Giá đường tụt dốc, "đế chế" mía đường gia đình Đặng Văn Thành cũng lao đao

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngành mía đường đang đối diện với những “sóng gió” khi giá đường trên thị trường hiện giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, khiến nhiều doanh nghiệp ngành mía đường lao đao vì lợi nhuận sụt giảm, phải đóng cửa nhà máy. Thậm chí, đến đế chế mía đường hùng mạnh như gia đình Đặng Văn Thành cũng bị sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.

Giá đường tụt dốc, "đế chế" mía đường gia đình Đặng Văn Thành cũng lao đao - 1

Giá đường sụt giảm khiến nhiều DN ngành mía đường lao đao (Ảnh: IT)

Trong khi đó, đến năm 2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ chính thức được áp dụng đầy đủ sẽ khiến “sân chơi” ngành mía đường khu vực Đông Nam Á trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết khi các đối thủ chính đến từ Thái Lan đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp mía đường Việt.

Tăng sản lượng, sụt lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính quý II từ Công ty CP Mía đường Sơn La (HNX: SLS - năm tài chính của SLS bắt đầu từ 1.7 và kết thúc vào 30.6 năm sau), cho thấy sản lượng đường tiêu thụ trong quý II năm 2018 đạt 24.781 tấn, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, sản lượng tiêu thụ mật rỉ cũng tăng đột biến lên 3.984 tấn (quý II.2017 chỉ đạt 102 tấn). Qua đó, giúp doanh thu của SLS trong quý tăng trưởng 144% so với cùng kỳ, từ 100,7 tỷ đồng (quý II.2017) lên 245,6 tỷ đồng (quý II.2018).

Tính chung nửa đầu năm tài chính 2018 - 2019 (từ 1.7 đến 31.12.2018), doanh thu Mía đường Sơn La đạt 446,7 tỷ đồng, tăng đến 82% so với nửa đầu năm ngoái (đạt 245,5 tỷ đồng). Đáng nói, dù doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 36,33 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân theo lý giải của SLS là do giá đường giảm sâu. Trong khi giá mật rỉ bán ra quý II.2018 tăng nhẹ, thì giá đường lại giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước, từ mức bình quân 12.399 đồng/kg xuống còn 9.911 đồng/kg.

Giá đường giảm sâu cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty CP Đường Kon Tum (HNX: KTS). Theo báo cáo tài chính được công bố, công ty ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế (từ ngày 1.7.2018 đến 31.12.2018) là 1,7 tỷ đồng. Đây là kết quả có được khi giá đường bình quân trong 6 tháng cuối năm 2018 giảm 24,5%, từ mức 13.112 đồng/kg xuống còn 9.904 đồng/kg; còn giá mật rỉ giảm từ 2.380 đồng/kg xuống còn 1.841 đồng/kg.

Dù vậy, so với cùng kỳ năm trước thì khoản lợi nhuận 1,7 tỷ đồng này đã rất khả quan so với con số 16,1 triệu đồng trong nửa đầu năm tài chính 2017 của KTS (tăng 1,69 tỷ đồng).

Tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn (HoSE: LSS), theo giải trình của LSS gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, cho thấy tại báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận sau thuế của LSS chỉ đạt 4.09 tỷ đồng, giạm mạnh so với con số 137,7 tỷ đồng của niên độ 2016 - 2017.

Được biết, niên độ 2018 - 2019, LSS đặt kế hoạch đạt 1.600 tỷ đồng doanh thu, 95 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chia cổ tức 7%.

Giá đường tụt dốc, "đế chế" mía đường gia đình Đặng Văn Thành cũng lao đao - 2

Lợi nhuận nhiều DN mía đường sụt giảm. (Ảnh: IT)

Riêng với “ông lớn” ngành đường Việt Nam là Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa  (HoSE: SBT) của đế chế mía đường gia đình Đặng Văn Thành, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II (niên độ 2018-2019), SBT đạt 2.777 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 29% so với cùng kì năm trước. Trong đó, giá vốn và các khoản chi phí khác (chi phí tài chính, chi phí bán hàng, quản lí doanh nghiệp) đều giảm so với cùng kỳ. Riêng khoản mục đầu tư vào công ty liên kết ghi nhận lỗ 1,2 tỷ đồng, trong khi cùng kì lãi 53,3 tỷ đồng.

Kết quả, SBT của gia đình Đặng Văn Thành ghi nhận lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng trong khi cùng kỳ niên độ tài chính trước công ty mẹ lãi 167,7 tỷ đồng. Theo giải trình kết quả kinh doanh mà Thành Thành Công - Biên Hòa đưa ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến sụt giảm lợi nhuận là đơn giá bán bình quân thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, đường tồn kho vụ trước vẫn còn chuyển qua. Đây cũng là quý đầu tiên trong 10 năm qua, Thành Thành Công - Biên Hòa của gia đình Đặng Văn Thành ghi nhận kinh doanh thua lỗ.

Như vậy, lũy kế hết quý II, doanh thu thuần của SBT đạt 5.300 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kì. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ hơn 14,8 tỷ đồng, giảm 94%.

Thách thức lớn của ngành đường

Trong một cuộc trao đổi hồi cuối năm 2018, liên quan đến ngành đường Việt Nam, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho biết, có 4 yếu tố là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu thụ đường của các nhà máy tại Việt Nam gặp khó khăn. Thứ nhất, tồn kho từ các năm trước cộng dồn khiến DN chịu áp lực. Thứ hai, tình trạng đường nhập lậu số lượng lớn, giá thành rẻ tràn lan. Thứ ba, một số đối tác lớn của các nhà máy chuyển sang sử dụng đường lỏng thay đường kính, vì đường lỏng có giá tốt hơn do hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng, hiệu ứng từ ATIGA khiến nhiều đại lý kinh doanh lớn tạm dừng mua đường nội từ các nhà máy để chờ diễn biến mới.

Thế nên, để tự đứng vững trước áp lực, ngành mía đường của Thành Thành Công đã có nhiều chiến lược như: Hỗ trợ người nông dân giống tốt, từ đó nâng năng suất, trữ lượng đường, cải tiến quy trình canh tác, đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm giảm lao động thủ công, hạ giá thành… Trong đó, nổi bật là việc Thành Thành Công đứng ra hợp tác với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) để tài trợ vốn cho nông dân với điều kiện và lãi suất 9,6%/năm (Số tiền vay tối đa lên đến 3 tỷ đồng, thời gian vay cao nhất 36 tháng, tương đương 2 vụ trồng mía. Gốc và lãi được trả vào cuối vụ thu hoạch).

Tất nhiên, cách làm này của Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành không phải DN mía đường nào cũng làm được. Vì vậy, theo dự báo của nhiều chuyên gia chứng khoán, trong thời gian tới, các hoạt động mua bán, sáp nhập có thể sẽ diễn ra với nhiều doanh nghiệp ngành mía đường nếu các DN này không “đủ sức” cạnh tranh trên thị trường. Nên nhớ, thời gian qua đã có không ít các thương vụ M&A ngành mía đường gây chú ý trên thị trường, như: TH Truemilk đầu tư vào Mía đường Nghệ An, Mía đường Biên Hòa về chung một nhà với Mía đường Thành Thành Công; Nhà máy đường Khánh Hòa về với Vinamilk…

Được biết, trước tình hình tiếp tục khó khăn của ngành đường trong niên vụ 2018 - 2019, một số DN ngành mía đường đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đã có kế hoạch kinh doanh khá thận trọng, thậm chí điều chỉnh lợi nhuận giảm so với niên vụ trước.

Chẳng hạn, tại Mía đường Sơn La (SLS), DN này đề ra kế hoạch doanh thu 900 tỷ đồng, tăng 50%, nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến hơn 20 tỷ đồng, tương đương 17% niên độ trước. Tương tự, Đường Kon Tum (KTS) cũng dự kiến doanh thu đạt 763 tỷ đồng, tăng 50%, nhưng lợi nhuận dự kiến 6,64 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với niên vụ trước.

Theo báo cáo phân tích ngành đường của Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS), biên lợi nhuận hoạt động (tỷ lệ lợi nhuận trước thuế và lãi vay trên doanh thu) của các công ty đường Việt Nam đều thấp hơn so với các doanh nghiệp Thái Lan.

Cụ thể, các doanh nghiệp mía đường hàng đầu của Việt Nam là Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Công ty CP Đường Biên Hòa và Công ty CP Mía đường Lam Sơn đều có biên lợi nhuận quanh mức 6 - 9%. Trong khi đó, 3 công ty sản xuất đường hàng đầu Thái Lan là Buriram Sugar PCL, KTIS Group và MitrPhol Sugar Corporation đều có biên lợi nhuận hoạt động dao động ở mức từ 13 - 17%, cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp Việt Nam.

Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Thái Lan có nhiều dư địa hơn doanh nghiệp Việt trong việc cạnh tranh, giảm giá bán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN