Hai cuộc "giải cứu đại gia" bất thành của tỷ phú Trần Bá Dương

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Bầu Đức đã nhiều lần gọi điện, thậm chí gửi thư tay cho tỷ phú Trần Bá Dương để mời gọi đầu tư vào HAGL Agrico. Thế nhưng, mối duyên này sắp phải dừng lại.

Mối duyên từ bức thư tay của bầu Đức

Chiều 23/7, Hội đồng quản trị CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG) vừa thông báo dừng thực hiện các thủ tục chào bán và phát hành riêng lẻ hơn 741 triệu cổ phiếu HNG cho Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico). Quy mô đợt phát hành, bao gồm cả hoàn đổi nợ, là hơn 7.400 tỷ đồng.

HAGL Agrico cho biết, công ty đã nhận được công văn của Ủy ban chứng khoán về việc dừng xem xét hồ sơ đăng ký chào bán và phát hành cổ phiếu riêng lẻ do quá thời hạn bổ sung theo quy định. Ngày 12/7, Thagrico cũng thông báo quyết định dừng đầu tư vào HAGL Agrico.

Thông tin trên gây bất ngờ cho giới đầu tư, bởi trước đó, tỷ phú Trần Bá Dương từng khẳng định sẽ không bán HAGL Agrico như đồn đoán mà đã lên kế hoạch vực dậy công ty trong thời gian tới.

Trước đó, trong cuộc chuyển giao ghế Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico cho ông Trần Bá Dương, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) còn vui mừng tuyên bố: "Từ ngày hôm nay, bức tranh tài chính của HAGL Agrico rất tươi sáng”.

Và ngay trong quý I/2021, HAGL Agrico đã có lãi sau thời gian dài khó khăn, thua lỗ. 

Cuộc chuyển giao chiếc ghế Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico cho ông Trần Bá Dương.

Cuộc chuyển giao chiếc ghế Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico cho ông Trần Bá Dương.

Tín hiệu khởi sắc trên là nhờ vào quyết định mời gọi ông Trần Bá Dương rót vốn vào HAGL Agrico hồi đầu năm 2018 của ông Đoàn Nguyên Đức. Ông cho biết, ông cảm thấy bản thân sáng suốt với quyết định này dù dư luận có thể nói này nói nọ.

Để mời gọi được ông Trần Bá Dương, bầu Đức hết gọi điện đến gửi một bức thư tay kể về những khó khăn khi làm nông nghiệp và khẩn thiết nói chỉ có "đầu kéo tầm cỡ như Thaco" mới đủ sức vực dậy HAGL Agrico.

Nỗ lực giải cứu bất thành

Vì bức thư này của bầu Đức, ông Trần Bá Dương đã đồng ý qua Lào và Campuchia tham quan những nông trường bạt ngàn và tìm hiểu cách HAGL làm nông nghiệp. Chưa đầy hai ngày, hai bên thống nhất hợp tác và Thaco lập tức ứng 2.100 tỷ đồng để tạo thanh khoản tạm thời.

Vài tháng sau, lãnh đạo hai bên mới chính thức thông qua hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi để Thaco và nhóm cổ đông liên quan sở hữu 35% HAGL Agrico, tương đương 3.890 tỷ đồng và tiến hành thực hiện tái cơ cấu tài chính cho doanh nghiệp thông qua việc mua lại 3 công ty con và cho vay tiền.

Đến năm 2020, Thaco tiếp tục hỗ trợ cho HAGL Agrico vay tổng số tiền 6.274 tỷ đồng để HAGL tiếp tục đầu tư vực dậy HAGL Agrico đang "ngập" trong đống nợ.

Tuy nhiên, tiền rót vào HAGL Agrico như “muối bỏ biển” khi doanh nghiệp này luôn thiếu hụt dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu tiền mua vật tư chăm sóc và đầu tư cho các hạ tầng kỹ thuật quan trọng.

Trước thực trạng đó, ban lãnh đạo HAGL Agrico và HAGL đã nhiều lần họp với Thaco để tìm giải pháp giải quyết các khó khăn với phương án đề ra là CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) - công ty thành viên của Thaco, mua tiếp 4 công ty sở hữu các phần đất tại Campuchia và tại Đắk Lắk, Gia Lai với diện tích đất 20.744 ha và giá tiền là 9.095 tỷ.

Đồng thời, bán lại toàn bộ cổ phần cho HAGL Agrico và đơn vị này còn nợ lại Thaco số tiền hơn 2.600 tỷ đồng và sở hữu phần đất còn lại tổng diện tích 35.749 ha (Bắc Campuchia 8.373 ha và tại Lào là 27.376 ha).

Tuy nhiên, phía HAGL và HAGL Agrico không thỏa thuận được với ngân hàng về thanh toán nợ để lấy giấy tờ đất của 4 công ty trên đang là tài sản thế chấp nợ của hai đơn vị để giao cho Thaco. 

Do đó, Thaco" bất đắc dĩ" phải tiếp quản luôn HAGL Agrico từ HAGL thông qua việc tăng vốn cho HAGL Agrico để cấn trừ nợ và có vốn để HAGL Agrico tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2021-2023.

Tuy nhiên, phương án phát hành 550 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 5.500 tỷ đồng và chào bán riêng lẻ 191 triệu cổ phiếu cho Thagrico để huy động vốn sử dụng cho việc thanh toán các khoản phải trả ngắn hạn và dài hạn không thể tiếp tục thực hiện do Thagrico đã dừng đầu tư sở hữu cổ phiếu HNG.

Đến đây, với việc Thagrico dừng thương vụ đầu tư vào HAGL Agrico, chắc chắn sẽ không có một đế chế nông nghiệp "vô tiền khoáng hậu" cho Việt Nam như bầu Đức từng nhắc. Và việc này cũng mở ra một cái kết không mấy có hậu cho “mối duyên" hơn hai năm qua giữa HAGL Agrico và Thaco.

Có lẽ, tỷ phú Trần Bá Dương cũng đã rất khó khăn khi đưa ra quyết định trên. Bởi, ông từng chia sẻ, vực dậy HAGL Agrico là thử thách cuối cùng của đời ông. Và để toàn lực đầu tư cho HNG, “vị thuyền trưởng” Thaco đã rút chân khỏi Thuỷ sản Hùng Vương của "vua cá tra" Dương Ngọc Minh sau một năm “giải cứu” không lâu trước đó.

Đứt gánh với "vua cá tra" Hùng Vương

CTCP Hùng Vương (MCK: HVG) được ông Dương Ngọc Minh - người vẫn được gọi là đại gia chân đất - thành lập năm 2003 và nhanh chóng vươn lên vị thế dẫn đầu ngành xuất khẩu cá tra nước nhà. Tuy nhiên kể từ năm 2015, khi toàn ngành thủy sản gặp khủng hoảng, việc chạy đua huy động vốn đã khiến Hùng Vương lao đao kéo dài đến thời điểm hiện tại.

Bị từ chối giãn nợ bởi ngân hàng, Hùng Vương giai đoạn 2018-2019 liên tục bán những công ty con, liên kết trong hệ sinh thái khép kín mà ông Dương Ngọc Minh từng tự hào nhằm duy trì hoạt động.

Đến năm 2020, trong cơn khủng hoảng với những khó khăn bủa vây cả về mặt hoạt động lẫn tài chính, Hùng Vương bất ngờ tìm thấy "phao cứu sinh" từ Thaco khi tập đoàn của tỷ phú Trần Bá Dương chính thức đầu tư “giải cứu” Hùng Vương thông qua công ty con Thadi.

Theo nội dung hợp tác chiến lược được ký vào ngày 9/1/2020, Thadi sẽ sở hữu 35% vốn HVG và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa Hùng Vương và Thadi phát triển mảng sản xuất heo giống.

Ông Dương Ngọc Minh từng kỳ vọng về một bức tranh tươi sáng trở lại cho Hùng Vương khi được Thaco "giải cứu".

Ông Dương Ngọc Minh từng kỳ vọng về một bức tranh tươi sáng trở lại cho Hùng Vương khi được Thaco "giải cứu".

Đồng thời, cả hai cùng bắt tay thành lập liên doanh sản xuất heo giống 45.000 con trong năm 2020, tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng, với doanh thu dự kiến năm 2020 dự kiến 550 triệu USD. Trong đó, Thao rót vốn 65% vào liên doanh.

Theo ông Minh, Hùng Vương có thế mạnh về con giống, công nghệ nên xem như đã hoàn chỉnh móng của một căn nhà. Thadi vào quản trị nhân sự, chiến lược và gỡ nút thắt tài chính là xây dựng phần thô còn lại.

Nhờ đó, Hùng Vương kỳ vọng sẽ thoát tình trạng thua lỗ triền miên. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của nhân sự và vốn tài chính từ phía Thaco, Hùng Vương vẫn kinh doanh bết bát.

Dù ông Minh bày tỏ sự tin tưởng: "Hùng Vương sẽ rất khác" sau khi đồng hành cùng Thaco nhưng có thể thấy công cuộc giải cứu "vua cá tra" một thời đã thất bại.

Đầu tháng 7, ông Trần Bá Dương và công ty riêng là công ty Sản xuất và Thương mại Trân Oanh đã hoàn tất bán ra toàn bộ gần 20 triệu cổ phiếu HVG, khép lại gần hai năm đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp này.

Việc thoái hết vốn là động thái chia tay dứt khoát của tỷ phú Trần Bá Dương sau 1 năm giải cứu "cựu vương" ngành cá tra bất thành.

Từng kỳ vọng lớn vào hai cuộc “giải cứu đại gia” HAGL Agrico và thủy sản Hùng Vương, đến nay, “người hùng” Trần Bá Dương đã hết cơ duyên với hai vị “đại gia”.

Loạt tài sản thế chấp trăm tỷ ngân hàng rao bán 5 lần 7 lượt vẫn ế ẩm

Một loạt khoản nợ nghìn tỷ, tài sản bảo đảm hàng trăm tỷ được ngân hàng bán đấu giá 5 lần 7 lượt vẫn ế ẩm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thị Thu Nga ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN