Gỡ nút thắt “có tiền không tiêu được”

Với hàng loạt quy định mới như phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, bộ ngành quyết định vốn đầu tư; thay đổi khái niệm “vốn đầu tư công”…, Luật Đầu tư công sửa đổi kỳ vọng chấm dứt tình trạng giải ngân chậm, dự án kéo dài.

Tiền sẽ không còn “đọng” ở kho bạc

Tiến độ giải ngân đầu tư công chậm chưa được như kỳ vọng khiến tiền huy động về không ra khỏi kho bạc. Theo Công ty Chứng khoán SSI, đến hết ngày 31/3/2019, số tiền được kho bạc nhà nước đọng tại các ngân hàng thương mại khi lượng trái phiếu kho bạc (TPKB) phát hành mới quý 1/2019 là 69.469 tỷ đồng. Cập nhật số liệu về lượng vốn đầu tư công được giải ngân cho thấy, cùng hết quý 1/2019, có khoảng 49.800 tỷ đồng được giải ngân, còn “dôi” khoảng 19.669 tỷ đồng.

Trong khi đó, cập nhật một số liệu khác từ SSI cho thấy, đến cuối năm 2018, chỉ tính riêng lượng vốn Kho bạc Nhà nước (KBNN) gửi tại Vietcombank, BIDV và Vietinbank đã lên đến trên 216.700 tỷ đồng. Nếu cộng cả số “dôi” trên, tức là tiền vốn KBNN đang gửi 3 ngân hàng thương mại trên đã lên tới 235.669 tỷ đồng.

Báo cáo của KBNN cho thấy, đến ngày 31/1/2019, vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2018 giải ngân ước đạt 342.177 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch. Tiến độ giải ngân đầu tư công chậm, chưa được như kỳ vọng khiến KBNN phải tiếp tục đem tiền chưa tiêu được gửi ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ ngày gọi thầu phát hành trái phiếu, số tiền thu về này đã được tính lãi và khoản tiền lãi này sẽ tiếp tục được cộng dồn sau đó tính vào trong phần nợ quốc gia.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, tốc độ giải ngân đầu tư công cả năm chỉ đạt khoảng 80% do giải ngân đầu tư công cho dự án được phép kéo dài 2 năm. Chính quy định này khiến người thực hiện ì trệ giải ngân. Lí do tiếp theo từ tâm lý nhà thầu. DN muốn dồn vào cuối năm để làm thủ tục giải ngân toàn bộ khối lượng công việc đã thực hiện.

“Tâm lý của người Việt là trước tết âm lịch có một khoản tiền lớn để trả cho đơn vị cung cấp vật tư, trả cho người lao động. Tâm lý quyết toán công nợ trước “tối 30” góp phần khiến tốc độ giải ngân đầu tư công các tháng đầu năm chậm”, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) cho biết.

Gỡ nút thắt “có tiền không tiêu được” - 1

Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ chấm dứt tình trạng tiền đọng ở kho bạc không tiêu được phải gửi ngân hàng (Ảnh: minh hoạ)

Về tình trạng những tháng đầu năm, vốn đầu tư công giải ngân chậm, chỉ đạt 20-30% số lượng cả năm.

“Trên thực tế, thời gian qua, mỗi địa phương chỉ có 1 dự án trái phiếu Chính phủ. Nếu dự án gặp khó khăn hay chậm tiến độ, tiền nằm ở kho bạc, không lưu thông được. Đây chính là nút thắt gây ra tình trạng có tiền nhưng không tiêu được”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.

Để giải quyết thực trạng này, Luật Đầu tư công sửa đổi quy định, vốn đầu tư công gồm tất cả nguồn tiền trong nước (từ trái phiếu, ngân sách, tiền thu từ sổ xố, tiền bán đất…). Khi dự án gặp điểm nghẽn không giải ngân được, cơ quan chức năng chuyển vốn sang dự án khác giải ngân tốt, góp phần đảm bảo tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Luân chuyển vốn từ nơi thừa sang thiếu

Một trong điểm nổi bật của Luật Đầu tư công sửa đổi nhằm giúp vốn đầu tư công hiệu quả là sự phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, bộ ngành trong quyết định phân bổ vốn đầu tư công. Trước đây, địa phương muốn luân chuyển vốn từ dự án A sang dự án B, phải gửi công văn lên trung ương xin ý kiến, phải mất hàng tháng mới có kết quả. Trong Luật Đầu tư công sửa đổi, với sự phân cấp mạnh mẽ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị (như Chủ tịch UBND tỉnh) được quyết định luân chuyển vốn của các dự án trực thuộc.

“Chủ tịch UBND tỉnh có thể quyết định luân chuyển vốn từ dự án A sang dự án B nhanh chóng trong vòng 1 tuần và chịu trách nhiệm về quyết định này. Thủ trưởng đơn vị được luân chuyển vốn giữa các dự án, sao cho cuối năm giải ngân hết số vốn được giao. Nếu cuối năm không giải ngân hết vốn sẽ bị thu hồi”, đại diện Ban soạn thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cho biết.

Theo Luật Đầu tư công sửa đổi, việc luân chuyển vốn giữa các dự án trong một đơn vị không ảnh hưởng đến kế hoạch vốn trung hạn. Đồng thời khắc phục được tâm lý lo “mất” nguồn vốn đã được giao của các ban quản lý dự án (QLDA).

“Trước đây, Ban QLDA rất lo sợ việc “mất vốn” đã được cấp. Vì vậy, ban QLDA giữ khư khư, không cho chuyển đi đâu dù tiền đó không tiêu được. Bây giờ, không còn tình trạng này. Vì chủ tịch UBND  tỉnh sẽ quyết định chuyển vốn từ dự án gặp trục trặc, khó giải ngân sang DA giải ngân tốt và năm sau sẽ cấp bù số tiền đã luân chuyển”, ông Phương cho biết.

Đến cuối năm 2018, chỉ tính riêng lượng vốn kho bạc nhà nước gửi tại Vietcombank, BIDV và Vietinbank đã lên đến trên 216.700 tỷ đồng. Theo Luật Đầu tư công sửa đổi, việc luân chuyển vốn giữa các dự án trong một đơn vị không ảnh hưởng đến kế hoạch vốn trung hạn. Đồng thời khắc phục tâm lý lo “mất” nguồn vốn đã được giao của các Ban quản lý dự án (QLDA).

Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm ước đạt gần 96.900 tỷ đồng

5 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư công mới giải ngân ước gần 96.900 tỷ đồng, đạt hơn 26% kế hoạch Chính phủ giao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN