Gửi bao nhiêu tiền để được lãi suất huy động 9,5%/năm?
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang diễn biến trái chiều, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng nhưng cũng không ít ngân hàng hạ lãi suất.
Từ đầu tháng 8 cho đến nay, làn sóng các ngân hàng giảm lãi suất lại dâng cao hơn. Điều này khác với khoảng thời gian từ cuối tháng 4 cho đến đầu tháng 8 khi mà ít nhất khoảng 30 ngân hàng nâng lãi suất huy động tiền gửi chủ yếu với các kỳ hạn dưới 12 tháng, mức cao nhất 6%.
Lãi suất huy động tiền gửi có nhiều biến động trái chiều trong thời gian gần đây. Ảnh: NGỌC DIỆP
Một số ngân hàng hạ lãi suất huy động tiền gửi
Ngân hàng đầu tiên khởi đầu cho xu thế hạ lãi suất chính là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đang từ mức cao nhất thị trường là 6,2%/năm áp dụng ngay từ đầu tháng 8. Xu thế này sau đó lan sang một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), mới đây đã công bố biểu lãi suất huy động với những thay đổi lớn nhất ở kỳ hạn 24 và 36 tháng, mức giảm lãi suất 0,2%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất 6%/năm sau khi được OCB duy trì suốt 2 tháng gần đây với kỳ hạn 36 tháng giờ đã được điều chỉnh giảm về 5,8%/năm.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng điều chỉnh giảm 0,1 đến 0,2% lãi suất tiền gửi với các kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng. Với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ, lãi suất huy động kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng hạ từ trên 6% xuống còn 5,75% từ 18 tháng đến 36 tháng.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) cũng bất ngờ giảm lãi suất 0,25%/năm từ ngày 7-8 đối với tất cả kỳ hạn huy động. Với động thái này, SeaBank để mất ngôi vị đứng đầu thị trường về lãi suất huy động. Lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng của SeaBank hiện chỉ còn từ 5,25% đến 5,45%.
Sau khi giảm, lãi suất tiền gửi cao nhất tại OCB, BacABank và SeABank về dưới ngưỡng 6%/năm, trong khi tại ABBank lãi suất cao nhất là 6%/năm.
Trong cùng thời gian trên, kể từ đầu tháng 8 đến nay, đã có 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động tiền gửi, bao gồm: Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Agribank, Eximbank, HDBank, Dong A Bank, VPBank, Techcombank, VietBank và SHB. Agribank là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big4 nâng lãi suất huy động tiền gửi.
Điển hình có thể kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB). Lãi suất huy động tại SHB được điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 3-4 tháng và 18 tháng; tăng thêm 0,3%/năm đối với tiền gửi các kỳ hạn từ 4 đến 15 tháng.
Sau những điều chỉnh, với khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, nhóm các ngân hàng có lãi suất trên 5,5% bao gồm GPBank, HDBank, KienlongBank, NCB, OceanBank. SaigonBank đang đứng đầu về lãi suất 5,8% với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Riêng Sacombank từ đầu tháng 8 cho đến nay đã có 2 lần nâng lãi suất.
Lãi suất 9,5% dành cho người gửi có tiền gửi từ 500 tỉ đồng
Lãi suất PVcomBank hiện ở mức cao nhất thị trường, lên đến 9,5% cho kỳ hạn 12 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỉ đồng.
HDBank áp dụng mức lãi suất khá cao, 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỉ đồng. Ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn 18 tháng.
MSB cũng áp dụng mức lãi suất khá cao với lãi suất tiền gửi tại quầy ngân hàng lên tới 8%/năm cho kì hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện áp dụng mức lãi suất 8% là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1-1-2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỉ đồng.
Lãi suất gửi tiết kiệm đang có những chuyển động trái ngược khi tăng, giảm đan xen giữa các ngân hàng.
Nguồn: [Link nguồn]