Gặp khó mùa dịch, nhà sản xuất bánh Trung thu đẩy mạnh bán online
Còn nửa tháng nữa là Rằm tháng Tám, tuy nhiên vì dịch bệnh, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội nên thị trường bánh trung thu có phần ảm đạm.
Thông thường, cứ đến khoảng thời gian này, đường phố lại trở nên nhộn nhịp, huyên náo và màu sắc hơn bởi sự xuất hiện của những quầy hàng bánh Trung thu của các thương hiệu nổi tiếng như Hải Hà, Kinh Đô,… Song, vì dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng nên dường như không khí mua sắm những ngày cận kề Tết Trung thu 2021 không còn nhộn nhịp như trước.
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở than thở
Hiện tại, đã có một số thương hiệu như ABC Bakery, Kido đưa ra thông báo tạm ngừng sản xuất bánh trong mùa trung thu năm nay.
“Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhân viên tại xưởng sản xuất thiếu hụt do phải đi cách ly hoặc sống trong khu vực phong tỏa, một số cửa hàng bánh tạm đóng nên công ty tạm ngừng sản xuất sản phẩm bánh theo mùa vụ này trong năm nay” – ông Kao Siêu Lực, chủ hệ thống ABC Bakery cho biết.
Bên cạnh đó, trao đổi với báo Tiền Phong, Công ty TNHH Đại Phát – một trong số ít doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu còn trụ lại cho biết, đơn vị vẫn đang nỗ lực làm, mang đến những chiếc bánh trung thu chất lượng cho người tiêu dùng.
“Đây không chỉ là món quà truyền thống mỗi mùa trung thu, mà còn là món quà tinh thần đến mọi người như một lời chúc bình an, vững vàng vượt qua mọi khó khăn”, công ty này chia sẻ.
Năm nay, đường phố đã vắng bóng quầy bán bánh Trung thu.
Tuy nhiên, không giống như mọi năm, Đại Phát dù vẫn cố gắng duy trì nhưng chủng loại đã không còn đa dạng như trước. Hiện tại, công ty chỉ cho ra thị trường 22 loại sản phẩm thay vì 40 loại.
Tương tự, thương hiệu bánh Như Lan cũng đã giảm 50% số lượng bánh so với mọi năm, tạm ngừng đưa ra thị trường loại bánh có trọng lượng 200gr và 250gr.
Không chỉ bánh Trung thu truyền thống “ảm đạm”, bánh Trung thu handmade của các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu hụt nguyên vật liệu, trứng tăng giá, quá trình di chuyển,….
Chị Thu Thảo – chủ một cửa hàng bánh Trung thu handmade tại Hà Nội chia sẻ, phần lớn khách hàng của chị là các khối doanh nghiệp, tổ chức và trường học. Những năm trước, các đơn vị này thường đặt bánh Trung thu handmade từ sớm, cách rằm ít nhất 1,5-2 tháng. Nhưng năm nay, lượng đơn đặt bánh từ nhóm khách hàng này hầu như không còn.
Không những vậy, vì tình hình dịch Covid-19 phức tạp, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, đặc biệt khi bánh Trung thu không phải loại thực phẩm thiết yếu. Do vậy, những khách hàng từng mua bánh Trung thu handmade làm quà biếu giờ không mua hay mua chỉ mua số lượng ít, đủ phục vụ các thành viên trong gia đình.
Bánh Trung thu handmade cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Đại Đoàn Kết.
Theo thông tin trên Zing News, hầu hết chủ cơ sở kinh doanh bánh Trung thu handmade đều chịu chi phí nguyên vật liệu tăng gấp 1,5 lần so với năm ngoái. Do đó, "bánh thành phẩm buộc tăng giá nhưng chỉ dám tăng nhẹ để giữ chân khách hàng”, anh Đạt - một người bán bánh Trung thu handmade chia sẻ.
Ngay cả khâu vận chuyển - bước cuối cùng trong quy trình kinh doanh bánh Trung thu handmade vẫn tồn tại nhiều khó khăn khi phí giao hàng nội thành tăng 1,5-2 lần so với trước dịch. Một số cơ sở kinh doanh thậm chí phải chịu 50% phí vận chuyển để khách hàng dễ dàng mua sắm.
Thị trường hàng “online” sôi động
Không khuất phục trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, các thương hiệu bánh Trung thu đã lựa chọn phương án bán hàng online, đưa hàng trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng; hỗ trợ khách hàng tốt nhất trong việc mua hàng và tiếp cận với sản phẩm.
Các kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki cũng như các ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, và Baemin... đều tham gia nhiệt tình vào thị trường bánh Trung thu năm nay. Khi mua bánh online trên các sàn thương mại điện tử người mua sẽ được hưởng ưu đãi từ 5 - 10% về giá. Nhiều doanh nghiệp tung ra các combo hộp bánh Trung thu 2021, giá bán dao động khoảng 100.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng.
Đáng chú hơn, các nhà sản xuất không chỉ đơn thuần đầu tư vào chất lượng, hương vị mà còn kèm theo hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn để mang Tết đoàn viên đến với từng gia đình người Việt.
Bánh Trung thu của khách sạn Hà Nội Daewoo năm nay gây ấn tượng bằng những họa tiết cách điệu sang trọng. Những hộp bánh khách sạn Hà Nội Daewoo được lấy cảm hứng từ những bông cúc họa mi trắng, gồm 6 bánh nướng các vị và 2 hộp trà Ô Long hảo hạng hoặc chai rượu vang có giá từ 1,1 triệu trở lên tùy từng hộp kèm rượu loại nào. Thiết kế hộp cũng bắt mắt.
Năm nay, khách sạn JW Marriott Hà Nội giới thiệu hộp bánh trung thu lấy cảm hứng từ năm Tân Sửu với hình tượng con trâu biểu tượng của làng quê Việt, được in dập trên Giấy Dó, cùng hình ảnh cá chép và hoa cúc đại đóa hòa. Trong hộp bánh còn có những món quà tặng kèm như trà cổ truyền hay đồ uống ngọt ngào và các khuyến mại như: Chiết khấu ưu đãi hấp dẫn khi mua từ 100 hộp trở lên, giảm 15% cho các đơn hàng đặt trước ngày 1/9/2021.
Các loại bánh Trung thu được rao bán nhộn nhịp trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Báo Dân Tộc.
Tuy nhiên, TTXVN cũng đưa ra những lưu ý cho người tiêu dùng. Để đảm bảo sức khỏe cho mọi người, nhất là tình hình phức tạp dịch bệnh như hiện nay, các chuyên gia về an toàn thực phẩm khuyến cáo, dù mua sản phẩm ở đâu, sản phẩm nào theo hình thức nào khách hàng cần chú ý sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...
Sản phẩm cũng phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Người tiêu dùng cũng cần sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm, tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Nguồn: [Link nguồn]
"Ông trùm" trong ngành bất động sản Trung Quốc Evergrande mới đây đã tự đưa ra lời cảnh báo về khả năng vỡ nợ...