Hà Nội: DN khóc dở mếu dở vì giấy đi đường, lo ngại hợp đồng bị hủy cả loạt
Việc Thành phố liên tiếp thay đổi qui định về mẫu giấy đi đường đã khiến các doanh nghiệp phải gõ cửa nhiều cơ quan và gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN lo lắng phải hủy hợp đồng, thậm chí để tránh phiền toái, có doanh nghiệp chấp nhận… “ngủ đông”, tạm ngừng hoạt động.
Anh Ngô Văn T. – Trưởng phòng Kinh doanh một đại lý ô tô trên địa bàn quận Hoàng Mai cho biết, trong thời gian giãn cách vừa qua, công ty có thực hiện một số hợp đồng đặt cọc mua xe bằng hình thức online cho khách hàng ở Hà Nội và ngoại tỉnh. Theo thỏa thuận, sang đầu tháng 8 âm lịch (cũng là thời gian hết hạn Chỉ thị 16 lần 2) thì công ty sẽ giao xe cho khách hàng.
Tuy nhiên, với những yêu cầu mới về giấy đi đường như hiện nay khiến anh T. và anh em trong công ty lo ngại chưa biết làm cách nào để đi từ nhà tới công ty để hoàn tất thủ tục hợp đồng, giao xe cho khách theo đúng thời hạn.
Nhân viên kinh doanh tại các công ty ô tô lo ngại hàng chục ô tô đang chờ giao xe sẽ gặp khó vì giấy đi đường
“Hàng chục khách hàng từ các tỉnh không có dịch như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ,… đã đặt cọc mua xe của công ty. Vì tháng vừa qua là tháng 7 – tháng Ngâu nên họ lùi sang tháng 8 âm lịch, chọn ngày đẹp để nhận xe. Giờ đây, Chỉ thị 16 tiếp tục gia hạn lần 3 kèm theo đó là những qui định mới về giấy đi đường khiến chúng tôi thực sự khó khăn” – anh T. nói.
Tương tự, ông Đ.V.H., Giám đốc chuỗi thương hiệu Thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố cho biết, đang hết sức lo lắng khi nghe tin TP Hà Nội thay đổi mẫu giấy đi đường mới: “Tôi thực sự chưa biết làm thế nào để đảm bảo các thủ tục đi đường cho nhân viên.
Giấy đi đường chỉ xác nhận từ nhà đến cơ quan làm việc, nhưng chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Không được đi giao thực phẩm thì hàng hóa làm ra tiêu thụ đi đâu?”, ông H. phàn nàn.
Cũng theo vị giám đốc này, ông đã ra phường xin giấy con dấu đi đường cho nhân viên giao hàng tại UBND nơi doanh nghiệp đang đặt trụ sở. Tuy nhiên, phường giải thích chỉ cấp giấy đi đường từ nhà tới cơ quan làm việc - còn từ cơ quan đi giao hàng thì không. Khi gọi điện lên đường dây nóng của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thì không được giải đáp thoả đáng.
Nhiều đơn hàng thực phẩm trong thành phố bị hủy vì khó khăn trong khâu vận chuyển
“Việc xin giấy lưu thông vận tải khó khăn khiến doanh nghiệp bị đóng băng từ nhiều tháng. Để duy trì, doanh nghiệp vẫn cố xoay sở, nhưng chi phí đội lên, người tiêu dùng và doanh nghiệp đều chịu thiệt”, ông H. cho hay.
Cũng phàn nàn về những bất cập của giấy đi đường, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Công ty chuyên cung cấp nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ khô cho hay, doanh nghiệp đã chủ động liên hệ với công an phường sở tại để làm thủ tục. Đến thời điểm này, tuy doanh nghiệp chưa nhận được giấy đi đường mới nhưng đã có phản hồi cơ quan chức năng.
Tuy vậy, theo ông, quá trình làm thủ tục cũng có những bất cập, chẳng hạn công an cho biết chỉ cấp giấy cho nhân viên đi từ nhà đến cơ quan.
“Chúng tôi là doanh nghiệp cung cấp thực phẩm thiết yếu, nhân viên giao hàng nhiều địa điểm, trong trường hợp không cấp giấy vận chuyển thì doanh nghiệp làm thế nào?", ông Quang thắc mắc và cho biết đang trao đổi với UBND phường nơi doanh nghiệp đóng trụ sở để hỏi thông tin cụ thể.
Ông Quang cũng thông tin thêm, thực tế nhiều khi có giấy đi đường rồi nhưng ở một vài chốt, cán bộ kiểm tra lại đòi hỏi nhân viên phải có giấy xét nghiệm mới cho qua.
"Tôi phải nói rõ chúng tôi là doanh nghiệp cung cấp hàng thiết yếu, không phải là doanh nghiệp vận tải. Nếu là doanh nghiệp vận tải, chúng tôi sẽ phải có giấy xét nghiệm theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Trong khi doanh nghiệp thực phẩm không yêu cầu phải có giấy xét nghiệm mới được ra đường. Đấy cũng là khó khăn do không đồng bộ trong quá trình triển khai, thực hiện", ông Quang nhấn mạnh.
Doanh nghiệp và người lao động gặp khó vì giấy đi đường
Nói thêm về vấn đề này, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chính sách cấp giấy đi đường của Hà Nội đang “dồn” quá nhiều việc cho công an, trong khi chưa tính kỹ đến thực tế của doanh nghiệp và người dân.
“Giám đốc một công ty cấp nước có cả nghìn cán bộ nhân viên cũng than với tôi không biết làm sao để xin kịp giấy đi đường cho nhân viên đi làm. Mỗi phường, xã có hàng nghìn hộ dân có nhu cầu đi chợ, có hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu đi làm, nếu dồn hết cho công an phường hay CSGT thì làm sao cấp kịp”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, Hà Nội là thủ đô, cơ quan nhà nước và các tổ chức rất nhiều, việc trả lại quyền tự cấp giấy đi đường và tự chịu trách nhiệm là cần thiết. Nhưng 3 khối còn lại gồm các doanh nghiệp và người dân vẫn có khối lượng rất lớn, nếu vẫn giao cho công an cấp thì quá nhiều.
Chuyên gia này cũng đề xuất, với khối doanh nghiệp nên giải toả bớt, để doanh nghiệp tự cấp giấy và tự chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng chỉ giám sát và hậu kiểm như trước đây.
Mặt khác, theo bà Lan đối tượng được cấp giấy là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công ích, thiết yếu được hoạt động là chưa hợp lý. Hiện tại, quy định thế nào là lĩnh vực thiết yếu vẫn đang tranh cãi, do có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong khi đó, Chính phủ đã chủ trương tất cả các mặt hàng đều là thiết yếu, trừ hàng cấm, để duy trì không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Song, với quy định hiện tại của Hà Nội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rất loay hoay vì không thấy mình thuộc nhóm nào. Chưa kể để đăng ký và được duyệt với quy trình như hiện tại thì có khi mất tới cả chục ngày, doanh nghiệp mới được cấp giấy.
UBND TP Hà Nội vừa chính thức có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về quản lý hoạt động của...
Nguồn: [Link nguồn]