Hai ngày "đếm tiền mỏi tay" của nhóm tỷ phú Việt
Sau 2 phiên tăng điểm liên tiếp ngày 11-12/2, tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể. Trong đó tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup có thêm hơn 19.000 tỷ đồng vào khối tài sản của mình.
Trong phiên ngày 12/2, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng thêm 5.100 đồng, hiện có giá 109.100 đồng/cổ phiếu. Trước đó ngày 11/2, VIC cũng đã tăng 5.200 đồng/cổ phiếu.
Với 1,865 tỷ cổ phiếu VIC đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng thêm hơn 19.000 tỷ đồng trong 2 phiên liên tiếp. Hiện khối tài sản cổ phiếu của ông Vượng tại Vingroup đạt gần 204.000 tỷ đồng, đứng vững tại vị trí số 1 trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air cũng tăng 157 tỷ đồng (0,71%) lên 22.317 tỷ đồng nhờ đà tăng của cổ phiếu VJC và HDB.
Trong khi đó, tổng giá trị cổ phiếu MSN và TCB do ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, Phó Chủ tịch Masan Group tăng thêm 439 tỷ đồng, đạt 20.896 tỷ đồng. Tổng giá trị cổ phiếu do ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, Phó Chủ tịch Techcombank tăng thêm 452 tỷ đồng, đạt mức 20.480 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát Group cũng đón nhận tin vui khi cổ phiếu HPG tăng mạnh lên mức 29.500 đồng/cổ phiếu sau 4 phiên giảm giá liên tiếp. Với mức giá này, giá trị cổ phiếu HPG do ông Long nắm giữ đã đạt mức gần 20.000 tỷ đồng, tăng thêm 854 tỷ đồng sau 1 phiên giao dịch.
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC và Faros đón nhận niềm vui nhân đôi khi cả 2 mã cổ phiếu FLC và ROS cùng tăng giá lần lượt 1,4% và 6,30%. Do đó, giá trị tài sản bằng cổ phiếu của ông Quyết có thêm 775 tỷ đồng, đạt 13.651 tỷ đồng.
Tài sản của nhóm tỷ phú Việt Nam tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng sau 2 ngày chứng khoán "bùng nổ".
Chốt phiên hôm 12/2, Vn-Index tăng 11,44 điểm (1,24%) lên 937,54 điểm nhờ sự hỗ trợ của nhiều Bluechips như GAS, HPG, MSN, VRE, VIC,…Trong đó, VIC tăng 5.100 đồng lên 109.100 đồng, mức cao nhất phiên và đóng góp tới gần 5 điểm cho Vn-Index.
Trong khi đó, chỉ số Upcom-Index lại giảm 0,11 điểm (0,19%) xuống 55,51 điểm bởi ảnh hưởng từ VEA. Cổ phiếu VEA sau giai đoạn tăng "nóng" đã bị chốt lời mạnh và giảm 3.500 đồng trong phiên hôm nay.
Điểm tích cực trong phiên hôm qua là thanh khoản thị trường khá tốt với giá trị giao dịch đạt 4.700 tỷ đồng. Khối ngoại cũng hoạt động sôi động khi mua ròng xấp xỉ 80 tỷ trên toàn thị trường.
Nhóm ngân hàng trong phiên hôm qua dù chịu áp lực chốt lời nhưng ACB, BID, CTG, VCB, VPB, HDB, TCB, TPB…vẫn tăng khá tốt. Các cổ phiếu chứng khoán thu hút dòng tiền khá mạnh và SSI, HCM, VND, VCI, SHS, CTS…đều bứt phá khá tốt.