Hà Nội "bội thực" cao ốc, xẻ thịt công viên, "đô thị đáng sống" biến thành "phát ngán"
Tình trạng nhà cao tầng bị “nhồi nhét" tuyến phố; công viên bị “xẻ thịt” làm bãi đỗ xe, trung tâm thương mại. Hàng loạt lý do được viện dẫn để xin điều chỉnh, không tuân theo quy hoạch đã để lại nhiều hệ lụy xấu cho đô thị khiến “chúng ta phải trả giá vì đã quy hoạch băm nát Hà Nội".
“Nhồi” nhà cao tầng: Khu đô thị biến dạng, đường phố “ngộp thở”
Điển hình của việc “băm nát” quy hoạch Hà Nội có thể thấy rõ nét trong “Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm” tại quận Hoàng Mai.
Hơn 10 năm trước, khi vẽ nên Khu đô thị Linh Đàm, những người làm quy hoạch đã rất tự hào vì xây dựng được một bán đảo đẹp, đáng sống với những khu chung cư xinh xắn, trong một khu đô thị xanh hơn 200 ha, trong đó có 74 ha diện tích mặt nước, cùng những công viên có mật độ cây xanh lên tới 13 m2/người.
Khu đô thị Linh Đàm bị phá vỡ vì nhà cao tầng....
Nhưng chỉ một vài năm gần đây, quy hoạch khu vực bị buông lỏng đã phá nát khu bán đảo. Không chỉ vậy, rất nhiều tòa nhà, dự án khác cũng đang biến khu đô thị Linh Đàm trở thành “khu đô thị bất quy tắc” như cách gọi ngao ngán của nhiều người dân sống tại đây.
Điển hình là khu đất HH bị phá vỡ quy hoạch ban đầu và biến thành Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa chung cư cao từ 35 đến 41 tầng, khoảng 8.000 căn hộ nằm trên khu đất khoảng 3 ha.
Khu đất VP6 được quy hoạch là khu nhà ở thấp tầng nằm phía bắc bán đảo Linh Đàm, cạnh đường vành đai 3.
Tuy nhiên, thực tế khu đất biến thành tòa nhà cao tới 35 tầng, án ngữ một vùng đô thị bán đảo Linh Đàm.
Cùng với đó là hàng loạt các tòa nhà cao tầng, khu nhà thấp tầng tiếp nối mọc lên ở khu Tây Nam Linh đàm khiến khu đô thị kiểm mẫu một thời ngày càng trở nên ngột ngạt, đông đúc dân cư.
Nhiều kiến trúc sư cho rằng, sự điều chỉnh quy hoạch như ở khu Linh Đàm đã tạo ra một tiền lệ để công chúng thấy việc quy hoạch không còn ý nghĩa gì…
Đường Lê Văn Lương oằn mình vì tắc nghẹt
Là một trong những tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội, đường Lê Văn Lương đang hàng ngày phải oằn mình chịu cảnh tắc đường thường xuyên. Lý do mà mắt thường bất cứ người dân nào cũng có thể nhìn thấy, ấy là 2 km đường “cõng” 40 tòa chung cư cao tầng.
Vào giờ cao điểm, từng dãy ô tô xếp hàng dài chờ đợi, xe máy tràn lên cả vỉa hè... khung cảnh hỗn độn không khác gì một trận hỗn chiến.
Chưa hết, những tuyến đường cắt ngang khu Trung Hòa - Nhân Chính để dẫn ra Lê Văn Lương như Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân.... vốn được xây dựng phục vụ cho gần 20 tòa chung cư theo quy hoạch trước đây với quy mô 20 - 30 tầng thì đến nay cũng chứng kiến cảnh tắc kinh niên vào giờ cao điểm.
Nguyên nhân là từ năm 2014 - 2015, nhiều khu tổ hợp thương mại - chung cư cao cấp với quy mô dân số lớn đã mọc lên như Mandarin Garden, khu Hapulico, N04, N05.... “nén” thêm hàng vạn dân, trong khi đường không được mở rộng thêm, khiến những con đường khá thông thoáng trước đây trở nên ùn tắc cục bộ.
Trong vòng bán kính chưa đầy 500m tính từ khu tổ hợp Hapulico đã có tới gần 10 dự án lớn nhỏ nằm trên các tuyến đường Ngụy Như Kon Tum, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Huy Tưởng; có dự án đã hoàn thành, có dự án vẫn đang rầm rộ thi công…
Công viên bị “xẻ thịt”… làm bãi đỗ xe, trung tâm thương mại
Trong khi diện tích cây xanh, mặt nước ở Hà Nội vẫn còn ít thì mới đây, đề xuất "xén" đất công viên Cầu Giấy để xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại của một Công ty đã khiến cả nghìn người dân quanh khu vực bức xúc, phản đối. Bởi lẽ, trong quy hoạch lân cận công viên đang có 5 bãi đỗ xe, nhưng hiện chưa được xây dựng. Thậm chí có lô quy hoạch bãi đỗ xe bị sử dụng sai mục đích. Bên ngoài công viên cũng có nhiều lô đất được giao rồi nhưng dự án triển khai chậm nhiều năm và đang được dùng làm sân tennis, quán bia, sân bóng... Thế nhưng thành phố không thu hồi dự án chậm để làm bãi đỗ xe mà lại đồng ý chủ trương cho Công ty tư nhân làm bãi xe ở khu đất của công viên.
Gần đây nhất, UBND TP Hà Nội cũng đã có quyết định chấp thuận cho một công ty đầu tư dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại Công viên Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình). Theo đó, diện tích đất xây dựng bãi đỗ xe ngầm là hơn 16.000 m2. Khu vực dịch vụ phụ trợ, kết nối không gian ngầm rộng hơn 600 m2. Tổng diện tích sàn xây dựng phần ngầm khoảng hơn 72.000 m2 bao gồm 5 tầng hầm và một tầng kỹ thuật.
Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm giữa năm 2018, lãnh đạo thành phố cho biết, để giải quyết nhu cầu bãi đỗ xe tĩnh, Hà Nội xây dựng quy hoạch bãi xe ngầm trên địa bàn các quận, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Một số khu vực thành phố kêu gọi đầu tư bãi xe ngầm như Cung thể thao Quần Ngựa; bãi xe ngầm cạnh công viên Thủ lệ; sân trước, sân sau của Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô; trước cửa Công viên Thống Nhất; trước cửa Nhà hát Lớn...
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tại buổi tổng kết của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chiều 4/1/2017, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay: “Giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”.
Ông Chung cho rằng, có những khu đất 5-7 ha cũng bị băm ra cho 2-3 chủ đầu tư.
“Tôi không hiểu đằng sau có gì, người ta xin nhau hay không, nhưng tóm lại làm quy hoạch theo kiểu đấy thì không bao giờ tốt được”, ông Chung từng nêu.
Ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng từng khẳng định, vấn đề nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội tất cả vẫn cơ bản làm theo các quy hoạch được phê duyệt.
Thế nhưng, Thanh tra Chính phủ đã lại chỉ ra nhiều sai phạm tại Kết luận Thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định số 123/2001/QĐ-UB ngày 06/12/2001 của UBND TP Hà Nội.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, thanh tra 38/204 dự án thì 38 dự án đều có sai phạm về phê duyệt, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch… và nhiều sai phạm khác khiến quy hoạch Hà Nội bị phá vỡ.
Cụ thể là những sai phạm về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đã được duyệt (số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng hầm, tầng kĩ thuật, nâng chiều cao tầng nhà...).
Hậu quả là các dự án sau đầu tư đã góp phần phá vỡ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/2000 đã phê duyệt. Tình trạng “tùy tiện” đó đã tạo ra cơ chế xin - cho ảnh hưởng đến trật tự kỷ cương và quyền lợi của Nhà nước.
Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập như: Chất lượng quy hoạch yếu, các bước lập quy hoạch chưa phù hợp với một số chỉ tiêu, phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhiều lần, dẫn đến thay đổi về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng... mang tính chất tự phát, thiếu căn cứ khoa học cũng như thực tiễn…
Ngoài ra, nhiều sai phạm khác cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm thuộc về Thường trực UBND TP Hà Nội, các Sở: Quy hoạch – Kiến trúc; Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính và Chủ đầu tư.
Nhưng cho đến nay, việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể, các Sở, chủ đầu tư theo Kết luận thanh tra vẫn chưa rõ, trong khi đó quy hoạch Hà Nội đang bị phá vỡ từng ngày bởi những sai phạm này…
Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) có tổng diện tích 230 ha (giai đoạn 181 ha) bị phát hiện nghi vấn sai phạm...