Giá vàng miếng SJC 'lên đồng': Ai đang quyết định giá?

Sự kiện: Giá vàng

Giá vàng miếng SJC tiến sát mốc 88 triệu đồng/lượng, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, bản thân Ngân hàng Nhà nước chưa muốn hạ nhiệt giá vàng vì thị trường vàng mang tính chất đầu cơ và cung nhiều qua đấu thầu sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá.

Giá cọc đấu thầu vàng cùng tăng theo

Chỉ trong vòng 2 ngày qua, giá vàng liên tục lập đỉnh, Giá vàng miếng vượt mốc 86 rồi đến 87 triệu đồng/lượng. Cuối ngày 7/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 85,3-87,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 1 triệu đồng/lượng so với hôm trước. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng lên mức 85,5 - 87,5 triệu đồng/lượng.

So với đầu năm 2024, giá vàng miếng tăng gần 10 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC bắt đầu nổi sóng khi lập đỉnh 80 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 3 và liên tiếp lập đỉnh mới từ đó đến nay. Điều lạ là giá vàng miếng liên tục tăng trong khi giá vàng thế giới chỉ quanh mốc 2.315 USD/ounce, tương đương 71 triệu đồng/lượng.

Choáng với giá vàng miếng SJC liên tục tăng. Ảnh: Như Ý

Choáng với giá vàng miếng SJC liên tục tăng. Ảnh: Như Ý

Sau khi giá vàng lập đỉnh mới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thông báo đấu thầu vàng miếng lần thứ 5 vào ngày 8/5 với khối lượng không đổi như các lần trước 16.800 lượng vàng. Thế nhưng, giá cọc lần này tăng 2,4 triệu đồng/lượng so với phiên gọi thầu lần 4 và tăng 4,6 triệu đồng/lượng so với phiên gọi thầu lần 1. Ngoài giá cọc thay đổi, một trong những điểm đáng chú ý trong phiên đấu thầu này là khối lượng đặt thầu tối thiểu đã giảm còn bằng một nửa so với các phiên đấu thầu tổ chức trước đó. Cụ thể, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 7 lô (tương đương 700 lượng vàng) thay vì tối thiểu 14 lô (đương 1.400 lượng vàng) như các phiên trước. Khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên vẫn là 2.000 lượng, bằng với các phiên trước.

Báo cáo về Xu hướng Nhu cầu Vàng của Hội đồng Vàng Thế giới trong quý I năm nay cho thấy, nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong quý I kể từ năm 2015. Các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý I, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao - được dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát - và đồng nội tệ mất giá so với đồng USD. Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Việt Nam đã nới lỏng các hạn chế về nguồn cung, đồng thời Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường vào cuối tháng 4.

Từ khi tái khởi động hoạt động đấu thầu vàng trong khoảng nửa tháng nay, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ tổ chức thành công 1 phiên đấu thầu. Một số phiên khác dự kiến tổ chức đã không thực hiện được, do không đủ số thành viên đăng ký và đặt cọc hoặc có phiên chỉ có một thành viên nộp phiếu dự thầu.

Phiên đấu thầu duy nhất thành công ngày 23/4 có kết quả 34 lô vàng miếng SJC được bán, tương ứng với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,3 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,3 triệu đồng/lượng.

Giảm chênh lệch với giá vàng thế giới: bất khả thi!

Với sự tăng giá điên cuồng của vàng SJC trong khi thế giới chỉ tăng nhẹ hoặc đứng im khiến khoảng cách nới rộng với giá vàng thế giới lên tới gần 17 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, trước khi có thông tin đấu thầu vàng miếng trở lại, giá vàng miếng SJC chỉ cao hơn giá vàng thế giới khoảng 14 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết: “Chúng ta phải đặt câu hỏi ai đang quyết định giá vàng miếng SJC trên thị trường? Hiện nay, đơn vị tham gia đấu giá thời điểm này nếu trúng thầu thì dù giá cao vẫn có khả năng có lãi nhưng nhiều doanh nghiệp không tham gia đấu khiến Ngân hàng Nhà nước hủy đấu thầu 3 lần. Cơ quan quản lý nên tìm hiểu”.

Ông Ánh nghi ngờ việc đặt mục tiêu kéo giá vàng trong nước xuống? “Cơ quan quản lý không thể nói khơi khơi. Kéo chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới đến mức nào phải rõ. Kéo về sát với giá vàng thế giới khoảng 70-71 triệu đồng/lượng hay kéo đến mức giá trong nước cao hơn giá vàng thế giới 5 triệu đồng/lượng?”, ông Ánh nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính đánh giá, giá vàng hiện tại tăng một phần do Ngân hàng Nhà nước đấu thầu nhưng đưa ra giá cọc vẫn cao. Có thể cơ quan quản lý chưa muốn bán giá thấp. Có thể càng bán thấp, cầu càng tăng sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại tệ cũng như áp lực lên tỷ giá VND/USD. Bên cạnh đó, doanh nghiệp lo ngại giá vàng thời gian tới giảm nên chưa tham gia đấu thầu vàng nhiều. Vì chưa tham gia nên nguồn cung trên thị trường vẫn hạn chế, vì thế, giá vàng trên thị trường càng cao.

“Ổn định giá vàng là bài toán đánh đổi. Cung nhiều vàng với giá thấp ra sẽ ổn định lại giá thị trường nhưng mất ngoại tệ. Có thể Ngân hàng Nhà nước muốn giá vàng giảm từ từ. Thời gian tới, giá vàng thế giới có xu hướng giảm, khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới sẽ giảm đi”, ông Độ nói.

Theo ông Độ, thị trường vàng mang nặng tính đầu cơ, giá vàng tăng thì ảnh hưởng người tham gia cuộc chơi chứ không ảnh hưởng nhiều nền kinh tế. “Cũng có thể vàng tăng giá nhiều, người dân sẽ rút tiết kiệm chuyển qua đầu tư vàng”, ông Độ nói.

Ông Đô khẳng định, vì giá vàng tăng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế nên Ngân hàng Nhà nước chưa muốn bỏ nhiều dự trữ ngoại tệ để kéo giá vàng xuống thấp hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau phiên tăng phi mã hôm qua, sáng nay, trước phiên đấu thầu vàng miếng, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm nhẹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN