Giao dịch mùa Corona: Ngân hàng đua giảm phí dịch vụ kịch sàn
Giao dịch mùa Corona: Ngân hàng đua giảm phí kịch sàn để người dân tăng cường sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.
Ngân hàng giảm phí giao dịch qua ngân hàng điện tử mùa dịch virus Corona. Ảnh minh họa
Chiều 12/2, chị Hoa (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) được nhân viên ngân hàng BIDV thông báo được giảm 100% phí giao dịch qua ngân hàng điện tử. “Cô nhân viên còn khuyến khích mình thoải mái mua đồ ăn, thức uống và shopping online mà không sợ phải ra đường hay chỗ đông người”, chị Hoa kể.
Đến lúc này, chị Hoa ngồi ở nhà cũng có thể chuyển tiền, gửi tiền online, thanh toán hóa đơn, thanh toán QR, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, vé tàu/xe/tour du lịch,…
BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố miễn phí giao dịch online cho khách. Thông tin với Báo Giao thông, đại diện BDV cho biết đây là chính sách hỗ trợ khách hàng chuyển đổi từ giao dịch tại quầy sang giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử (BIDV Online, BIDV SmartBanking) cho khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ. BIDV cũng cam kết tiếp tục chính sách không thu bất kỳ một khoản phí đăng ký hay phí duy trì nào đối với dịch vụ BIDV Online và BIDV SmartBanking.
Đại diện bộ phận Ngân hàng Bán lẻ BIDV cho biết, ngân hàng kỳ vọng các hình thức ưu đãi này sẽ giúp khách hàng hình thành thói quen giao dịch online, tăng cường các giao dịch tài chính cá nhân không dùng tiền mặt trong đời sống hàng ngày nhằm ngăn ngừa và đẩy lùi dịch viêm phổi cấp Vũ Hán do virus Corona mới (Covid-19) gây ra.
Trong bối cảnh số người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam tiếp tục tăng, ngày 13/2, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trên cả hệ thống.
Các giao dịch được miễn phí gồm các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.
Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng cho biết đã xây dựng Chương trình miễn, giảm phí dịch vụ, gồm: Miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online) các dịch vụ công (dự kiến áp dụng đến hết tháng 12/2020); Giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch (dự kiến áp dụng từ ngày 25/2/2020).
Trên cơ sở chương trình này của NAPAS, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ cho người sử dụng dịch vụ. Thời gian áp dụng, mức phí giảm tối thiểu tương đương với thời gian, mức phí giảm mà NAPAS áp dụng đối với các ngân hàng thành viên (1.300 đồng/giao dịch); Đồng thời khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện mức phí giảm lớn hơn mức phí giảm của NAPAS.
Hiện các ngân hàng thương mại khác như TPBank cũng đang khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet Banking, Open Banking… để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng.
Hay SCB cũng đang có nhiều ưu đãi cho khách hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking như miễn phí thường niên dịch vụ eBanking và SMS biến động số dư; Miễn phí chuyển tiền online liên ngân hàng với số tiền giao dịch lên đến 3 tỷ đồng/ngày; Miễn phí chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán hóa đơn và thanh toán các tiện ích khác…
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch giao dịch tiền mặt cũng là tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19, đây được coi là cơ hội để các ngân hàng, các công ty phát triển ví điện tử... đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.
Sản xuất đình trệ, doanh thu giảm, nhiều doanh nghiệp đề nghị được giãn nợ, miễn thuế... để có thể trụ vững qua...
Nguồn: [Link nguồn]