Gang thép Thái Nguyên: Nợ như chúa chổm, “đống sắt vụn” 5.000 tỷ đóng băng

Tổng nợ phải trả của Tisco đến hết Quý 1/2019 là 8.570 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là 1.879 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ ở mức 4,6 lần, cho thấy rủi ro cân đối tài chính của Tisco là rất cao.

Ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco).

Theo đó, 5 cựu lãnh đạo bị bắt tạm giam, gồm có: Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty thép Việt Nam (Vnsteel); Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Vnsteel; Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc Tisco; Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tisco và Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO.

Đóng băng vốn tại Dự án Giai đoạn 2, kết quả kinh doanh ì ạch

Dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2” được triển khai vào năm 2007 với tổng chi phí đầu tư toàn dự án theo dự toán ban đầu là 3.843 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là hơn 8.104 tỷ đồng.

Tổng chi phí đầu tư của dự án này đến thời điểm 31/12/2018 là 5.093 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hoá là 1.888 tỷ đồng. Từ năm 2011, TISCO đã phải dùng nguồn vốn ngắn hạn để trả lãi và gốc vay của dự án cho các ngân hàng. Tới thời điểm đầu tháng 6/2018 đã trả gốc và lãi tới 1.313 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau 12 năm, các hạng mục chính của dự án này vẫn chưa được hoàn thành. Trong khi đó, tình hình tài chính của Tisco đang ở mức tiêu cực nghiêm trọng.

Gang thép Thái Nguyên: Nợ như chúa chổm, “đống sắt vụn” 5.000 tỷ đóng băng - 1

Trụ sở CTCP Gang thép Thái Nguyên

Về kết quả kinh doanh năm 2018, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán, Tisco đạt doanh thu 10.935 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2017. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng gần 13% nên khoản lợi nhuận gộp của Tisco không thay đổi nhiều, đạt 534 tỷ đồng. Do các loại chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ so với năm 2017, cộng với chi phí lãi vay phải trả là hơn 240 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của Tisco chỉ đạt vỏn vẹn 36,5 tỷ đồng, sụt giảm mạnh 70% so với năm 2017.

Theo số liệu mới nhất kết thúc vào ngày 31/3/2019, tổng tài sản dài hạn của Tisco ở mức 7.175 tỷ đồng, trong đó tài sản nằm ở chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 5.166 tỷ đồng, chiếm tới 72%. Riêng phần xây dựng dở dang thuộc dự án mở rộng giai đoạn 2 đã lên tới 5.152 tỷ đồng. Đây là phần tài sản “đóng băng” và gây ra tình trạng thiếu vốn trầm trọng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tisco.

Nợ như chúa chổm, nguy cơ phá sản nếu không được giải cứu

Tổng nợ phải trả của Tisco đến hết Quý 1/2019 là 8.570 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là 1.879 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ ở mức 4,6 lần, cho thấy rủi ro cân đối tài chính của Tisco là rất cao.

Nợ vay ngân hàng của Tisco ghi nhận ở mức 5.385 tỷ đồng, nằm chủ yếu tại Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank). Đáng chú ý, khoản phải trả người bán liên quan tới dự án giai đoạn 2 vẫn đang ghi nhận ở mức 282 tỷ đồng, trong đó phải trả Tập đoàn luyện kim Trung Quốc hơn 122 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị của Tisco cũng thừa nhận rằng tình hình tài chính của TISCO đầu năm 2019 lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản là đang hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền.

Hiện tại, Tổng công ty thép Việt Nam vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ vốn góp là 65%, tiếp theo là Công ty Thái Hưng với 20% và các cổ đông khác chiếm 15% vốn. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TIS của Gang thép Thái Nguyên đang dừng ở ngưỡng 10.500 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của doanh nghiệp đạt hơn 2.900 tỷ đồng.

Con “tàu đắm” Vinalines gian nan tìm đường hồi sinh

Dự kiến trong nửa cuối năm 2019, Vinalines sẽ chuyển sang mô hình Công ty cổ phần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN