Giải mã hiện tượng ''lạ'' trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dịch bệnh lần 4 đã ảnh hưởng khá nhiều đến nền kinh tế nhưng thị trường chứng khoán vẫn có màn tăng trưởng ấn tượng.

Vào cuối tháng 8, thị trường chứng khoán đã lập kỷ lục về thanh khoản khi giá trị giao dịch vọt lên hơn 2 tỉ USD trong một phiên.

Tài khoản chứng khoán mở mới tăng kỷ lục

“Dù nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng bền bỉ, năng động và chống chịu khá tốt trong vài năm qua, và đặc biệt đạt kết quả xuất sắc trong nửa đầu năm 2021, nhưng vẫn có thể nói rằng, Việt Nam đang gặp cú sốc kinh tế lớn”, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank tại Việt Nam đánh giá.

Cú sốc mà bà Dorsati Madani nói đến chính là các chỉ số kinh tế của Việt Nam đang giảm mạnh. Trong tháng 8, xuất khẩu suy giảm, nhiều ngành đã xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng, và sự đứt gãy về sản xuất. Chỉ số sản xuất PMI tháng 8 giảm xuống 40,2, mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua, chỉ số bán lẻ hàng hoá và sản xuất công nghiệp rơi xuống con số âm,…

“Nhưng tôi không hề ngạc nhiên về điều này vì lần dịch thứ 4, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng bởi biến thể Delta, và để kiểm soát dịch  lây lan các cấp thầm quyền thực hiện biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội, mà đến lượt nó gây tổn hại cho kinh tế. Do còn nhiều bất định vĩ mô trên toàn cầu và bất định kiểm soát dịch bệnh nên có thể tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có nguy cơ suy giảm”, bà Dorsati Madani chia sẻ.

Theo các chuyên gia, mức giảm này cũng tương tự vào các kỳ tháng 4 và tháng 5-2020, thời điểm Việt Nam cũng thực hiện giãn xã hội toàn quốc để chống làn sóng dịch bệnh lần 1. Tuy nhiên có một điểm khác, nửa đầu năm 2020, thị trường chứng khoán rớt mạnh để phản ánh các kỳ vọng kinh tế lúc đó, nhưng hiện nay, chứng khoán không dao động nhiều.

Giải mã hiện tượng ''lạ'' trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 1

Biểu hiện đầu tiên, các nhà đầu tư vẫn ồ ạt mở tài khoản chứng khoán. Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, trong tháng 8, nhà đầu tư trong nước mở mới 120.506 tài khoản.

Đây là con số lớn thứ 2 chỉ đứng sau số tài khoản mở mới trong tháng 6-2021 với hơn 140.000 tài khoản. Luỹ kế 8 tháng năm 2021, tổng số tài khoản mở mới đạt hơn 840.000. Một con số kỷ lục lớn hơn cả số tài khoản mở mới trong 3 năm từ 2018-2020 cộng lại.

Ngoài ra, lần đầu tiên trong tháng 8, khối lượng giao dịch của chứng khoán trong một ngày đạt mức 2 tỉ USD.

Điều này cho thấy, bất chấp kinh tế vẫn còn gập ghềnh nhưng lượng tiền đổ vào chứng khoán vẫn nhiều, mà theo các chuyên gia, nguyên nhân chính nằm ở việc các nhà đầu tư hiện nay không có nhiều lựa chọn đầu tư buộc phải đưa tiền cào chứng khoán. 

Lãi suất tiết kiệm giảm, chứng khoán lên hương

Theo ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, sự sôi động của thị trường chứng khoán gần đây một phần bắt nguồn từ mức giảm khoảng 1,5% của lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 năm, cũng như từ mức dự kiến tăng trưởng 36% của thị trường chứng khoán trong năm 2021 so với năm trước.

Lãi suất bắt đầu giảm từ đầu năm 2020 đã thúc đẩy nhiều người tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế khi các khoản tiền gửi của họ đáo hạn, tương ứng với sự gia tăng số tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân mở mới hàng tháng trong biểu đồ trên.

Nhà đầu tư Việt Nam vốn ưu tiên đầu tư vào bất động sản, vàng rồi mới đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam gần đây giảm dần vì một số lý do, bao gồm việc chậm trễ tiến độ xây dựng do ảnh hưởng của COVID, trong khi vàng hiện cũng mất dần sức hút khi chênh lệch giá mua bán đã thu hẹp từ năm ngoái, và vì giá vàng Việt Nam đã cao hơn 17% so với giá vàng thế giới.

Trong bối cảnh không có nhiều giải pháp đầu tư khác hấp dẫn hơn, ngày càng có nhiều người gửi tiết kiệm trong nước chuyển sang thị trường chứng khoán, và sự nhiệt tình của các nhà đầu cá nhân mới đang bao trùm toàn bộ thị trường này.

Chứng khoán đón sóng chờ sự hồi phục

Thị trường chứng khoán vốn phản ánh kỳ vọng kinh tế trong tương lai và thường đi nhanh hơn các chỉ số kinh tế hiện hữu.

Chính phủ đang nỗ lực tìm cách kiểm soát dịch bệnh để từng bước mở cửa nền kinh tế. Và thời gian vừa qua, đã có những tín hiệu lạc quan thông qua độ phủ tiêm chủng trong dân số, số ca nhiễm và tử vong giảm cũng như các kế hoạch đưa nền kinh tế trở lại bình thường mới đã được hoạch định. 

Nhìn ở góc độ này, chuyên gia tài chính Trần Đình Phương đánh giá, các chỉ số kinh tế điều chỉnh giảm để phản ánh làn sóng dịch bệnh, nhưng triển vọng kinh tế hồi phục là có cơ sở sau khi dịch bệnh được kiểm soát. 

Dù thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn theo những thách thức khác nhau, nhưng các nhà đầu tư có xu hướng nhìn về tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai để đón sóng. Đó là lý do tại sao giá cổ phiếu nhiều công ty vẫn tăng mạnh dù kinh doanh vẫn đang lỗ nặng.

Giải mã hiện tượng ''lạ'' trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 2

Chẳng hạn, trong quý 2-2021, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ 4.449 tỉ đồng, và khoản lỗ này đã khiến hãng bay lớn nhất Việt Nam đã âm vốn chủ sở hữu hơn 2.700 tỉ đồng. Chưa hết, Vietnam Airlines đối diện với khoản nợ ngắn hạn khổng lồ lên đến con số gần 43.000 tỉ đồng...

Tuy nhiên, cổ phiếu Vietnam Airlines lại tăng trưởng rất tốt trong thời gian qua. Nếu như ngày 30-8, giá cổ phiếu Vietnam Airlines chỉ là 21.500 đồng thì đến ngày 14-9, giá chạm mốc 28.650 đồng. Như vậy trong gần nửa tháng qua, lợi vốn của cổ phiếu Vietnam Airlines là 7.150 đồng.

Với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là 2,2 tỉ thì Vietnam Airlines đã tăng giá trị vốn hóa lên đến 15.860 tỉ đồng. Nguyên nhân, dù thua lỗ nặng và việc kinh doanh còn èo uột nhưng các hành động cứu hãng bay lớn nhất đã giúp cổ phiếu tăng mạnh. Đầu tiên là hãng bay này đã được lên kế hoạch tái cấu trúc tài chính khi được các cổ đông, ngân hàng bơm hơn 12.000 tỉ đồng.

Cục hàng không Việt Nam cũng đã đưa ra lộ trình bay nội địa trở lại cũng như cơ quan quản lý nhà nước đang đề xuất nâng giá sàn vé máy bay. Ngoài ra, vào ngày 13-9, SCIC đã chính thức giải ngân gần 6.900 tỉ đồng để mua cổ phiếu do Vietnam Airlines phát hành.

Tương lai sẽ ra sao?

 Ông Michael Kokalari đánh giá, lịch sử kinh tế hiện đại có nhiều ví dụ về các quốc gia đã phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn nhưng sau đó hồi phục và thậm chí còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn. 

Như năm 1973, tờ Mainichi Shimbun (Nhật) cảnh báo đất nước Nhật bước vào giai đoạn thảm khốc có thể gây tổn hại đến sự tồn tại của quốc gia vì cuộc khủng hoảng giá dầu trên toàn cầu. Nhưng sau đó, nước Nhật không lụi tàn mà cú sốc này đã giúp đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế trong suốt 15 năm.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng điều tương tự tại Việt Nam hậu dịch bệnh. Một số nhà kinh tế tin rằng COVID có thể gây tổn hại vĩnh viễn đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đang phát triển. Nhưng chúng tôi tin rằng đây sẽ là chất xúc tác thúc đẩy các công ty Việt Nam cải thiện, đổi mới sáng tạo hoạt động kinh doanh.

Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tiếp tục những cải cách kinh tế để thúc đẩy hơn nữa tiềm năng tăng trưởng GDP bền vững. Thị trường chứng khoán cũng có niềm tin nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn. Bằng chứng là chỉ số VN Index đã tăng gần 10% kể từ ngày 27 4, khi biến thể Delta tạo ra làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 tại Việt Nam. Hơn nữa, giá cổ phiếu của các công ty đã thích nghi với tình hình hiện tại thậm chí còn tăng mạnh hơn nữa”, ông Michael Kokalari nói. 

Với việc nới lỏng giãn cách một cách thận trọng, mà kỳ vọng có thể diễn ra từ quý 4-2021, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được mong đợi sẽ kích hoạt một quá trình hồi phục kinh tế mới. 

Chất xúc tác hiện tại cho thị trường chứng khoán nằm ở chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nới lỏng vẫn còn dư địa. Thứ nhất, lạm phát được dự báo trong năm 2021 ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với lạm phát mục tiêu của Chính phủ là 4%. Trong giai đoạn khó khăn hiện tại của dịch bệnh, chúng tôi không loại trừ trường hợp Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong điều kiện lạm phát được kiểm soát. 

Thứ 2, chính sách tài khóa nới lỏng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ trong và sau dịch. Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm khi chỉ đạt 41,7% kế hoạch Thủ tướng đưa ra. Tuy nhiên, tương tự như năm 2020, đầu tư công được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh trong quý 4 nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế hậu dịch. 

Với định hướng và lộ trình mở cửa lại nền kinh tế được Chính phủ cụ thể hóa, sẽ giúp thị trường chứng khoán có những biến chuyển tích cực và khả quan hơn trong giai đoạn đến.

Công ty chứng khoán SSI

Dàn lãnh đạo Vietnam Airlines và người thân vừa nhận được ưu đãi lớn

Thị trường phiên đầu tuần rung lắc cực mạnh với sắc xanh hiện diện trong phần lớn thời gian giao dịch, thế nhưng toàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Minh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN