Grab phản pháo, kiến nghị Tổng cục Thuế làm rõ nghĩa vụ thuế với doanh thu tài xế
Grab kiến nghị cần có ý kiến hướng dẫn chính thức bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm giải quyết tình trạng bức xúc của tài xế xe 2 bánh những ngày qua.
Tối 11-12, Công ty TNHH Grab đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính nhằm phản hồi Công văn số 5270 của cơ quan này.
Theo Grab, những ngày qua, rất nhiều tài xế xe 2 bánh (GrabBike) đã ngừng việc để thể hiện sự bức xúc đối với việc điều chỉnh cách tính thuế GTGT đối với phần doanh thu của họ
Grab đã chủ động tổ chức các cuộc đối thoại với tài xế qua hình thức trực tuyến tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng nhằm góp phần giải thích các quy định của Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế và Nghị định 126 về quản lý thuế…
"Để giải quyết triệt để tình hình, cần phải có ý kiến hướng dẫn chính thức bằng văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Grab đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế làm rõ các vấn đề về nghĩa vụ thuế đối với phần doanh thu của các tài xế GrabBike, nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời" - bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab, cho biết.
Tài xế GrabBike tập trung ở Hà Nội để phản ứng việc tăng tỉ lệ chiết khấu. Ảnh: Minh Phong
Cũng trong văn bản gửi Tổng cục Thuế, Grab khẳng định việc cơ quan quản lý áp dụng Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đối với trường hợp tính thuế GTGT đối với hình thức xe 2 bánh là không hợp pháp.
Theo Grab, hiện chưa có quy định nào về điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh. Do đó, trong thực tế, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh vẫn phải dựa vào các nguyên tắc của Bộ Luật Dân sự giữa tài xế và hành khách. Dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh hoàn toàn không có tính chất kinh doanh là hoạt động kiếm sống của những người có thu nhập thấp (đa phần dưới 100 triệu đồng/năm).
"Sự hợp tác giữa Grab và tài xế 2 bánh dựa trên việc khai thác các thế mạnh, nguồn lực của các chủ thể độc lập và bảo đảm quyền tự chủ khi tham gia hợp tác của mỗi bên. Trong đó, Grab chỉ là bên cung cấp dịch vụ kết nối cho các tài xế xe 2 bánh theo mô hình kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử mà công ty đã đăng ký với Bộ Công Thương. Tài xế xe 2 bánh là người trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải và hưởng phần lớn doanh thu. Grab được hưởng phí dịch vụ kết nối là 20% doanh thu cuốc xe" – lãnh đạo Grab giải thích trong văn bản.
Cũng theo công ty này, Tổng cục Thuế đã công nhận và hướng dẫn xác định thuế GTGT theo nguyên tắc: phần doanh thu của Grab phải chịu thuế GTGT 10%; phần doanh thu của đối tác tài xế xe 2 bánh phải chịu thuế GTGT 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh (Công văn 384/TCT/TNCN tháng 2-2017).
"Việc xác định đối tượng nộp thuế, người nộp thuế - chịu thuế GTGT, mức thuế, và đặc biệt là việc khấu trừ đầu vào đối với phần doanh thu của tài xế xe 2 bánh, phải được bảo đảm thực hiện theo đúng các quy định của Luật thuế GTGT" – lãnh đạo Grab kiến nghị.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, Tổng cục Thuế khẳng định quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).
Cũng theo Tổng cục Thuế, lý do Grab thay đổi chính sách giá và tỉ lệ chiết khấu cho tài xế tại thời điểm ngày 5-12 là do tác động của Nghị định 126, dẫn đến Grab tăng giá cước từ 8% - 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỉ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ năm 2016 đến nay, cổ đông người Việt luôn nắm tỷ lệ 51% tại Grab, nhỉnh hơn so với pháp nhân còn lại là Grab INC.