Gặp người phụ nữ chuyên làm đẹp cho người chết ở Việt Nam
Từ một thợ trang điểm chuyên nghiệp cho người sống, chị Phương Loan bỗng chuyển sang trang điểm cho người mất khiến chị đối diện với nhiều ánh mắt e dè.
Nghề trang điểm cho người đã mất thường không thu hút đối với nữ giới, nhất là đối với những người trẻ nhưng chị Đinh Thị Phương Loan, sinh năm 1988, quê Phú Thọ là một ngoại lệ. Hiện tại chị Loan sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Chị Loan vốn là một thợ trang điểm (make-up) chuyên nghiệp. Có một lần, bạn thân của chị Loan tâm sự rằng chị gái của người bạn này mất, muốn tìm một người thợ trang điểm chuyên nghiệp để làm đẹp cho người chị ấy trước khi về cõi vĩnh hằng mà không có. Chị Loan trăn trở cả đêm hôm ấy, nhen nhóm ý muốn mang đến dung nhan tươi tắn nhất cho người mất trước khi đưa họ về miền Tây phương cực lạc.
Chị Phương Loan, người làm nghề make-up chuyên nghiệp cho tử thi
Sau hai tuần suy nghĩ và nói chuyện với một số người làm ở nhà tang lễ, chị Loan quyết định chuyển công việc từ trang điểm cho người sống sang dịch vụ làm đẹp người người mất. Quyết định của chị khiến người kinh ngạc, người phản đối, người ủng hộ.
“Mang tâm sự nói với bố mẹ, bố mẹ có khuyên con gái không nên làm nhưng tâm sự với người bác ruột, bác ấy lại rất ủng hộ. Nhưng trong thâm tâm mình đã rất quyết tâm chuyển rồi vì trong lòng cứ thôi thúc, nếu không làm cứ day dứt.” chị Loan chia sẻ.
Bộ cốp trang điểm đầy đủ giống như dành cho người sống
Quyết định thay đổi, chị Loan lên mạng tìm hiểu thấy ở Việt Nam không có dịch vụ làm đẹp chuyên nghiệp cho người mất, chỉ có một số nam giới làm ở những nhà tang lễ lớn nhưng họ chỉ làm phớt qua chứ chưa chuyên nghiệp. Bên nước ngoài cũng rất ít, chỉ có Đài Loan có những khóa đào tạo chuyên sâu làm đẹp cho tử thi.
Các công đoạn, thao tác thực hiện giống như khi trang điểm cho người sống
Tô son môi
Gắn mi giả
Sau một thời gian dài làm công việc này ở Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên ( Hoà Bình), đến nay chị Loan đã làm đẹp cho hằng trăm người đã mất. Công việc mới đầu cũng khá khó khăn nhưng với tinh thần “thép” và lòng yêu nghề bằng cái tâm chị đã hoàn thành khá tốt công việc mình đã chọn.
“Trước khi làm công việc này mình phải tìm hiểu, học hỏi các nghi lễ cũng như những điều cấm kỵ của người Việt đối với người mất. Ví như, đối với người mất mình không được lật người hay quay đầu họ cũng như không được đặt tay lên ngực người mất mà phải lựa tay cho khéo trước sự chứng kiến của gia đình họ”, chị Loan cho biết.
Các công đoạn đều rất chỉn chu
Trang điểm xong, chị Loan và phụ việc làm các thủ tục xin phép người đã mất trước khi ra về
Chia sẻ về công việc trang điểm tử thi của mình, chị Loan nói: “Mới đầu cũng buồn vì chứng kiến cảnh người mất, tang gia bối rối nhưng khi làm xong trong lòng thấy vui vì đem lại một dung nhan đẹp nhất khi họ về thế giới bên kia cũng như làm hài lòng người thân của họ bằng đôi tay này”.
Theo chị Loan, khó nhất khi make-up cho người mất là da của họ rất tái và khô, khi làm phải lựa chọn dòng mỹ phẩm sao cho phù hợp với từng người, từng lứa tuổi.
Trước khi nhận tin đi làm, chị Loan thường đến trước 2h để chuẩn bị, cốp đồ trang điểm đầy đủ để phục vụ một cách chuyên nghiệp nhất.
“Mỗi gia đình có một yêu cầu các gói khác nhau, gói cơ bản là dùng lại mỹ phẩm nhưng bộ cọ dùng mới, gói cao hơn là dùng hoàn toàn đồ mới, dùng xong gửi lại cho gia đình người mất. Toàn bộ mỹ phẩm đều của các hãng nổi tiếng, các gói dao động từ 3-6 triệu đồng”, chị Loan nói.
Là phụ nữ, cái khó khăn nhất đối với chị khi làm nghề này là đối mặt với dư luận. Bạn bè thỉnh thoảng hỏi giờ làm gì, chị cũng nói thật là làm nghề trang điểm cho tử thi khiến nhiều người có ánh mắt e dè.
Chuyển nghề từ trang điểm cho người sống sang trang điểm cho người mất khiến công việc của chị Loan đỡ phải cạnh tranh nhiều cũng như mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Không chỉ đem lại mức thu nhập cao, nghề nghiệp này còn gắn liền với 1 nét văn hóa đặc thù ở Nhật Bản.