Giá vàng tăng sốc, có nên đổ tiền mua?
Giá vàng trong nước có lúc vượt mốc 40 triệu đồng/lượng, diễn biến rất khó lường.
Chỉ trong một thời gian ngắn, giá vàng thế giới tăng đột biến trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó đoán định. Điều này khiến giá vàng trong nước không còn đi ngang như năm 2018 mà bắt đầu tạo ra các đợt “sóng vàng”. Vậy đây có phải là lúc đổ tiền đầu tư vào vàng?
Giá vàng biến động liên tục
Theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong vòng ba tháng qua, giá vàng tăng rất nhanh và mạnh. Ví dụ ngày 24-4, giá vàng thế giới ở mức 1.271,65 USD/ounce thì đến ngày 25-6 nhảy lên đỉnh 1.431,40 USD/ounce. Sau đó, giá vàng tiếp tục lên xuống thất thường và đến ngày 19-7 xác lập đỉnh mới là 1.439,70 USD/ounce rồi sau đó giảm nhẹ.
Thị trường vàng Việt Nam (VN) không nằm ngoài sự biến động của giá vàng thế giới. Bắt đầu vượt mốc 37 triệu đồng, sau đó vọt lên 38 triệu đồng, rồi lập đỉnh hơn 40 triệu đồng/lượng.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh vàng VN, nguyên nhân đẩy giá vàng tăng đột biến chủ yếu là do biến động liên tục về địa chính trị, tình hình kinh tế thế giới bất ổn và tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, vấn đề xuyên suốt và cơ bản thúc đẩy giá vàng tăng là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không tăng lãi suất như đã tuyên bố trong năm 2018 mà còn bắn tín hiệu sẽ giảm lãi suất đồng USD trong thời gian tới.
“Trong cuộc họp sắp đến của FED vào ngày 30 và 31-7, nếu FED giảm lãi suất thì khả năng giá vàng sẽ tiếp tục tăng” - ông Hải dự báo.
Nhận định tương tự, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết sự giảm giá đồng USD, tình hình Iran căng thẳng, thương chiến Mỹ-Trung vẫn chưa có hướng giải quyết rõ ràng dẫn đến kinh tế toàn cầu nhiều rủi ro. Ngoài ra, xung đột địa chính trị đã khiến nhà đầu tư lo ngại và theo thông thường chọn vàng là kênh trú ẩn an toàn khiến giá kim loại quý tăng lên.
Bằng chứng rõ nhất là nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương đang tăng mạnh. Theo một cuộc khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới, 11% ngân hàng ở các nước phát triển và mới nổi tiếp tục dự trữ vàng trong 12 tháng tới. Đặc biệt, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua 650 tấn vàng để dự trữ. Tất cả điều này đã phản ánh vào giá vàng.
“Nếu tình hình thế giới vẫn chứa đựng nhiều diễn biến khó lường, giá vàng có thể biến động liên tục. Nhưng nhìn chung theo xu hướng tăng, mốc 1.500 USD/ounce có thể bị phá vỡ trong thời gian tới” - ông Hiếu cho biết.
Những ngày gần đây thị trường vàng biến động mạnh, có thời điểm vượt ngưỡng 40 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong sáu năm. Ảnh: PM.
Đầu tư vàng thế nào là hợp lý?
Giá vàng tăng mạnh chỉ trong một thời gian ngắn khiến nhiều nhà đầu tư ôm tiền lao vào mua vàng. Việc chuyển sang đầu tư vàng trong thời điểm kinh tế bất ổn là điều dễ hiểu, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng phải hết sức cẩn trọng vì còn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường.
Ông Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: Nếu đầu tư vàng theo kiểu lướt sóng rất rủi ro, bởi các yếu tố như tỉ giá, giá vàng thế giới tăng giảm bất thường; giá vàng trong nước nhiều khi không tăng giảm theo giá quốc tế mà theo kiểu “riêng của VN”.
“Đây là cuộc chơi của những người am hiểu thị trường vàng, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Còn với người dân bình thường nếu có đầu tư vàng thì nên dùng tiền tiết kiệm, nhàn rỗi… để đầu tư chứ không nên dùng đòn bẩy tài chính (tức vay tiền để mua vàng - PV)” - ông Hiếu khuyến cáo.
Ông Trần Thanh Hải phân tích: Hiện nay giá vàng đang ở mức cao nhất trong sáu năm qua. Tuy nhiên, nhìn về bối cảnh tăng giá vàng giữa các thời kỳ có sự khác biệt rất lớn. Chẳng hạn, nếu so sánh về kịch bản giá vàng tăng ở thời điểm hiện nay với giá vàng lên đỉnh 1.924 USD/ounce vào năm 2010-2011 rất khác nhau.
“Hiện nay, dư địa để FED hạ lãi suất chỉ bằng phân nửa so với dư địa trong những năm 2010-2011. Thêm nữa, thời điểm 2010-2011, kinh tế Mỹ lâm vào tình trạng khủng hoảng với sự đổ bể của các ngân hàng hàng đầu thế giới. Trong khi đó, hiện nay nền kinh tế Mỹ mạnh, tỉ lệ thất nghiệp thấp” - ông Hải nhìn nhận.
Với nền tảng so sánh trên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh vàng VN Trần Thanh Hải cho rằng hiện đầu tư vàng vẫn có cơ hội nhưng dư địa tăng giá vàng không bằng quá khứ. Do đó, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng khi đầu tư vàng trong thời điểm này. Nếu trong ngắn hạn nên chọn vàng đầu tư nhưng trung hạn thì nên chọn bất động sản.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro khi lướt sóng vàng, điều tiên quyết là cần theo dõi sát tình hình địa chính trị trên thế giới. “Người đầu tư vàng cũng cần theo dõi các chỉ số kinh tế thế giới, đặc biệt là chỉ số USD index. Bên cạnh đó nên quan tâm các đồng tiền khác vì vàng liên hệ mật thiết đến thị trường ngoại hối như đồng EU, yen, bảng Anh… những đồng tiền quan trọng trong rổ tiền tệ thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh, lướt sóng, đầu tư và đầu cơ vàng” - ông Trần Thanh Hải khuyến cáo.
Cần phải có sự chuẩn bị Dù giá vàng gần đây tăng đột biến nhưng chưa thấy tình trạng người dân rồng rắn xếp hàng mua vàng như từng diễn ra trước đây. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do nhờ có nhiều biện pháp giám sát chặt chẽ nên Nhà nước dễ dàng kiểm soát cung - cầu để chặn các cơn sóng vàng. Tuy vậy, trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng khẩu vị của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính quốc tế đang thay đổi. Nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư an toàn gia tăng, trong đó vàng và dầu mỏ là hầm trú ẩn hàng đầu đối với tất cả nhà đầu tư. “Trong hàng chục năm qua, chúng ta chủ trương chống đôla hóa và vàng hóa. Tuy nhiên, với bối cảnh hội nhập và xu hướng tăng giá của vàng, chúng ta phải có sự chuẩn bị. Tỉ giá hối đoái linh hoạt đối với VN lúc này là điều cần được quan tâm… Cần phải tạo chính sách tổng hợp và phải đưa vàng vào trong rổ quản lý tỉ giá hối đoái” - ông Nghĩa gợi ý. |
Trữ vàng không có lợi bằng gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi.