Hai dự án đất vàng Cát Linh về tay đại gia Thanh Hóa Trương Lâm như thế nào?
Bằng việc mua lại dự án, mua lại công ty sở hữu khu đất, Công ty Xây dựng Thanh Hóa của ông Trương Lâm đã sở hữu 2 khu đất vàng Cát Linh khá dễ dàng.
Trước năm 2014, cái tên Tổng công ty cổ phần Xây dựng Thanh Hóa (Xây dựng Thanh Hóa) còn chưa ai biết đến. Doanh nghiệp này mới chỉ triển khai những dự án trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa.
Khoảng giữa năm 2014, Công ty Xây dựng Thanh Hóa bắt đầu được biết đến khi lấn sân bất động sản Thủ đô bằng việc chi 143 tỷ đồng để mua dự án Sky Park Residence (đường Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy) từ Licogi 16.
Đến lúc này, dư luận mới đặt câu hỏi Công ty Xây dựng Thanh Hóa của đại gia nào?
Theo tìm hiểu của PV, công ty Xây dựng Thanh Hóa có tiền thân là Công ty kiến trúc địa phương thành lập năm 1961. Đến năm 2005 thì đổi tên thành Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa, năm 2006 công ty này chính thức chuyển đổi cơ chế quản lý từ doanh nghiệp Nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Công ty Xây dựng Thanh Hóa được biết đến là “đại gia” địa ốc tại Thanh Hóa với nhiều dự án lớn như Dự án khu Công nghiệp và đô thị Hoàng Long và dự án khu dân cư Hồ Toàn Thành. Ngoài ra, Công ty này còn được tỉnh Thanh Hóa giao xây dựng 30 trường học của tỉnh, 18 bệnh viện và trung tâm y tế và nhiều công trình quan trọng khác,…
Công ty Xây dựng Thanh Hóa được biết đến là “đại gia” địa ốc tại Thanh Hóa. Ảnh minh hoạ.
Từ thời điểm trước cổ phần hóa, công ty Xây dựng Thanh Hóa do ông Ngô Văn Tuấn làm Chủ tịch HĐQT, có vốn điều lệ 15 tỷ đồng.
Năm 2006, doanh nghiệp được cổ phần hóa và tăng vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng. Tại thời điểm này, công ty Xây dựng Thanh Hóa ghi nhận khoản nợ khó đòi gần 2 tỷ đồng. Sau khi cổ phần hóa ông Ngô Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT được điều chuyển về làm Phó trưởng ban Ban kinh tế Nghi Sơn đánh dấu việc nhà nước chính thức rút khỏi doanh nghiệp này.
Sau đó, Công ty Xây dựng Thanh Hóa do ông Trương Lâm làm Chủ tịch HĐQT. Theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, năm 2014, ông Trương Lâm góp 156,7 tỷ đồng. Đến tháng 9/2017, công ty đã tăng vốn điều lệ lên thành 545 tỷ đồng và ông Trương Lâm sở hữu tới 98,48% (tương đương 536,7 tỷ đồng).
Trở lại việc Công ty Xây dựng Thanh Hóa lấn sân bất động sản Thủ đô, trước khi “nổi danh” bằng việc mua dự án Sky Park Residence, công ty này đã chi hơn 100 tỷ đồng để mua dự án Khách sạn Mercure Hà Nội (số 9 Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội). Dự án tiêu chuẩn 4 sao với 250 phòng, tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 450 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, dự án được UBND TP. Hà Nội cấp quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 22/3/2007, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG). Trước đó, vào ngày 15/5/2002, Hà Đô và CTCP Xuất nhập khẩu Lương thực thực phẩm Hà Nội đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh xây dựng trung tâm thương mại – tổ hợp nhà ở tại số 9 Cát Linh – số 3 Đặng Trần Côn (địa chỉ hiện tại của khách sạn Merucre Hà Nội).
Theo Báo cáo tài chính năm 2013 của HDG, tính đến 31/12/2012, Tập đoàn này đã đầu tư hơn 37 tỷ đồng vào dự án khách sạn Cát Linh. Tuy nhiên, năm 2013 không ghi nhận khoản đầu tư này. Có thể thấy, Hà Đô đã bán dự án cho Công ty Xây dựng Thanh Hóa trong khoảng thời gian này.
Theo dữ liệu của PV, dự án Khách sạn Mercure Hà Nội được xây dựng với chiều cao lớp công trình phía ngoài là 4 tầng và lớp công trình phía trong là 15 tầng.
Tuy nhiên, thời điểm năm 2013, dự án vẫn chưa triển khai vì công trình cao tầng (trên 9 tầng) phải tạm dừng để chờ rà soát lại công trình cao tầng trong khu vực trung tâm Thành phố. Đến nay dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Một dự án khác của Công ty Xây dựng Thanh Hóa trên đường Cát Linh là Tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng tại 36 Cát Linh, phường Cát Linh. Đây vốn là dự án do Công ty cổ phần đầu tư thiết bị và in làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty thiết bị và in trước đây là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được thành lập từ năm 2002.
Ngày 1/1/2003, công ty này được giao sở hữu khu đất 3.154m2 tại số 36 Cát Linh làm Văn phòng làm việc, giới thiệuvà trưng bày sản phẩm, dịch vụ, thương mại với thời hạn 20 năm, và được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận sử dụng đất năm 2007.
Dự án Tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng tại 36 Cát Linh hiện đang trong quá trình thi công.
Trong 3.154m2 đất số 36 Cát Linh, 2.889m2 (Khu A) có thời hạn sử dụng là 20 năm kể từ ngày 01/01/2003; 143m2 (Khu B) nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, sử dụng nguyên trạng, không được xây dựng công trình khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền; 122m2 (Khu C) nằm trong chỉ giới mở đường theo quy hoạch, không được xây dựng thêm công trình, khi Nhà nước thu hồi để mở đường quy hoạch phải bàn giao lại.
Đến năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn toàn bộ tại Công ty thiết bị và in thông qua đấu giá. Thời điểm này, vốn điều lệ của công ty được xác định là 5 tỷ đồng, tổng tài sản chỉ là 15,6 tỷ đồng. Thông tin kết quả của cuộc đấu giá không được công bố.
Chỉ biết rằng, thời điểm tháng 6/2019, ông Trương Lâm trở thành Chủ tịch HĐQT của Công ty thiết bị và in. Và trước đó, tháng 6/2018, Công ty thiết bị và in đã được UBND TP Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư Dự án Tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng tại 36 Cát Linh.
Mốc thời gian hoàn thành dự án vào Q4/2022, trong khi đó công ty phải trả lại Nhà nước khu đất 36 Cát Linh vào năm 2023.
Hiện nay, dự án trên khu đất 36 Cát Linh đang được triển khai. Theo bảng giới thiệu dự án, Công ty thiết bị và in là chủ đầu tư, còn Công ty Xây dựng Thanh Hóa là đơn vị phát triển. Dự án được khởi công vào Quý I/2021 và dự kiến hoàn thành vào Quý IV/2022. Song cần phải nhớ rằng, nguồn gốc khu đất trên thuộc đất Nhà nước giao cho Công ty thiết bị và in sử dụng đến năm 2023. Hết thời hạn, công ty phải trả về Nhà nước, việc giao cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án trên khu đất 36 Cát Linh không thông qua đấu giá có thể dẫn đến nguy cơ “chảy máu” đất vàng.
Đại gia này đang tính đóng cửa một phần công ty vì những quy định mới và chuyển hướng đi mới.
Nguồn: [Link nguồn]