Gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng: Đã tiêu được bao nhiêu?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, đã giải ngân được 22.000 tỷ đồng trong Gói phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng.
Chiều 4/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5/2022. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, thông tin về tiến độ triển khai gói Phục hồi kinh tế - xã hội 347.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong tổng số 347.000 tỷ đồng này có 46.000 tỷ đồng dùng quỹ tài chính hợp pháp với số lượng là 2 tỷ USD để mua vắc-xin và trang thiết bị y tế.
Do chương trình mua vắc-xin cũng đã có nhiều thành công, có nhiều nguồn cung cấp vắc-xin và hiện chưa cần phải dùng đến nguồn này.
“Nếu trừ khoản này ra, số tiền còn lại là 301.000 tỷ đồng, với một số chương trình đã được triển khai thì Gói phục hồi này đã giải ngân được khoảng 22.000 tỷ đồng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Thông tin cụ thể, Thứ trưởng cho biết, về chương trình cho vay thông qua ngân sách xã hội đối với các đối tượng chính sách, mua thuê nhà ở xã hội, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội thì đã thực hiện được 4/5 nhiệm vụ với tổng số tiền giải ngân là hơn 4.000 tỷ đồng (cho hơn 100.000 khách hàng vay vốn) trên tổng số tiền được giao năm nay là 19.000 tỷ đồng,
“Chương trình cho vay vốn mua, thuê nhà ở xã hội được thực hiện rất đáng kể, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang tiếp tục triển khai một cách mạnh mẽ”, ông nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Hữu Thắng).
Về khoản 6.600 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho người lao động thuê nhà, Thứ trưởng cho biết đã giải ngân được 1,7 tỷ đồng cho 2.500 người lao động.
Trong gói 76.000 tỷ đồng có 2 khoản là hỗ trợ lãi suất của ngân hàng qua ngân hàng thương mại và Ngân hàng chính sách. Qua ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng thì đã có Nghị định số 31. Nghị định này, tuy có chậm nhưng khi tiến hành quyết toán giữa các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp hợp tác xã và hộ gia đình thì được tính vào ngày 1/1.
Điều này có nghĩa là từ đầu năm các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất 2%, với đúng ngành nghề mà nghị định đã quy định, đồng thời quyết toán với Nhà nước. Sau khi quyết toán thì xem như gói này đã được thực hiện được từ ngày 1/1/2022.
Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 2/6 vừa qua, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự “sốt ruột” khi gói phục hồi được Quốc hội thông qua nhanh trong bối cảnh đặc biệt nhưng lại triển khai rất chậm, trong đó các đại biểu nhắc nhiều về vấn đề văn bản quy phạm pháp luật ban hành chậm gây nhiều vướng mắc.
Giải trình nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ trưởng đã ban hành được 11 văn bản trên 14 văn bản theo kế hoạch của Nghị quyết 11.
11 văn bản này gồm có 7 nghị định, 1 nghị quyết, 3 quyết định của Chính phủ và một văn bản hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo Phó Thủ tướng, có nhiều văn bản chúng ta cũng ban hành trước thời điểm mà Nghị quyết 11 nhiệm vụ đề ra là trước tháng 3 năm nay. Ví dụ như Nghị định số 15 về giảm thuế ngày 28/1 hay Nghị quyết số 38 về chương trình phòng, chống dịch hay Quyết định số 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cũng ban hành trong tháng 3.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận vẫn có một số văn bản chậm hơn so với tiến độ của Nghị quyết 11 là ban hành trong tháng 4 và tháng 5.
Về lý do, lãnh đạo Chính phủ cho biết, thứ nhất, đây là chương trình và chính sách rất phức tạp, có sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Trong những chính sách thực hiện trước đó có những cái làm chưa tốt, còn nhiều vướng mắc, hạn chế.
Do đó, theo Phó Thủ tướng, trong quá trình xây dựng các bộ, ngành và Chính phủ cũng rất “thận trọng để tránh sơ suất và tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện bởi vì gói tiền rất lớn”.
Thứ hai, nhiệm vụ này là một nhiệm vụ mới, không có trong kế hoạch dài hạn. "Có nghĩa là chúng ta thực hiện phục hồi sau khi tác động của đại dịch, nó không phải là một nhiệm vụ thường xuyên, do đó cũng nảy sinh nhiều công việc mà các bộ, ngành chưa chủ động được", Phó Thủ tướng giải thích.
Đất nước này từng nghèo, thu nhập bình quân đầu người cực thấp, nay giàu hàng đầu thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]