Giữa lúc đồng yên Nhật lao đao, mọi sự chú ý dồn về phía Trung Quốc
Giữa lúc chính quyền Nhật Bản can thiệp để đồng yên không tiếp tục bị trượt dốc, chuyên gia lo ngại nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, tạo ra cuộc chiến tiền tệ toàn châu Á.
Theo Bloomberg, khi đồng yên giảm xuống mức thấp mới, một số nhà đầu tư đang cân nhắc kịch bản gần như không thể tưởng tượng được tại châu Á. Giữa lúc hầu hết nền kinh tế ngăn nội tệ tụt giá, loạt cuộc phá giá cạnh tranh bắt đầu cuộc chiến tiền tệ mới.
Reuters tuần trước đưa tin quan chức Nhật Bản can thiệp thị trường ngoại hối, sau khi chứng kiến mức giảm thảm hại của đồng yên Nhật (160 yên đổi 1 USD), thấp nhất trong lịch sử 34 năm.
Chuyên gia cho rằng, nếu chính quyền Nhật đơn độc trong việc can thiệp thị trường, nguy cơ xảy ra đợt suy yếu mới của đồng tiền. Điều này đồng thời đẩy căng thẳng cạnh tranh với các nước láng giềng và gây áp lực lên Trung Quốc, nơi đang có nhiều tranh cãi về khả năng đồng nhân dân tệ mất giá.
Sự bất ổn từ Nhật Bản lan rộng
Về lý thuyết, sự sụt giảm gây bất ổn của đồng yên là nguyên nhân buộc các nước láng giềng của Nhật Bản phải hành động cực đoan. Ngay cả khi những nỗ lực của quan chức Nhật cho đến nay là hỗ trợ tiền tệ thay vì đầu hàng và để chúng trượt dốc.
Mặc dù quan điểm cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á sẽ lặp lại chỉ là thiểu số, nhưng điều này vẫn đẩy mạnh kịch bản đồng USD hồi phục mạnh trong thời gian dài.
Sự sụt giảm chóng mặt của đồng yên Nhật.
Henry Quek - người đứng đầu thị trường toàn cầu, khu vực Châu Á Thái Bình Dương của State Street Corp - cho biết: "Thời gian dài chúng tôi không nghe thấy cụm từ phá giá đồng tiền để cạnh tranh, nhưng nếu đồng yên tiếp tục suy yếu, điều đó đang diễn ra".
Trong khi các ngân hàng trung ương châu Á tích cực hỗ trợ đồng tiền của họ so với đồng USD, tình trạng đồng yên sụt giảm mạnh được cho là tồi tệ nhất khu vực, làm xói mòn khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các nước láng giềng gần gũi Nhật Bản. Điều gây chú ý mạnh là ngay cả khi nguyên nhân khiến đồng yên sụt giảm không chỉ nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Tokyo. Đó còn là khoảng cách lớn về lãi suất giữa Nhật Bản và phần còn lại của thế giới, sự ưa thích của nhà đầu tư đối với tài sản Mỹ.
Theo ghi nhận của Bloomberg, cuối tháng 4, đồng yên giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1992 so với đồng nhân dân tệ (đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản). Đồng yên cũng yếu nhất khi so với đồng won (Hàn Quốc) kể từ năm 2008 và ở mức thấp nhất trong 31 năm so với Đài tệ (Đài Loan - Trung Quốc).
“Sự mất giá mang tính cạnh tranh đang xảy ra. Dù vô tình hay cố ý, điều đó tác động đến phần còn lại của khu vực” Kisoo Park - nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Manulife Investment Management - nói với Bloomberg.
Theo các chuyên gia quan sát thị trường, mặc dù không còn ảnh hưởng mạnh như trước, nhưng sự sụt giảm mang tính hỗn loạn của đồng yên vẫn ảnh hưởng đến các đồng tiền khác trong khu vực.
Toàn châu Á lo ngại
Arjun Vij - nhà quản lý danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management - cho biết: “Đồng yên yếu hơn đáng kể sẽ kéo theo các ngoại hối khác ở châu Á như đồng won Hàn Quốc và Đài tệ giảm theo”.
Đối với Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ Group Holdings Ltd., đồng won và Đài tệ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc hưởng lợi từ sự bùng nổ đầu tư vào AI ở các quốc gia đó cho đến khi đồng yên chuyển hướng.
Hiện, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Nhật Bản dùng nhiều biện pháp can thiệp để không cho phép đồng nội tệ sụt giảm thêm nữa. Sau khi đồng yên rớt giá dưới "ngưỡng tâm lý" là 160 yên đổi lấy 1 USD, lần đầu tiên trong hơn ba thập kỷ, chính quyền Nhật Bản được cho là thực hiện hai đợt can thiệp giúp đồng yên ổn định ở mức khoảng 155 yên đổi 1 USD.
Dù đồng yên biến động mạnh, chuyên gia nhận định có rất ít lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực. Hiện, hầu hết quốc gia tại châu Á được trang bị tốt hơn, học cách đối phó và tránh lặp lại tình trạng hỗn loạn như cuối những năm 1990, bao gồm việc dự trữ ngoại hối mạnh hơn, cải cách giám sát khu vực tài chính chặt chẽ hơn và tăng thị trường vốn trong nước.
Đồng yên Nhật đang lao đao.
Tuy nhiên, ông Kisoo Park của Manulife cho rằng, không thể quá thờ ơ vào việc đồng yên giảm mạnh. Trường hợp đồng yên sụt giảm xuống mức 170-180 yên đổi lấy 1 USD, không chỉ gây ra vấn đề cho châu Á mà còn tác động rộng hơn đến tiền tệ của các thị trường mới nổi. Điều đó phần lớn đến từ việc đồng yên như loại tiền tệ tài trợ cho các nhà kinh doanh chênh lệch lãi suất.
"Nếu các đồng tiền châu Á mất giá vì đồng USD mạnh, các quỹ đầu tư vào thị trường địa phương sẽ phải rút lui. Toàn bộ thị trường mới nổi sụp đổ, gây ra những cuộc bán tháo cổ phiếu, trái phiếu kho bạc Mỹ tăng giá mạnh. Kịch bản như vậy có khả năng xảy ra thấp nhưng không thể loại trừ hay quá ỷ lại", ông Park nói thêm.
Giữa bối cảnh thị trường hiện nay, nguy cơ xảy ra cuộc chiến tiền tệ ở châu Á, đồng nhân dân tệ của châu Á được quan tâm hơn cả.
Giới đầu tư đang quan sát những gì Trung Quốc sẽ làm với đồng nhân dân tệ, giữa lúc đồng tiền này có nguy cơ bị đồng yên kéo giá xuống và gây bất ổn cho khu vực. Đồng tiền được quản lý của Trung Quốc được xem là chiếc neo cho các đồng tiền trong khu vực châu Á, có nghĩa là ngay cả những động thái nhỏ cũng có thể gây tác động lớn.
Nhiều chuyên gia, người đứng đầu thị trường truyền tai nhau rằng chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ thực hiện biện pháp cực đoan để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu của mình, đó là phá giá đồng nhân dân tệ.
"Khi nhìn vào thị trường châu Á và quan sát sự mất giá quá mức của đồng yên, chúng tôi bắt đầu lo ngại về mức độ cạnh tranh, đặc biệt là với Trung Quốc. Vì vậy, đối với tôi, đó là rủi ro mà cả châu Á nên quan tâm vào lúc này", John Woods - Giám đốc đầu tư khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Lombard Odier Hong - cho biết.
Chuyên gia cho rằng 160 yên đổi 1 USD là giới hạn chịu đựng cuối cùng, khiến giới chức Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Nguồn: [Link nguồn]