Hà Nội khan hàng, giới buôn đất đổ về tỉnh lẻ
Trong bối cảnh thị trường bất động sản Hà Nội khan hàng, giá nhiều dự án tăng gấp rưỡi, gấp đôi sau một vài năm, nhiều nhà đầu tư đổ về tỉnh lẻ.
Hà Nội: Giá tăng gấp đôi sau vài năm
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày cận Tết Nguyên đán, bất động sản các huyện ven Hà Nội như: Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm gần như “cháy” hàng, không có sản phẩm mới của chủ đầu tư, kéo giá tăng “phi mã”.
Đơn cử như dự án Splendora, Bắc An Khánh, Hoài Đức, nằm ven đường vành đai 3.5, nếu như vào năm 2016, căn biệt thự 210m2 có giá bán dao động khoảng 10 - 15 tỷ đồng/căn tuỳ vị trí (47 triệu/m2 - 71 triệu/m2) thì đến thời điểm này, giá chào bán dao động từ 21 tỷ - 26 tỷ đồng/căn (100 - 123 triệu đồng/m2).
Cách đó không xa, biệt thự tại Khu đô thị An Lạc Green Symphony, Vân Canh, Hoài Đức được nhà đầu tư chào bán lại với giá 123 - 134 triệu/m2 đối các diện tích 126m2, 135m2, 117m2, 139m2, chiều cao 3,5 tầng, mật độ xây dựng 65%, bàn giao xây thô.
Môi giới tư vấn bán hàng tại dự án Bắc Đầm Vạc, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Anh Nguyễn Trúc Lâm, môi giới dự án này cho biết, tất cả đều là hàng chuyển nhượng. Dự kiến một thời gian nữa mới có hàng mới của chủ đầu tư, giá bán khoảng 150 triệu/m2.
Nằm dọc trục đường 3.5, sát với dự án An Lạc Green Symphony, khu đất dịch vụ phân lô cũng được chào giá từ 90 - 180 triệu/m2 chưa gồm xây dựng.
Dự án Vườn Cam (Khu đô thị biệt thự Vườn Cam - Orange Garden) được ghi nhận có giá thấp nhất, dao động từ 68 - 78 triệu/m2, nhưng không còn hàng của chủ đầu tư.
Trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhà đất tại khu vực Đền Lừ, Đồng Tàu cách đây 2-3 năm giá bán trên dưới 70 triệu/m2, thì nay đều được chào bán từ 150 - 200 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí.
Tương tự, căn biệt thự song lập 241m2 ở khu Lan Viên trong khu đô thị Đặng Xá rao bán với giá 22 tỷ đồng (tương đương gần 100 triệu đồng/m2).
Không riêng các khu đô thị, giá đất trong “hang cùng, ngõ hẻm” cũng được đẩy lên cao. Đơn cử thửa đất 40m2 tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức nằm ven sông Hồng trước đây rao bán 18 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 30 triệu đồng/m2.
Những thửa trong ngõ rộng 4m trước đây có giá khoảng 20 triệu đồng/m2 thì nay cũng tăng lên tới 35 triệu đồng/m2.
Ông Vũ Cương Quyết, Ceo Đất Xanh Miền Bắc xác nhận, giá bất động sản Hà Nội hiện nay khá cao, đất nền trong vành đai 4 giá dao động khoảng 60 - 80 triệu/m2; từ vành đai 4 về đến đường vành đai 3 dao động giá từ 100-200 triệu/m2; phía trong vành đai 2 giá dao động từ 200 - 500 triệu/m2.
Bất động sản tỉnh lẻ sôi động
Dự án Phương Đông Green Lương Sơn, Hòa Bình đang san lấp và xây dựng hạ tầng
Trong khi đó, ghi nhận của PV giá đất các tỉnh lẻ, đặc biệt là những nơi tiếp giáp với Hà Nội có giá “mềm” hơn. Đơn cử như dự án Phương Đông Green Lương Sơn, Hoà Bình, đất đấu giá được chào bán khoảng 15-16 triệu/m2; Dự án Mường Khến Tân Lạc, Hoà Bình hơn 10 triệu/m2...
Ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land cho biết, thị trường Hà Nội gần như không có hàng nên trong thời gian qua, đơn vị này tập trung phát triển các thị trường tỉnh. Riêng tháng 12 đơn vị đã thực hiện hơn 1.000 giao dịch.
“Đối tượng khách hàng chính chủ yếu là đầu tư trung và dài hạn. Qua đó cho thấy, thị trường đang dần phục hồi”, ông Giang nói.
Theo thống kê của Công ty CP Property Guru Việt Nam, so với năm 2020, đến nay giá bán bất động sản tại tỉnh Hòa Bình tăng giá 100%; Hưng Yên tăng 22%, Bắc Ninh 61%; Thái Nguyên tăng 57%... Đối với khu vực miền Trung, giá rao bán đất ở Huế tăng hơn 74%, Quảng Nam tăng 37%; Hà Nội tăng 12-16%, TP.HCM tăng 2-8%. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc đơn vị này nhận định, đây vẫn là những phân khúc dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, Hà Nội có xu hướng ổn định bởi thời gian qua biên độ tăng giá cao. Ngược lại tại TP.HCM và các tỉnh lẻ vẫn có tiềm năng bởi biên độ tăng giá rộng hơn.
Cùng nhận định, ông Nguyễn Khắc Việt Hà, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Ticaland cho biết, năm vừa qua, đơn vị đã thực hiện giao dịch thành công khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó có 2.000 tỷ đồng tại thị trường Hoà Bình, 1.000 tỷ tại thị trường Bắc Ninh. Khách hàng chủ yếu là những người có thu nhập ổn định, từ 50 tuổi trở lên.
“Hiện thị trường Hà Nội “hiu hắt”, chỉ có một hai dự án như HaDo Charm Villas, An Lạc ra hàng mới nhưng số lượng có hạn, ra đến đâu hết đến đó. Phần lớn các chủ đầu tư tại Hà Nội đang cầm chừng để thăm dò thị trường. Họ chờ khi nào các hạ tầng như vành đai 3.5, trục Hồ Tây - Ba Vì hoàn thiện thì mới chính thức bung hàng”, ông Hà cho hay.
Không phủ nhận việc có hiện tượng thổi giá, nhưng đánh giá chung tổng thể thị trường, ông Hà cho rằng, giá bất động sản tăng là thực và theo nhu cầu thực.
Giá bất động sản tăng bởi những tác động như quy hoạch đang dần hoàn thiện; khan hiếm nguồn cung; giá vật liệu tăng; việc ngân hàng hạ lãi suất, các ngành đầu tư khác rủi ro hơn nên nhà đầu tư đổ tiền vào bất động sản như một kênh “trú ẩn” an toàn.
“Nhiều nguồn tiền đổ vào bất động sản một lúc khiến giá biến động mạnh, nhiều người thì tưởng giá ảo nhưng thực tế có giao dịch thật và so với các nước trên thế giới như Singapore, Indonesia, Trung Quốc thì giá bất động sản của ta cũng vẫn thấp.
Hiện tượng tăng giá hiện nay khác với tăng giá so với chu kỳ 2008. Nếu như năm 2008 giá tăng chóng mặt khi nguồn hàng phong phú thì nay tăng giá do khan hàng”, ông Hà chia sẻ.
Cảnh báo hệ lụy từ giá đất tăng
Trong bối cảnh thị trường phục hồi, giá bất động sản tăng, nhiều nhà đầu tư hưởng lợi thì ở chiều ngược lại, các chuyên gia trong lĩnh vực này lại lo lắng về tác động ngược với nguồn vốn tín dụng, cũng việc những người có nhu cầu ở thực sẽ rất khó tiếp cận vì giá quá cao.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phân tích, giá đất tăng quá cao như hiện nay khiến cho phần lớn người lao động, người có thu nhập mức trung không thể mua nhà.
“Giá nhà quá cao cũng dẫn tới chi phí mặt bằng tăng mạnh, kéo theo các sản phẩm tiêu dùng, ăn uống, dịch vụ đều tăng. Giá bất động sản tăng quá cao so với thu nhập và năng suất lao động sẽ làm giảm hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, hệ lụy lớn nhất là nhà đầu tư sẽ lặng lẽ rút khỏi thị trường Việt Nam”, ông Khánh cảnh báo.
Theo ông Khánh, nguy hại hơn cả là các tài sản định giá quá cao làm tài sản thế chấp có nguy cơ bị thổi phồng quá mức, dẫn tới ảnh hưởng hệ thống tín dụng, kéo theo hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế, phải mất nhiều năm để phục hồi.
Tại một hội thảo về bất động sản vừa được tổ chức, dẫn trường hợp giá đất tăng chóng mặt tại Hoà Bình khoảng 1 năm trở lại đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, việc giá tăng sẽ thu hút nhà đầu tư nhưng cũng là rào cản.
Bởi lẽ nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi thực hiện đền bù triển khai dự án, nếu người dân đòi giá đền bù rất cao thì khi đó doanh nghiệp sẽ rất khó xử.
Cho rằng Hòa Bình đang là một trong những địa phương bị đẩy giá bất động sản bất bình thường, ông Đính nhận định nguyên nhân một phần là do thiếu nguồn cung.
Thực tế, Hoà Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó về pháp lý nên chưa thể ra hàng.
Nguồn: [Link nguồn]
Tòa lâu đài 5 tầng được xây dựng hơn 9 năm trên mảnh đất 3000 m2 khiến nhiều người trầm trồ.