Giá USD tăng mạnh: Doanh nghiệp lao đao

Sự kiện: Tỷ giá USD

Từ đầu năm đến nay, giá USD tại ngân hàng và trên thị trường tự do đều đã tăng trên dưới 5%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp phát hành tín phiếu cũng như bán ngoại tệ nhằm cắt cơn sốt nhưng mãi tỷ giá vẫn chưa chịu hạ nhiệt. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhập khẩu đang lao đao vì tỷ giá tăng.

Giá USD tăng ăn mòn lợi nhuận

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Mai Hữu Lâm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi - cho biết, biên lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ 5-6%, biến động tỷ giá từ đầu năm có thể ăn mòn toàn bộ số lợi nhuận này. “Giá vật liệu đầu vào tăng 25%; giá đồng, nhôm, thép, dầu đều tăng, cộng với tỷ giá, doanh nghiệp nhìn giá chán không muốn làm. Lỗ rồi”, ông Lâm than thở.

Trong khi đó, kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phải hạ giá thành phẩm để cạnh tranh. Càng làm càng lỗ, nhưng doanh nghiệp không thể dừng lại vì còn phải duy trì nhân viên, đội ngũ trong công ty. Ngoài thép, toàn bộ nguyên vật liệu Cát Vạn Lợi sử dụng phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Tỷ giá vẫn cao sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp. Ảnh: Như Ý.

Tỷ giá vẫn cao sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp. Ảnh: Như Ý.

Theo ông Lâm, thời điểm này, tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn hơn khi xảy ra dịch COVID-19. “Dịch bệnh gây khó cho đi lại, vận chuyển đứt gãy nhưng giá nguyên vật liệu không căng thẳng như bây giờ. Trong khi đó, bối cảnh hiện nay bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, giá hàng hoá đầu vào tăng mạnh. Thời điểm ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng, giá nguyên vật liệu chênh lệch lớn”, ông Lâm cho biết và lấy ví dụ, với dự án đã ký trước đó, thực hiện tới năm 2026 thì không biết tỷ giá sẽ lên mức bao nhiêu.

“Nếu giá USD lên tới 27.000 đồng/USD, doanh nghiệp mất 10% chi phí, cộng thêm lạm phát, tăng lương cho người lao động từ tháng 7/2024… đổ dồn dập lên chúng tôi”, ông Lâm lo ngại

Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp của ông Lâm có thời điểm sử dụng những công cụ như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn.

Với ngành hàng không, nhiều loại chi phí như phí thuê sân đỗ, đường băng sân bay; tiền thuê tàu bay, mua nhiên liệu, lương phi công... đều tính bằng USD. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cứ 1% thay đổi tỷ giá, hãng sẽ mất 300 tỷ đồng. Nếu biến động 5%, chi phí một năm tăng lên 1.500 tỷ đồng. Vietnam Airlines mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể.

Đại diện NHNN cho biết, sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ và Thủ tướng. Đồng thời, ngân hàng điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cũng cho biết, biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro theo biến động của tỷ giá. PVN hiện có dư nợ vay ngoại tệ 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,55 tỷ USD.

Áp lực từ đồng USD mạnh

Vào lúc 9h ngày 24/4, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.274 đồng, giảm 1 đồng so với hôm trước. Đây là lần đầu tiên trong 2 tuần trở lại đây, NHNN điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm. Giá bán giao ngay USD được Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước giữ nguyên mức 25.450 đồng/USD.

Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại ngày 24/4 là 23.061-25.487 đồng/USD. Theo đó, giá USD tại ngân hàng đồng loạt giảm 1 đồng để đáp ứng yêu cầu về trần quy định. Cụ thể tại Vietcombank, giá USD hiện được niêm yết ở mức 25.177-25.487 đồng mua vào - bán ra. BIDV và VietinBank áp dụng lần lượt là 25.187-25.487 đồng/USD và 25.180-25.487 đồng/USD.

Trước đó, tỷ giá trung tâm đã liên tục tăng mạnh, đặc biệt là từ ngày 15/4 trở đi, cũng là ngày giá USD tăng vọt lên kịch trần. Cụ thể từ 15/4 đến 23/4, tỷ giá trung tâm đã tăng 192 đồng. Đồng thời giá bán ra USD tại các ngân hàng cũng tăng từ 25.180 đồng lên 25.488 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá 1 USD quanh mức 25.750 - 25.850 đồng mua vào - bán ra.

Nguyên nhân tỷ giá tăng cao trong thời gian gần đây, tại cuộc họp báo của NHNN ngày 19/4, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ, do chỉ số đồng USD (DXY) tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hơn 5% đã gây áp lực lớn lên đồng nội tệ của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thêm vào đó, nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp xăng dầu, sắt thép cùng với việc nhiều doanh nghiệp tăng cường mua ngoại tệ đã góp phần đẩy tỷ giá tăng mạnh. Ngoài ra, chính sách giảm lãi suất trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, khiến lãi suất VNĐ ở mức âm so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng, cũng tạo áp lực đến tỷ giá.

Đáng chú ý, sau tuyên bố của cơ quan quản lý về việc bán USD can thiệp thị trường từ ngày 19/4, tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt. Cụ thể, NHNN công bố sẵn sàng bán USD ra thị trường theo tỷ giá giao ngay cho những ngân hàng nào có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán với giá can thiệp là 25.450 đồng/USD.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định, tỷ giá chưa hạ nhiệt có thể do thời điểm hiện tại các thành viên thị trường vẫn còn đang quan sát thị trường. Bên nắm USD vẫn kỳ vọng có thể bán được giá cao hơn nên chưa đẩy mạnh bán ra USD. Tỷ giá NHNN đưa ra là 25.450 đồng/USD hiện đã thấp hơn tỷ giá tại ngân hàng thương mại 25.487 đồng/USD. “Việc bán ngoại tệ theo hướng gửi tín hiệu và thăm dò phản ứng thị trường là cần thiết, nhằm tránh hao tổn dự trữ ngoại hối. Để đánh giá hiệu quả của việc bán ngoại tệ từ cơ quan quản lý, chúng ta cần theo dõi thêm trong vài tuần tới”, ông Hùng Linh nói.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tỷ giá sẽ còn tăng tiếp từ nay đến cuối năm do đồng USD mạnh lên; căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông khiến nhà đầu tư và thị trường tìm đến USD như “kênh trú ẩn”. Ở thị trường trong nước, các kênh đầu tư chưa khởi sắc, như chứng khoán biến động mạnh, thị trường vàng vẫn “nóng”, lãi suất tiền gửi duy trì ở vùng đáy… khiến nền kinh tế chưa được vực dậy mạnh mẽ để giúp VNĐ mạnh lên.

Ông Hiếu cho rằng, giải pháp bền vững cho tỷ giá phải là kinh tế ổn định và phục hồi mạnh mẽ, niềm tin vào VNĐ tăng sẽ giúp đồng nội tệ phục hồi.

Thị trường hiện đang chờ đợi Fed công bố dữ liệu Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai - Việt Linh ([Tên nguồn])
Tỷ giá USD Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN