Giá đất TP.HCM "sốt" đột biến trong năm 2019?
Thị trường bất động sản trên địa bàn TP.HCM đã sôi động trở lại bất chấp cơn sốt đất từng diễn ra trước đó.
Theo báo cáo thị trường mới nhất vừa được CBRE Việt Nam công bố, trong quý II-2018 thị trường bất động sản TP.HCM đón nhận tổng cộng 9.580 căn chào bán mới từ 31 dự án, tăng 80% so với quý trước. Trong đó, sản phẩm căn hộ thuộc phân khúc trung cấp chiếm thị phần lớn nhất trong tổng nguồn cung mới, lên tới 56%.
Giá đất TP.HCM được dự báo tiếp tục đi lên trong năm 2019.
Xét theo vị trí, dự án ở khu vực phía Đông thành phố đang là khu vực sôi động nhất, chiếm 36% nguồn cung chào bán mới.
Theo CBRE, trong quý II tổng số căn hộ giao dịch thành công đạt 9.522 căn, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc trung cấp tiếp tục dẫn đầu thị trường với 4.862 căn bán được, chiếm 51% tổng lượng tiêu thụ. Các dự án chào bán mới trong quý ghi nhận 5.765 căn bán được, chiếm hơn 60% tổng lượng tiêu thụ.
Các khu nhà phố, nhà thương mại có vị trí tốt có thể tăng lên đến 30% giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, từ quý III và IV/2018, nguồn cung sản phẩm trên toàn thành phố bị thiếu hụt do chỉ ưu tiên triển khai các dự án dang dở nên hiện tượng các doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tìm về các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương hay xa hơn là Vũng Tàu, Bình Thuận tăng cao.
Không chỉ vậy, mức giá chào thuê mặt bằng tiếp tục leo thang. Hiện giá thuê trung tâm thương mại vị trí "vàng" tại quận 1 chạm ngưỡng 137 USD mỗi m2 một tháng, tăng 7% so với cùng kỳ và tăng 15%-20% so với ba năm trước.
Tốc độ tăng giá này được đánh giá là khả quan so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, tại khu vực quận 2 và quận Gò Vấp, giá cho những sản phẩm ở phân khúc nhà phố, nhà thương mại có vị trí tốt có thể tăng đến 30%.
Ước tính trung bình phân khúc căn hộ tăng ít nhất 10%, đất nền tăng 15-20%, nhà phố tăng 12-15% trong vòng 12 tháng qua.
Nguyên nhân của việc tăng giá nhà đất không ngừng được cho là đến từ việc mỗi năm, Sài Gòn tăng hơn 300.000 người. Chính nguồn lực to lớn này đã tạo một áp lực lớn về nhu cầu nhà ở cho người dân tại thành phố.
Nếu không có sự điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước, ước mơ an cư với người dân vẫn còn xa vời vì "lương không đủ mua nhà".
Thứ hai, thói quen cất "găm" bất động sản chính là một trong những nguyên nhân quan trọng lý giải nguồn cơn của những đợt sốt đất từng diễn ra trong các năm vừa qua.
Khi đất đai được xem là hàng hóa, "người tiêu dùng" sẵn sàng tham gia vào "cuộc đua kỳ thú" đầu cơ tích trữ đất. Và điều này đã kéo giá đất tăng vọt khó quay đầu về mức giá ban đầu trong những năm gần đây.
Thứ ba, dân số Việt Nam có xu hướng giàu lên nhanh chóng. Theo Knight Frank, số lượng triệu phú với khối tài sản từ một triệu USD của Việt Nam được dự đoán tăng từ 14.300 năm 2016 lên 38.600 vào năm 2026.
Điều này làm phát sinh nhu cầu lớn với bất động sản siêu sang "ngự" tại các vị trí đắc địa. Những khối bất động sản này vốn đã rất đắt đỏ nay sẽ ngày lên giá chóng mặt.
Tốc độ tăng giá đất hiện diễn ra nhanh chóng, thường xuyên và liên tục đang ẩn chứa rất nhiều mối lo cho toàn thị trường.
Thị trường tăng nóng khiến nhiều người đến các ngân hàng để vay vốn đầu tư vào "miếng mồi" bất động sản. Đương nhiên đi kèm theo đó là các rủi ro và nguy cơ mất trắng nếu không gặp thời và không có sự khôn ngoan.