Giảm giờ làm, GDP, xuất khẩu sẽ “bay” hàng tỷ USD
Giải trình tại phiên thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 23/10, Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung đề cập tới một số vấn đề liên quan tới đề xuất giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ.
Theo Bộ trưởng, quy định thời gian làm việc bình thường là vấn đề lớn, tác động tới tất cả các nhóm trong quan hệ lao động, cũng tác động lớn tới tăng trưởng, tới ngân sách và cả nền kinh tế nên cần đánh giá, lượng hóa cụ thể.
“Hiện tại Việt Nam đang thực hiện chế độ làm việc 48 giờ/tuần nhưng cũng có quy định khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chế độ làm việc 40 giờ. Thực tế, 86,9% doanh nghiệp đang thực hiện quy định làm việc 48 giờ/tuần, hơn 3% thực hiện quy định 44 giờ/tuần, còn lại thực hiện 40 giờ/tuần”, Bộ trưởng nói.
Dẫn ví dụ một số nước trong ASEAN, ông Dung cho hay, có 8/10 nước bố trí làm việc 48 giờ/tuần như Việt Nam, chỉ 2 nước Singapore và Indonesia áp dụng chế độ làm việc thấp hơn.
“Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Singapore hiện cao gấp 10 lần Việt Nam. Còn Indonesia có dân số 247 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp trên 6%, tức số người thất nghiệp rất lớn. Khi chúng tôi sang đó làm việc, phía bạn giải thích Indonesia cần giảm giờ làm để chia sẻ công việc cho mọi người, để kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp”, Bộ trưởng giải thích.
Bộ trưởng cho biết, cần nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất giảm giờ làm.
Đáng chú ý, người đứng đầu ngành lao động cho biết, với Việt Nam, nếu giảm quy định giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tổng thời gian lao động của một người giảm đi 208 giờ trong khi Chính phủ lại đang xin cho tăng giờ làm thêm.
Điều này khiến tổng chi phí lao động tăng 18% nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm 20 tỷ USD/năm, tăng trưởng giảm 0,5%.
“Trong khi đó, để tránh việc rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải duy trì mức tăng trưởng trên 7%. Vậy nên cần đánh giá kỹ lưỡng thực tế này. Quốc hội nên giao Chính phủ nghiên cứu để thời điểm thích hợp sẽ tiến hành giảm giờ làm việc”, Bộ trưởng nói thêm.
Tuy nhiên, đề xuất này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thảo luận tại Quốc hội, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) nêu thực tế, trên thế giới hiện chỉ còn rất ít nước có chế độ làm việc quá 40 giờ/tuần, như Mexico vẫn làm 48 giờ, Hàn quốc 43 giờ. Thậm chí như Đức hiện chỉ còn 26 giờ/tuần nhưng năng suất lao động vẫn cao nhất thế giới, nền kinh tế lớn đứng thứ 4 thế giới, phúc lợi xã hội, phúc lợi lao động rất tốt.
“Như vậy Việt Nam cần có lộ trình giảm chế độ làm việc 48 giờ/tuần xuống 40 giờ/tuần”, ông Nhân nói và cho rằng, nếu thực hiện trong vòng 10 năm thì Việt Nam cũng đã “đi chậm”… 80 năm so với thế giới.
Ông Nhân cũng cho rằng, xét tiêu chí về “hạnh phúc” của người Việt, ngoài yếu tố đảm bảo về kinh tế, mỗi người đều mong muốn có công việc, có nhà, có gia đình, thì tới 70% người mong gia đình đuề huề, xôm tụ, con cháu hoạt bát…
“Như vậy, nếu làm nhiều thời giờ quá thì không có gia đình hạnh phúc đâu”, ông nhấn mạnh. Đồng thời kêu gọi, để tăng năng suất thì cần phải đầu tư công nghệ, máy móc và hướng tới giảm giờ làm chứ không phải ngược lại, nới khung thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng đề nghị sửa quy định về thời giờ làm việc bình thường với mức khống chế 44 giờ/tuần để người lao động được nghỉ thêm 1 buổi chiều thứ 7, tạo ra bước tiến trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì đưa ra giải pháp cân bằng, nếu giảm được quy định làm việc 48 giờ/tuần cho người lao động xuống 44 giờ để thể hiện tính nhân văn thì có thể tính đến việc tăng giới hạn giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm. Còn nếu vẫn duy trì chế độ làm việc 48 giờ thì không tính tới việc mở rộng khung giờ làm thêm nữa.
Tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức...