dùng không nên nhấp vào vì có thể chứa mã độc.

Người dùng có thể bị đối tượng xấu chiếm đoạt tài khoản cá nhân, đánh cắp dữ liệu để phục vụ cho mục đích lừa đảo.

"Người dân không nên tò mò, muốn kiếm tiền mà nhấp vào những đường link, tệp không rõ nguồn gốc trên mạng. Coi chừng tiền chưa kiếm được nhưng dữ liệu cá nhân, tài sản của mình đã bị đối tượng xấu lấy cắp"- ông Nguyên khuyến nghị.

Liên quan đến Temu, tối 23-10, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định sàn thương mại điện tử này chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng vẫn mở tính năng bán hàng và chạy quảng cáo rầm rộ đến người tiêu dùng tại Việt Nam.

Trước thực tế trên, Bộ Công Thương sẽ có một loạt phương án giải quyết về trường hợp của Temu, trong đó trường hợp xấu nhất là yêu cầu sàn TMĐT này dừng hoạt động tại Việt Nam.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều người tiết lộ nhận được số tiền “siêu khủng” lên đến hàng chục triệu đồng chỉ sau vài giờ giới thiệu người dùng cài đặt ứng dụng Temu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tỉnh ([Tên nguồn])
Temu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN