Gánh nặng mặt bằng "đè" doanh nghiệp bán lẻ
Chiếm khoảng 70% tổng chi phí vận hành, gánh nặng mặt bằng khiến nhiều DN bán lẻ lao đao trong bối cảnh phải đóng cửa vì cách ly xã hội...
Không gồng gánh nổi chi phí, nhiều cửa hàng Vua Nệm phải gửi văn bản xin chủ cho thuê miễn phí mặt bằng trong tháng
Mặt bằng chiếm 70% chi phí vận hành
Công ty CP Vua Nệm, chủ sở hữu thương hiệu Vua Nệm hiện có gần 60 điểm bán trên toàn quốc. Trong điều kiện kinh doanh bình thường, đây là lợi thế cạnh tranh, giúp phân phối sản phẩm nhanh hơn vì gần với khách hàng. Thế nhưng, những ngày xảy ra dịch Covid-19, lợi thế trên lại trở thành gánh nặng.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, đến nay doanh nghiệp đã phải đóng 50% cửa hàng, tập trung ở các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc. Doanh thu toàn hệ thống giảm từ 60 - 70%, song doanh nghiệp vẫn phải chi trả 100% lương cơ bản và lương doanh thu cho nhân viên bán hàng ở cả các cửa hàng và trực tuyến.
Tuy nhiên, không đủ sức gồng gánh, Vua Nệm phải gửi văn bản xin miễn phí thuê mặt bằng tháng 4/2020 do tạm đóng cửa theo Chỉ thị số 16 và xin giảm giá từ 30 - 50% các tháng 5, 6 vì hợp đồng thuê thường có thời hạn từ 60 - 96 tháng. Thế nhưng, nhiều chủ nhà không đồng thuận hoặc đưa ra nhiều điều kiện khó khăn...
Sở hữu hơn 200 điểm bán lẻ trên toàn quốc, Tổng giám đốc một thương hiệu điện máy chia sẻ, tùy theo vị trí, mỗi siêu thị sở hữu mặt bằng từ 350 - 2.000m2. Diện tích rộng tập trung ở các thành phố lớn, giá thuê cao. Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, gần như tất cả các cửa hàng phải đóng cửa, doanh thu giảm 70% nhưng vẫn phải duy trì 60 tỷ đồng tiền vận hành mỗi tháng.
Theo ông Đặng Quốc Anh, Tổng giám đốc MHA, chủ sở chuỗi cửa hàng thời trang Seven.am, công thức tính chung cho hầu hết doanh nghiệp bán lẻ là tiền thuê mặt bằng chiếm 70% chi phí vận hành một cửa hàng. Ông Quốc Anh chia sẻ, công ty đã đề đạt việc giảm tiền thuê mặt bằng nhưng rất ít chủ nhà chấp thuận. Một số nhà giảm thì cũng bèo bọt, từ 10 - 15% giá cho thuê. Khi được hỏi về chiến lược phát triển hệ thống sau dịch, ông Quốc Anh buồn bã: “Hiện nay, chỉ mong sống sót qua dịch, chưa dám nghĩ đến sau dịch”.
Đây cũng là tình cảnh chung của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ thời gian qua. Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, rất nhiều thương hiệu lớn đã gửi thư đề nghị chủ thuê hỗ trợ tiền nhà như: Thương hiệu nội thất Baya của Công ty TNHH SXTM & DV Anh Nguyên; Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động, đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh; Thương hiệu vàng bạc đá quý PNJ của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận hay chuỗi cửa hàng cầm đồ F88 của Công ty Cổ phần Kinh Doanh F88…
Giảm giá: phụ thuộc vào lòng hảo tâm!
Trao đổi với Báo Giao thông dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Hà Nội, kiêm Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS trần tình, việc thuê mặt bằng là thỏa thuận dân sự, đúng quy định của pháp luật.
Kết quả nghiên cứu thị trường của Tập đoàn CBRE cho thấy, do ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh thu bán lẻ của ngành hàng dịch vụ lưu trú ăn uống và lữ hành quý I/2020 của TP HCM giảm lần lượt 9,6 và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các trung tâm thương mại, khách đến mua sắm giảm xấp xỉ 80% vào những ngày cuối tháng 3. |
Ghi nhận hiện nay, nhiều doanh nghiệp đi thuê đề nghị miễn hoặc giảm từ 30 - 50% tiền thuê. Việc này cũng khó vì trên thực tế, những nhà đầu tư cho thuê mặt bằng cũng đang phải gồng gánh các chi phí như trả lãi vay, tiền vay ngân hàng hàng tháng. Trong khi đó, chính bản thân họ cũng chưa nhận được sự hỗ trợ nào.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Dịch Covid-19 được coi là một sự kiện bất khả kháng; Vì thế, có thể áp dụng thực hiện điều khoản này nếu có trong hợp đồng.
Tuy nhiên cần phải hiểu rõ, sự kiện bất khả kháng không phải là một trong những yếu tố được luật quy định để các bên có thể đơn phương chấm dứt, sửa đổi (giảm giá thuê) hợp đồng một cách hợp pháp.
Trừ khi trong hợp đồng có thỏa thuận chi tiết điều này. Theo luật sư Tùng, việc thuê mặt là sự thỏa thuận giữa các bên theo quy định của pháp luật. Các bên thỏa thuận về quyền lợi, nghĩa vụ, phương thức thanh toán, giá thuê…
“Vì thế, trong tình cảnh dịch bệnh như hiện nay, tuy rằng khó khăn đặt ra cho những người đi thuê mặt bằng để kinh doanh nhưng việc có miễn giảm tiền thuê mặt bằng hay không phụ thuộc vào thỏa thuận trong các điều khoản đã ký hoặc thương lượng”, luật sư Tùng nói.
Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc điều hành Công ty Luật My Way làm rõ thêm, pháp luật hiện nay đưa ra khái niệm “sự kiện bất khả kháng” bằng các định nghĩa, do đó, nó mang tính khái quát nhưng thiếu tính cụ thể. Trong thực tiễn áp dụng, các bên thường xuyên tranh chấp liên quan đến việc xác định trường hợp được xem là bất khả kháng. Chính vì điều này nên khi soạn thảo hợp đồng các bên cần có điều khoản chi tiết về “sự kiện bất khả kháng” và nghĩa vụ thông báo của bên vi phạm do sự kiện bất khả kháng.
May mắn vì được nhiều chủ nhà miễn giảm từ 50 - 100% tiền thuê vì phải tạm dừng hoạt động nhiều tháng, Chị Thanh Tuyền, chủ hệ thống hơn 20 trường mẫu giáo Blue Sky chia sẻ: “Thời điểm này, trả mặt bằng và đòi lại tiền đặt cọc phần lớn dựa vào “lòng hảo tâm” của bên cho thuê chứ cãi lý sẽ mất nhiều thời gian có khi dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, giá mặt bằng trong 2 - 3 năm qua đã bị đẩy lên rất cao, tạo ra áp lực chi phí rất lớn. Không phải đến đợt dịch bệnh vừa qua mà trước đó, người thuê mặt bằng đã mệt mỏi vì giá thuê nhà, phải cạnh tranh gay gắt với những đơn vị bán hàng online.
Đợt dịch bệnh này sẽ tạo áp lực lên người sở hữu mặt bằng vì khó tìm được người thuê trong những tháng tiếp theo. “Vì vậy, giảm giá thuê từ 10 - 50% với khách hàng hiện tại là hành động đem lại lợi ích cho cả hai phía, vừa giúp mình, vừa giúp người”, ông Hiển nói.
Đây là thứ đặc biệt hữu dụng và cần thiết đối với dân văn phòng.
Nguồn: [Link nguồn]