Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ
Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 2

Có thể thấy, chỉ trong khoảng 3 tháng đầu năm thị trường BĐS đã xuất hiện hàng chục điểm nóng “hút” các nhà đầu tư rót tiền, như: Đan Phượng, Hoà Lạc, Thanh Trì, Đông Anh (Hà Nội), Thủy Nguyên (Hải Phòng), Từ Sơn (Bắc Ninh), Hớn Quảng (Bình Phước), Gia Viễn (Ninh Bình), Việt Yên, Yên Dũng (Bắc Giang),...

Tại Gia Viễn (Ninh Bình), gần trung tâm hành chính mới của huyện thời điểm tháng 3 năm ngoái, đất tại đây có giá từ 400 - 600 triệu/lô khoảng hơn 100m2, đến trước Tết âm lịch tăng lên 600 - 700 triệu/lô, nhưng những ngày qua, giá tăng vọt theo ngày. Một số lô đất tăng 100 - 200 triệu/lô sau một đêm, lên ngưỡng 800 triệu/lô. Đất gần khu hành chính huyện nhiều lô hiện có giá 1 - 1,3 tỷ đồng...

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 3

Tương tự, “ăn theo” lời đồn dự án cụm công nghiệp khiến giá đất nền tại nhiều dự án ở Bắc Giang tăng chóng mặt, có nơi tăng gấp đôi, gấp ba chỉ trong một tháng.

Khảo sát khu vực huyện Lục Nam, huyện Yên Dũng, huyện Việt Yên trong những ngày qua cho thấy giá đất đồng loạt tăng chóng mặt, có nơi tăng gấp đôi, gấp ba chỉ trong một tháng. Hiện giá đất nền thuộc địa bàn trên đang được chào bán với mức 20 - 30 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi lên tới 50 triệu đồng/m2. Trong khi giá trước đó chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2.

Theo thông tin từ sàn giao dịch tại Từ Sơn (Bắc Ninh), giá đất nền trong các khu đô thị cũng tăng vọt ngay từ đầu năm 2021. Một lô đất nội khu 80m2 có giá 1,65 tỷ đồng thời điểm tháng 11-2020, đến tháng 2-2021 đã có người trả giá hơn 2 tỷ đồng. Nhiều lô đẹp hơn thuộc giai đoạn 2 của dự án tăng giá từ 2,3 tỷ đồng lên 2,55 tỷ đồng sau một thời gian ngắn. Nhân viên môi giới cho biết, giá vẫn đang lên từng ngày.

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 4

Tại Hà Nội, ở các quận huyện Đông Anh, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng..., giá đất cũng tăng đột biến. Đặc biệt, tại xã Xuân Canh, xã Hải Bối (Đông Anh), trước thông tin Hà Nội sắp công bố Quy hoạch sông Hồng, ngay lập tức giá đất đồng loạt tăng gấp đôi, gấp ba lần, từ 20 triệu đồng/m2 nay có nơi lên hơn 70 triệu đồng/m2… chỉ sau một tuần.

Chính vì đất nền đang là tâm điểm đầu tư của nhiều người, nên chớp cơ hội thị trường nóng sốt, nhiều người dù không có chuyên môn cũng “tay ngang” trở thành môi giới BĐS.

Anh Nguyễn Minh Phong, một nhân viên văn phòng ở khu vực thị trấn Đông Anh lập tức có thêm "nghề tay trái" là môi giới bất động sản. Hàng ngày chứng kiến từng tốp người lạ rì rầm bàn chuyện đất tăng giá, tranh thủ những cuộc nói chuyện tại quán trà đá, anh Phong rủ thêm hai người bạn trong xã thu thập thông tin về những miếng đất cần bán và chia sẻ tới bạn bè, người thân đang có nhu cầu mua đất.

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 5

"10 cuộc nói chuyện ở quán trà đá bây giờ thì đến 8 cuộc là nói về đất. Đất nơi nào đang "hot", giá bao nhiêu, hôm nay chốt được mấy lô,… ", anh Phong cho biết.

Chị Hải (nhân viên bán bảo hiểm) là người dân trên địa bàn huyện Đông Anh cũng là một môi giới BĐS “bất đắc dĩ”. Chị Hải cho biết, từ sau tết đến nay chị liên tục nhận được các cuộc điện thoại từ bạn bè, khách hàng hỏi và nhờ tư vấn mua đất nền tại địa phương chị.

“Lúc đầu mình kết nối giúp mọi người, sau thấy quá nhiều người quan tâm, nên tôi chủ động tìm kiếm và tham gia vào công việc môi giới bất động sản” – chị Hải nói.

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 6

Với mối quan hệ sẵn có từ công việc cũ, chị Hải nhanh chóng tiếp cận được nhiều chủ đất thuộc khu vực đang sinh sống sau đó chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội và các trang mua bán nhà đất để tìm kiếm khách hàng.

Với những lợi thế là người dân địa phương và sẵn mối quan hệ từ khách mua bảo hiểm, chỉ trong 2 tuần gần đây chị Hải đã môi giới thành công 5 lô đất, thu về gần 100 triệu đồng tiền hoa hồng.

"Một lô đất đẹp thì chỉ đăng 1-2 ngày là có khách, hoa hồng thông thường là 1%/giá trị lô đất hoặc người quen thì tôi lấy 10 -15 triệu đồng/lô, thu nhập cao hơn nhiều việc tư vấn bảo hiểm thông thường", chị Hải chia sẻ thêm.

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 7

Cùng với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, ngoại tệ, gửi tiết kiệm thì BĐS từ lâu đã trở thành một trong những kênh đầu tư được nhiều người có tiền nhàn rỗi lựa chọn. Và đã có không ít nhà đầu tư thu lời lớn từ những lần xuống tiền của mình.

Anh Nguyễn Công Sử một 9X tại Bắc Ninh chia sẻ, cuối năm 2020 khi biết được thông tin đất nhiều khu vực tại Bắc Ninh lên cơn sốt đã nhanh tay vay mượn 150 triệu đồng để xuống tiền cọc 3 lô đất thổ cư. Và chỉ sau quãng thời gian chưa đầy 2 tuần, nhà đầu tư trẻ này đã thu lời khoản lợi nhuận 150 triệu đồng từ 3 lô đất đã đặt cọc.

Dù nhân đôi tài khoản trong một thời gian gắn nhưng chàng trai 9X này vẫn có phần tiếc nuối khi bán non khoản đầu tư của mình bởi giá đất trong khu vực anh đã bán trước đây đã tăng mạnh từ 500 triệu đồng/lô lên 800 đến 900 triệu đồng/lô.

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 8

Ở phía Nam, chị Phương Trinh – một nhà đầu tư tại TP HCM chia sẻ kể từ khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát từ cuối năm 2020, chị và những người bạn của mình đã miệt mài gom đất tại nhiều tỉnh thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng,...

Từ sau Tết nguyên đán 2021 đến nay lượng khách hàng nhờ chị tìm mua đất tăng mạnh, có những ngày phải đến 11 giờ đêm chị mới về đến nhà để nghỉ ngơi do bận dẫn khách hàng đi xem đất tại các tỉnh. Trong đó, nhiều người bạn, khách hàng của chị đã xuống tiền đặt cọc mua đất chỉ sau lần đầu tiên được giới thiệu về khu vực đó.

Bà mẹ 8X này cũng cho biết khối tài sản hàng chục tỉ đồng đang có trong tay hiện nay có được cũng nhờ hơn chục năm lăn lộn với đầu tư vào lĩnh vực BĐS trong đó có đất nền.

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 9

Là một người có kinh nghiệm nhiều năm đầu tư trong lĩnh vực BĐS, chị chia sẻ bản thân không bao giờ đầu tư vào những khu vực mà giá đất đang tăng nóng. Thay vào đó, chị dành thời gian để tìm hiểu những nơi tiềm năng thực sự để mua và chờ đợi khi khu vực này phát triển rồi mới bán.

Chị cho rằng đầu tư BĐS là một khoản đầu tư trung và dài hạn, do đó nhà đầu tư phải xác định giữ đất lâu dài tầm 2 năm trở lên. Đừng kì vọng tăng nhanh rồi lại vỡ kế hoạch.

Quả thật, đầu tư BĐS không phải ai làm cũng có duyên thu lời bạc tỷ. Chị Phạm Minh Thu (Minh Khai, Hà Nội) là người có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS nhưng hơn 10 năm qua chị hoàn toàn “ngậm đắng” với khoản tiền hơn 1 tỷ đồng đầu tư đất nền chỉ để nuôi cỏ.

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 10

“Chạy theo cơn sốt đất khu vực ven Hà Nội năm 2010, lúc đó một số đồng nghiệp đầu tư đất Hòa Lạc, còn tôi rót tiền đầu tư một lô tại Khu đô thị Mê Linh. Tuy nhiên, do nằm trong diện điều chỉnh quy hoạch của thành phố nên đến nay sau hơn chục năm hàng nghìn ha đất nơi tôi đầu tư vẫn trong tình trạng nuôi cỏ. Xây không được xây mà bán cũng không ai mua. Đầu tư đón sóng thì phải chấp nhận, có thể ngày hôm sau bạn đổi đời nhưng cũng có thể tán gia bại sản” – chị Thu buồn rầu chia sẻ.

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 11

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), sốt đất là hiện tượng giá đất tăng với một tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn. Những cơn sốt đất dễ trở thành sốt ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng, đồn thổi.

Lý giải về hiện tượng sốt đất ở nhiều nơi trên cả nước kể từ đầu năm 2021 đến nay, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng có nhiều lý do dẫn đến sốt đất nhưng đơn giản nhất là hiện tại người dân không có quá nhiều kênh để chọn lựa đầu tư khi lãi suất ngân hàng xuống thấp. Chứng khoán quá rủi ro và đòi hỏi kiến thức; còn vàng, ngoại hối hay các đồng tiền số cũng không dễ dàng đầu tư nên chỉ còn BĐS là kênh chọn lựa truyền thống, an toàn; đặc biệt với đất có sổ, đất vùng ven giá còn thấp, diện tích rộng càng thu hút người dân mua để dành.

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 12

Tuy nhiên, theo ông Khương không phải ai cũng có thông tin chính xác về quy hoạch, biết rõ về thời gian, quy định pháp lý đất đai mới dẫn đến việc mua theo tin đồn, làm cho tình trạng sốt ảo nổi lên.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam thì chỉ rõ chính đầu tư lướt sóng theo đám đông là nguyên nhân gây ra những cơn sốt ảo, đẩy giá nhà đất tăng nhanh so với giá trị thật, làm thị trường hỗn loạn.

Theo ông Đính, lĩnh vực BĐS vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh do dịch bệnh, nhiều ngành đầu tư khó hiệu quả, lãi suất ngân hàng giảm sâu nên nhiều nhà đầu tư, người dân chọn đất đai để "xuống tiền". "Nhu cầu đầu tư tăng trong khi lượng hàng khan hiếm khiến giá đất tăng mạnh. Đồng thời, xuất hiện nhiều hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật" - ông Đính lý giải.

Tuy nhiên, theo vị này, ở nhiều địa phương, lợi dụng nhu cầu đầu tư có thật của người dân, đã xuất hiện những thông tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án.

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 13

Thông tin với báo chí mới đây, đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận có tình trạng giá đất sốt ở một số địa phương trong một số thời điểm. Bộ cho biết, đã đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, trục lợi; triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường BĐS...

Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, để cắt cơn “sốt đất”, “thổi giá” như hiện nay thì Hà Nội và TPHCM phải đặt việc cắt sốt đất là nhiệm vụ trọng tâm để cơn sốt đất này không lan ra toàn thị trường. Các cơn sốt đất ở các địa phương khác chỉ còn mang tính thời điểm và cục bộ.

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 14

Tại mỗi địa phương, việc cắt sốt đất có thể thực hiện bằng 3 việc, bao gồm: Tạm dừng việc cho chuyển mục đích sử dụng đất vì quy hoạch kỳ tới chưa được phê duyệt; giải tán các “chợ cóc” bất động sản do giới “cò nhà đất” lập ra; đề nghị báo chí vào cuộc để đăng tải những thông tin chính xác về tình trạng quy hoạch, những rủi ro gặp phải… nhằm không để hình thành hiệu ứng đám đông.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạm thời không cung cấp tín dụng cho kinh doanh bất động sản, nhằm ngăn chặn tình trạng “nổ” bong bóng bất động sản gây ra khủng hoảng tài chính.

Trước tình trạng giá đất nền tăng chóng mặt, có nơi tăng gấp đôi, gấp ba chỉ trong một tháng, UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh),… cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan và cảnh báo người dân trước thực trạng này.

Giá đất "tăng như lên đồng": Xuống tiền là thành tỷ phú? - 15
 

Bài viết: Hồng Hương, Trung Kiên

Thực hiện: Nãm Trung Nguyên

Thứ Hai, ngày 05/04/2021 13:30 PM (GMT+7)
Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN